Công nghệ

Người đàn ông mất gần 3 tỷ đồng khi tham gia bán hàng trên website giả mạo

Ngọc Duy 22/04/2024 - 17:43

Nạn nhân đã bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang thương mại điện tử Carousel.

Sáng 22/4, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa công bố các hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (15/4 - 21/4).

Người đàn ông mất gần 3 tỷ đồng khi tham gia bán hàng online.

Theo đó, một nạn nhân tại Hà Nội đã bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang thương mại điện tử Carousel.

Cụ thể, anh N. (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn kết bạn từ một tài khoản Facebook nữ giới. Sau khi trò chuyện, người này mời anh N. cùng đầu tư bán hàng để hưởng hoa hồng trên một website. Website này có giao diện, tên miền giả mạo trang Thương mại điện tử Carousell của Singapore với các gian hàng đủ các loại sản phẩm.

Anh N. được hướng dẫn mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm do đối tượng cung cấp, khi có khách đặt hàng thì phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng.

Thời gian đầu tham gia, đơn hàng có giá trị từ 1-10 triệu đồng và có tiền hoa hồng trả về, anh N. vẫn có thể rút tiền ra được. Tuy nhiên, sau đó các đơn hàng có giá trị và số lượng lớn hơn rất nhiều. Khi số tiền đạt đến con số hàng tỷ đồng, nạn nhân không thể rút tiền ra được, đối tượng sẽ móc nối nhau đưa các lý do cần nâng cấp thành viên, đóng thuế, đóng phí hải quan… với mục đích để nạn nhân tiếp tục chuyển thêm tiền thì mới rút ra được. Đến khi bị mất hơn 2,7 tỷ đồng, nạn nhân mới biết mình đã bị lừa đảo.

Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử giả mạo.

Khi quyết định đầu tư, cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của các sàn thương mại điện tử thông qua hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử chính thức của Bộ Công thương tại website chính thức.

Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân liên hệ cơ quan công an gần nhất để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin còn cảnh báo các hình thức lừa đảo khác, như:

Các đối tượng lừa đảo sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau. Những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật... sẽ được các đối tượng nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Các đối tượng còn lừa đảo qua hình thức chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook, sử dụng hình ảnh các xe ô tô cũ trên mạng để đăng quảng cáo bán với giá rẻ lừa tiền đặt cọc từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, các đối tượng còn đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, dựa trên hình ảnh của Học viện An ninh nhân dân. Sau khi gây dựng được niềm tin, các đối tượng sẽ thông báo hỗ trợ nạn nhân nhận lại tiền bị lừa.

Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội nhờ các đối tượng giả danh Học viện An ninh nhân dân để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đàn ông mất gần 3 tỷ đồng khi tham gia bán hàng trên website giả mạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO