Đời sống

Mất tiền oan vì sập bẫy "Việc nhẹ, lương cao"

Ngọc Duy 16/01/2024 17:07

Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm tăng cao, cũng là thời điểm các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng trực tuyến ồ ạt xuất hiện với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Kết quả ấn tượng năm 2022 về ngăn chặn, xử lý nạn lừa đảo trực tuyến
Lừa đảo việc làm trực tuyến đang tăng mạnh dịp cận Tết Nguyên đán.

Dù các cơ quan chức năng, báo, đài liên tục đăng tin cảnh báo, phanh phui lừa đảo trực tuyến "Việc nhẹ, lương cao", nhưng đến nay, vẫn còn nhiều người mắc bẫy. Các đối tượng được nhắm đến chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm dịp tết.

Thực hư "Việc nhẹ, lương cao"

Mới đây, chị H.M.H. (35 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã mất hơn 80 triệu đồng khi làm cộng tác viên bán hàng online trên Facebook. Do đang thất nghiệp mà công việc này lại đơn giản, lương cao nên chị đã nhận làm việc.

Cụ thể, theo thông tin tuyển dụng, công việc không yêu cầu kinh nghiệm, kỹ năng, chỉ cần có điện thoại thông minh và thẻ ngân hàng. Cộng tác viên sẽ thanh toán các đơn hàng và hưởng tiền hoa hồng cho mỗi đơn từ 10 - 20%. Sau đó, công ty sẽ hoàn lại cả tiền lời và tiền gốc.

Khi thực hiện 10 đơn hàng đầu tiên, chị đã được hơn 2 triệu đồng tiền hoa hồng. Do ham lợi nhuận mà chưa thấy rủi ro, chị H. tiếp tục bỏ tiền ra thanh toán các đơn hàng. Lâu dần số tiền lên đến hơn 80 triệu đồng, thì chị H. không thể liên lạc được với công ty. Tất cả thông tin về công ty, từ số điện thoại, website, fanpage... đều đã biến mất.

duy.jpg
Nhiều bài đăng tuyển CTV làm việc online trên Facebook với mức thu nhập hấp dẫn, công việc đơn giản.

Hay chị N.T.T. (40 tuổi, Q.12, TP.HCM) đã mất hơn 1 triệu đồng do chuyển tiền đặt cọc trước cho buổi phỏng vấn công việc mới tại Quận Gò vấp.

Do vừa bị công ty cũ cắt giảm, nên chị đã lên Facebook tìm việc làm mới với hy vọng có thêm thu nhập trước Tết Nguyên đán. Một lần, thấy bài đăng tuyển nhân viên siêu thị không yêu cầu kinh nghiệm và hứa hẹn công việc đãi ngộ tốt, thưởng thêm theo doanh số, thưởng Tết… nên chị đã ứng tuyển.

"Họ bảo mình phải đóng trước tiền cọc hơn 1 triệu đồng để giữ chỗ, do có rất nhiều người đăng ký phỏng vấn, khi nào xong sẽ hoàn trả lại tiền. Sau đó, họ gửi địa chỉ để tôi đến phỏng vấn, nhưng đến nơi thì chả thấy gì, tôi mới biết bị lừa", chị T. kể lại.

"Không chấp nhận đặt cọc hay ứng tiền trước"

Trong buổi họp báo chiều 11/1 vừa qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết cận Tết Nguyên đán, các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gia tăng.

anh-man-hinh-2024-01-15-luc-15.20.18.png
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM chia sẻ về nạn lừa đảo trực tuyến.

Với thủ đoạn tuyển dụng việc làm trực tuyến. Các đối tượng lợi dụng nhu cầu kiếm thêm thu nhập dịp tết, để lừa đảo qua việc hướng dẫn hỗ trợ mở cửa hàng trực tuyến trên Amazon, Shopee; vào các sàn xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm... nhưng sau đó dẫn dụ người dân đầu tư và lừa đảo.

Đặc biệt là hình thức tuyển cộng tác viên làm online "việc nhẹ lương cao", như: Chạy quảng cáo, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng, bán hàng online, đánh giá dịch vụ, bán vé máy bay... với mức lương từ vài trăm đến vài triệu đồng/ngày.

Ngoài ra, các đối tượng xấu còn lợi dụng chiêu trò ăn theo ngày Tết để "gài" nạn nhân sập bẫy như: Đưa ra các chương trình "quà tặng, trúng thưởng Tết", "khuyến mãi Tết", "vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ"… với những giải thưởng, mặt hàng có giá trị hấp dẫn, rẻ hơn so với giá thị trường qua đó tiếp cận, chào mời người dân tham gia, mua hàng rồi chiếm đoạt tài sản.

Nhiều vị trí được tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm Q.11 (TP.HCM).

"Người dân tuyệt đối không tin vào các lời mời tuyển dụng việc nhẹ, lương cao mà không cần trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm. Đặc biệt, không chấp nhận đặt cọc hay ứng tiền trước đấy là một thủ đoạn rất rõ ràng khi đối tượng lừa đảo thường yêu cầu.

Ngoài ra, khi tìm việc, người dân nên thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước của các tổ chức chính trị, các trường, các trung tâm có địa chỉ tuyển dụng, địa chỉ làm việc rõ ràng", Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Theo báo cáo từ Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA), thông qua khảo sát 1.063 người Việt Nam, trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo.

Trong đó, có 29% người tham gia cho biết họ đã phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình, mỗi nạn nhân sẽ mất khoảng 17,7 triệu đồng (tương đương 734 USD).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất tiền oan vì sập bẫy "Việc nhẹ, lương cao"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO