Công nghệ

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử

Nhật Hòa 16/04/2024 - 08:04

Chiều 15/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

gopy.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo

Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải; Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Hoàng Ngân; Thành ủy viên, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM Lê Thanh Phong.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, giá trị. Đáng chú ý, góp ý về xây dựng tòa án điện tử (TAĐT), các đại biểu cho rằng, theo báo cáo của tòa án, hệ thống tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế, Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới… Từ thực trạng đó, các đại biểu đề nghị, cần phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng TAĐT.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai công tác năm 2024 TAND hai cấp TP.HCM tổ chức hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh: "TAND TP.HCM phải trở thành điểm sáng hàng đầu trong toàn hệ thống Tòa án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng TAĐT".

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị triển khai công tác năm 2024 TAND hai cấp TP.HCM tổ chức hồi cuối năm ngoái, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng đối mặt với khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đây là thành tựu của xã hội loài người, mặt tích cực đã thấy nhưng ngược lại phải đối diện với những mặt trái, thử thách. Bí thư cho rằng đây là thử thách vô cùng lớn đối với lực lượng bảo vệ pháp luật nói chung, các cơ quan tố tụng nói riêng, đặc biệt cơ quan xét xử.

Theo bài viết "Xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua và những định hướng, giải pháp trong thời gian tới" của PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, hiện nay, nhiều nền tảng số đã được Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng chứa đựng dữ liệu phục vụ cho hoạt động tố tụng; do đó, việc xây dựng TAĐT phải hướng đến kết nối với các nền tảng số của quốc gia và các bộ, ngành, tận dụng các dữ liệu đã được thu thập, đồng thời, chia sẻ dữ liệu liên quan với các nền tảng khác như: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thống kê, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Viện kiểm sát nhân dân tối cao,… Việc kết nối này cho phép Tòa án khai thác hiệu quả dữ liệu và phục vụ tích cực cho xây dựng xã hội số, kinh tế số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản trị quốc gia.

Để xây dựng thành công TAĐT, cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao, giải pháp đồng bộ, nguồn lực cần thiết, điều hành quyết liệt. Trước mắt, phải thực hiện tốt 05 giải pháp trọng điểm sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Hoạt động của TAĐT phải được vận hành trên nền tảng pháp lý đầy đủ, rõ ràng; do vậy, cần phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, thích ứng với công nghệ số, trong đó, tập trung vào: pháp luật về tố tụng điện tử; về CNTT, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; pháp luật về tổ chức bộ máy của Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng. Hệ thống pháp luật phải cho phép tiến hành các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của các phần mềm phục hồi chứng cứ điện tử; an ninh, an toàn mạng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử, trong đó có các kỹ sư CNTT…

Thứ hai, phát triển hạ tầng số hiện đại.

Hạ tầng CNTT, công nghệ số đóng vai trò quan trọng, là điều kiện cần thiết trong phát triển TAĐT; do vậy, cần xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất cho TAĐT, trong đó tập trung trang bị: 1) Các thiết bị số đầu cuối, đường truyền tốc độ cao ổn định, trung tâm lưu trữ dữ liệu lớn và trung tâm điều hành; 2) Các nền tảng số vận hành Tòa án và Trợ lý ảo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tương ứng với từng nhiệm vụ, hoạt động của Tòa án; 3) Chương trình đào tạo cho quản lý, vận hành và ứng dụng TAĐT. Việc đầu tư thiết bị công nghệ phải bảo đảm các yêu cầu như hiện đại, an ninh, an toàn, tiện lợi và cân nhắc “đi tắt, đón đầu”.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chuyển đổi số và xây dựng TAĐT. Việc xây dựng TAĐT phải gắn chặt với phát triển đồng bộ nhân lực trong tất cả các lĩnh vực quản lý, vận hành và ứng dụng công nghệ số. Theo đó, phải có đội ngũ kỹ sư CNTT, công nghệ số am hiểu về hoạt động Tòa án, cập nhật thường xuyên về sự phát triển của công nghệ; đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp có khả năng vận hành và ứng dụng công nghệ vào hoạt động tư pháp. Chỉ khi các Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhận thức đầy đủ về TAĐT và thay đổi thói quen làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số trên một nền tảng làm việc chung thống nhất của toàn hệ thống Tòa án, thì khi đó, TAĐT mới thực sự thành công.

Thứ tư, tiến hành kết nối với các nền tảng số khác.

Xây dựng TAĐT hướng đến kết nối với các nền tảng số của quốc gia và các bộ ngành khác như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, Cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thống kê, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao… Việc kết nối giữa các nền tảng số nhằm chia sẻ tài nguyên, dữ liệu cho phép Tòa án khai thác cơ sở dữ liệu cập nhật nhất, đầy đủ nhất để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ của mình và cho phép Thẩm phán đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng pháp luật.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Đến nay, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có những bước tiến dài trong xây dựng TAĐT. Do vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng TAĐT nhằm giúp chúng ta tiếp cận ngay các thành tựu tiên tiến của công nghệ số trên thế giới, cũng như những ứng dụng trong các hoạt động của Tòa án; khắc phục được những bất cập, hạn chế khi thực hiện; thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nền tư pháp phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO