Công nghệ

Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ

Đỗ Phương 04/04/2024 - 23:25

Ngày 4/4 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM vừa phối hợp cùng Viện Nghiên cứu vùng và đô thị tổ chức hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ”. Sự kiện có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu.

Hội thảo nhằm trao đổi ý tưởng cho các giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng, phục vụ phát triển bền vững cho TP.HCM.

quang-canh-ht_4.4.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TP.HCM chủ trì hội thảo

Ông Đặng Quốc Toản – đại diện Công ty Năng lượng châu Á, đơn vị nghiên cứu cho biết nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ có vị trí, diện tích khoảng 325.123 ha thuộc vùng Nam biển Đông, với quy mô công suất khoảng 6.000MW.

Bên cạnh đó, Điện gió ngoài khơi (ĐGNK) Cần Giờ được xem là nguồn năng lượng xanh phục vụ các công trình hạ tầng trọng điểm của Thành phố (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ…) và của vùng Đông Nam Bộ.

Trọng điểm của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030, cụ thể như sau: trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ có vị trí tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM… và trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận.

Theo đó, quy mô ĐGNK khoảng 2.000 - 2.500 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 1.500 - 2.000 MW.

Căn cứ theo Quyết định 262, nội dung đề xuất đầu tư tại nhà máy ĐGNK Cần Giờ giai đoạn 2031 – 2035 là 2.000MW cho mục đích phát điện và 1.000MW cho sản xuất Green Hydrogen, Ammonia; giai đoạn 2036 -2040 là 2.000MW cho mục đích phát điện và 1.000MW cho sản xuất Green Hydrogen, Ammonia, diện tích xây dựng khoảng 30 ha tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Tiềm năng to lớn, đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia:

Về tiềm năng của nhà máy ĐGNK Cần Giờ, ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần năng lượng dầu khí châu Á (AsiaPetro) cho biết, ĐGNK Cần Giờ có diện tích mặt nước trên 325.100 ha với tổng công suất lắp đặt 6.000 MW.

Dự án chia làm 4 giai đoạn đầu tư từ 2025 – 2040 sẽ giảm phát thải hơn 200 triệu tấn carbon trong vòng đời của dự án.

1931986cc7b468ea31a5.jpg
Ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á (AsiaPetro)

Ngoài ra, nhà máy ĐGNK Cần Giờ sẽ cung cấp nguồn điện sạch vào lưới điện quốc gia, sản xuất Green Hydrogen, Ammonia và cung cấp điện sạch cho dự án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ và cung cấp điện, Hydrogen xanh cho các đô thị, các khu công nghiệp, các phương tiện giao thông vận tải để giảm phát thải khí các-bon, dự án không ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ.

Dự án sẽ giúp tạo ra hàng chục ngàn việc làm trong suốt vòng đời và hàng tỷ USD cho các nhà thầu trong nước, góp phần chính vào chiến lược trung hòa các-bon của TP.HCM và Việt Nam tới năm 2050, theo cam kết của Chính phủ tại COP26 và đúng theo tinh thần Nghị quyết của Thành phố và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

mo-phong-nha-may-san-xuat-green-hydrogen-ammonia.png
Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ có cung cấp điện cho đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: mô phỏng

Bên cạnh đó, ĐGNK Cần Giờ còn cung cấp điện cho siêu cảng xanh Cần Giờ, được biết dự án siêu cảng xanh Cần Giờ dự kiến có tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km và bến sà lan dài 2 km, siêu cảng xanh sẽ sử dụng nguồn điện xanh và nhiêu liệu sạch từ ĐGNK Cần Giờ, Green Hydrogen, Ammonia. Siêu cảng Cần Giờ dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, người lao động làm việc tại cảng, đóng góp trực tiếp cho ngân sách khoảng 34.000 – 40.000 tỷ đồng/năm.

Với dự án siêu đô thị lấn biển Cần Giờ, dự án sẽ sử dụng nguồn điện xanh và nhiên liệu xanh từ ĐGNK Cần Giờ và Green Hydrogen. Nguồn nước sạch từ các hồ chứa tại Bà Rịa Vũng Tàu được cung cấp thông qua hệ thống đường ống kép trong tuyến đường sắt 5 trong 1 và hầm xuyên biển từ Cần Giờ tới cảng Cái Mép, kết nối với hệ thống đường sắt 5 trong 1 dọc theo hướng bắc phía Biển Đông.

Dự án khu đô thị cảng quốc tế Hiệp Phước là khu đô thị xanh được quy hoạch với chức năng cấu thành hoàn chỉnh cho kế hoạch phát triển tổng thể cho khu đô thị xanh– khu công nghiệp xanh – cảng du lịch quốc tế Hiệp Phước. Khu tổ hợp phát triển ĐGNK và Green Hydrogen với quy mô 6GW cung cấp nguồn năng lượng và nhiên liệu sạch cho TP.HCM để trung hoà carbon vào năm 2040.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO