Bạn đọc

Cẩn trọng lừa đảo khi mua vé xem phim "Đào, Phở và Piano"

Ngọc Duy 25/02/2024 - 17:14

Mới đây, Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã ghi nhận tình trạng khán giả bị lừa khi mua lại vé phim "Đào, Phở và Piano" tại các hội, nhóm trên mạng xã hội.

Đây là một trong 5 hình thức lừa đảo trực tuyến sau Tết Nguyên đán (từ ngày 19/2 - 25/2), vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chỉ ra vào ngày 25/2.

Cụ thể, Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã ghi nhận tình trạng khán giả bị lừa khi mua lại vé phim "Đào, Phở và Piano" tại các hội, nhóm trên mạng xã hội.

Các đối tượng xấu đã lợi dụng độ "hot" của phim, đăng bài "giao bán lại vé", nhằm vào những người không mua được vé, nhẹ dạ cả tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bằng những mã QR giả; hoặc có trường hợp pass lại vé với mức giá lên đến 500.000 đồng.

anh-man-hinh-2024-02-25-luc-12.08.35.png
Một rạp chiếu phim cảnh báo về tình trạng lừa đảo khi mua vé xem phim "Đào, Phở và Piano".

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo khán giả không mua vé xem phim do người khác bán lại trên Internet để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Người dân nên lựa chọn những địa chỉ, website uy tín và được xác minh rõ ràng; hoặc giao dịch trực tiếp để tránh tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin còn cảnh báo về 4 hình thức lừa đảo trực tuyến khác, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỉ đồng, như:

Lừa đảo quảng cáo xây nhà gỗ trên mạng xã hội do Đ.V.C (tỉnh Hà Nam) thực hiện. Từ 2023 đến nay, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tới 2,5 tỷ đồng, bằng cách lừa tiền đặt cọc xây dựng nhà gỗ, sau đó huỷ kết bạn, chặn liên lạc.

Hay lực lượng công an mới đây cũng đã phát hiện, bắt giữ 32 nghi can thuộc đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng của nhiều nạn nhân. Các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng... để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng những mô hình kinh doanh trực tuyến qua ứng dụng hay website, với lời chào mời lãi suất cao, an toàn và linh hoạt, đầu tư thông minh... để thu hút nạn nhân.

Ban đầu, đối tượng sẽ tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, đầu tư số tiền nhỏ, người đầu tư dễ dàng rút về số tiền thưởng. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu người chơi muốn rút tiền thì phải đóng các khoản tiền để xác minh. Với tâm lý muốn lấy lại số tiền đã đóng, nhiều bị hại đã chuyển cho đối tượng hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng.

Tương tự là hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên online. Thời gian gần đây, có nhiều người dân bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Cộng tác viên sẽ thanh toán các đơn hàng và hưởng tiền hoa hồng cho mỗi đơn từ 10 - 20%. Sau đó, công ty sẽ hoàn lại cả tiền lời và tiền gốc.

Với những đơn hàng đầu tiên, ít tiền, các công ty sẽ thanh toán đầy đủ cho nạn nhân để tạo lòng tin. Lâu dần, khi số tiền thanh toán lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng, công ty sẽ biến mất ngay lập tức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng lừa đảo khi mua vé xem phim "Đào, Phở và Piano"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO