Giáo dục

Xu hướng và thách thức của mô hình Đại học chia sẻ

Hoàng Nguyễn 17/07/2023 - 15:06

Mô hình Đại học chia sẻ giữa các trường đại học đã được một số trường triển khai trong những năm gần đây. Tuy nhiên việc triển khai mô hình này chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng và còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại hội thảo khoa học “Mô hình Đại học chia sẻ - lợi ích từ sự hợp tác chia sẻ nguồn học liệu, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất tại các trường đại học” do Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM (Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM) tổ chức, các chuyên gia giáo dục trên cả nước đã có những đánh giá về mô hình này.

Đại học chia sẻ giúp giảm chi phí học tập và giảng dạy

PGS.TS Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM cho biết trong thời đại kỹ thuật số, việc chia sẻ nguồn lực dùng chung giữa các trường đại học trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Cuộc các mạng công nghiệp 4.0 cùng xu hướng số hóa, tự chủ đại học tại Việt Nam là điều kiện rất thuận lợi để hình thành hệ thống Đại học chia sẻ. Tuy nhiên, PGS. Lung cho rằng cần hiểu Đại học chia sẻ là mô hình dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, không phải một trường đại học vật lý.

“Một trong những lợi ích quan trọng của mô hình Đại học chia sẻ là giảm chi phí cho tài liệu học tập và giảng dạy. Thông qua việc tận dụng các học liệu dùng chung, Đại học chia sẻ có thể cung cấp các học liệu giảng dạy chất lượng cao và ít gây gánh nặng tài chính cho sinh viên lẫn nhà trường” - PGS.TS Vũ Đức Lung cho biết.

pgs.ts-vu-duc-lung-2-.jpg
PGS.TS Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM trình bày về mô hình Đại học chia sẻ.

PGS.TS. Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM cho rằng, một vấn đề đặt ra đối với Đại học chia sẻ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các trường là cơ chế chia sẻ và nội dung chia sẻ trong hệ thống để các bên tham gia đều có lợi ích. Các lợi ích chính mà mô hình ĐH chia sẻ có thể mang lại là hiệu quả, kinh tế, chất lượng, công khai, hội nhập đối với các trường tham gia, đối với người học và đối với nhà nước, cơ quan quản lý.

Đồng thời PGS.TS Lê Tuấn Lộc cũng cho rằng nội dung chia sẻ trong mô hình Đại học chia sẻ là rất quan trọng. PGS.TS Lê Tuấn Lộc đề xuất 4 thành phần của nội dung chia sẻ gồm: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, nguồn học liệu, nguồn nhân lực. Nền tảng của các hệ thống này chính là áp dụng các công nghệ trong kỷ nguyên CMCN 4.0 vào việc sản xuất, quản lý và phân phối các tài nguyên có thể dùng chung, có thể chia sẻ, giúp giảm thiểu chi phí, tận dụng thế mạnh của các trường đại học, so sánh đối chiếu để cải thiện chất lượng đào tạo.

Nhiều mô hình nhưng ít hiệu quả

Theo thông tin từ hội thảo, mô hình Đại học chia sẻ giữa các trường đại học trong cùng hệ thống ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội và giữa các trường đại học ngoài hệ thống cũng đã được triển khai trong thời gian gần đây. Trong đó, cùng hệ thống, ĐHQG-HCM triển khai hệ thống học liệu số từ năm 2021 nhằm cung cấp nền tảng dạy và học trực tuyến cho giảng viên và sinh viên. ĐHQG Hà Nội cũng đã triển khai Thư viện số tài liệu nội sinh phục vụ người đọc trực tuyến lưu trữ và quản trị khoảng 50.000 đối tượng số.

Các trường đại học khác hệ thống ĐHQG cũng có sự chia sẻ với một số dự án, mô hình. Dự án “Xây dựng thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (14/3/2017) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với 45 trường/học viện thành viên tham gia, cung cấp cơ sở dữ liệu sách điện tử và tạp chí điện tử cho các trường, tổng số tải về là 1.067.009 cuốn sách và 1.301.029 tạp chí. Mô hình “Trung tâm Tri thức số: Kết nối thư viện số dùng chung - Đổi mới sáng tạo” với sự phối hợp chủ trì của Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQG Hà Nội (VNU-LIC), Liên Chi hội thư viện đại học phía Bắc đã có hơn 40 trường đại học tham gia kết nối. Mạng liên kết thông tin khoa học và công nghệ (hệ thống STINET) thực hiện từ 2018, theo Quyết định số 6770/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 do UBND TP.HCM phê duyệt hiện có 44 đơn vị thành viên tham gia đóng góp gần 524.000 tài liệu thư mục, trong đó có hơn 109.000 toàn văn,…

Theo các chuyên gia, đề án Đại học chia sẻ và việc triển khai thí điểm mô hình là rất cần thiết để tiến tới xây dựng một mô hình Đại học chia sẻ hoàn chỉnh trong toàn ĐHQG-HCM. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình Đại học chia sẻ hiện vẫn còn khiếm tốn, chưa đạt được kỳ vọng.

Đánh giá hiện trạng và khả năng triển khai mô hình Đại học chia sẻ tại Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM, TS. Huỳnh Khả Tú và ThS. Nguyễn Thanh Tâm (Phòng Đào tạo Đại học của trường ĐH Quốc tế) cho biết, tuy có nhiều mối quan hệ với các trường đối tác và có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường thành viên ĐHQG-HCM với nhau, hoạt động chia sẻ đại học tại Trường ĐH Quốc tế vẫn còn ít và chưa khai thác được hết tiềm năng của các mối quan hệ cũng như chưa sử dụng hiệu quả các hoạt động này đề giải quyết các vấn đề thiếu cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của nhà trường. Hoạt động này cũng rời rạc theo từng lĩnh vực và chưa có một chính sách, chiến lược chung cũng như chưa có các quy định cụ thể cho việc triển khai.

Giải pháp nào cho mô hình Đại học chia sẻ có hiệu quả?

Theo TS. Đặng Thị Đào Trang (Học viện Hành chính Quốc gia), hai khó khăn đối với mô hình Đại học chia sẻ là cơ chế quản trị của các trường đại học và hành lang pháp lý cho việc áp dụng mô hình này. Hiện nay, cơ chế quản trị của các trường, nhất là các trường đại học ngoài hệ thống ĐHQG vẫn còn nhiều điểm khác nhau, nhất là tài chính nên sẽ gây ra những khó khăn khi tiến hành chia sẻ cơ sở vật chất, chia sẻ nhân lực (liên quan đến chi phí giảng dạy). Ngoài Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ thì vẫn chưa có thêm các văn bản quy phạm để hướng dẫn, do vậy còn nhiều khoảng trống chính sách trong quản lý kinh tế chia sẻ nói chung và Đại học chia sẻ nói riêng.

“Bên cạnh đó, chưa có các quy định cụ thể cho việc quản lý nguồn lực và tài sản công; giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học và công lập chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức các văn bản hướng dẫn có liên quan nên hạn chế về việc chia sẻ cơ sở vật chất và nhân lực giữa các trường đại học theo mô hình Đại học chia sẻ”- TS. Đặng Thị Đào Trang nêu thực trạng.

Về chia sẻ nguồn nhân lực, ThS. Nguyễn Viết Sơn (Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG-HCM) cho rằng, cơ sở giáo dục đại học có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý với viên chức, người lao động của mình khi chia sẻ nguồn nhân lực với các trường đại học khác, thậm chí có thể sẽ mất nguồn nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp giỏi khi nhân sự chọn chuyển đến trường khác với chính sách, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc tốt hơn.

dai-hoc-chia-se-2-.jpg
Các đại biểu thể hiện sự tin tưởng và quyết tâm xây dựng mô hình Đại học chia sẻ.

Để thực hiện mô hình Đại học chia sẻ hiệu quả, PGS.TS Lê Tuấn Lộc đề xuất xây dựng Hệ thống tích lũy và công nhận tín chỉ giữa các trường đại học nhằm tạo điều kiện cho người học học tập và giảm chi phí, về lâu dài đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Bên cạnh đó là xây dựng các Platform chia sẻ để các trường có thể chia sẻ các khoá học, tài liệu… cho người học tiếp cận, có thể dưới dạng miễn phí hoặc có phí. Đồng thời, các đại học của Việt Nam tham gia tích cực vào các tổ chức giáo dục của khu vực và thế giới (như hệ thống AUN) và Bộ giáo dục và Đào tạo cần xây dựng các chính sách và quy định khuyến khích việc hợp tác và chia sẻ trong hệ thống giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng và thách thức của mô hình Đại học chia sẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO