Giáo dục

Nâng cao hiệu quả phân luồng, định hướng giáo dục cho học sinh

HOÀNG NGUYỄN 19/09/2024 18:08

TP.HCM nâng cao hiệu quả phân luồng, định hướng giáo dục cho học sinh nhằm đạt chỉ tiêu đến 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp.

Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025 đã diễn ra ngày 19/9.

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học giáo dục nghề nghiệp còn thấp

Báo cáo sơ kết một năm phối hợp thực hiện, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%. Trong đó, năm 2023 đạt tỉ lệ 28,54% và 8 tháng đầu năm 2024 đạt tỉ lệ 22,95%. Kết quả này đã dự báo nhiều thách thức lớn của 2 ngành trong việc thực hiện Đề án phân luồng học sinh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị, và chính quyền địa phương các cấp. Theo đó, mục tiêu thực hiện đề án phân luồng học sinh đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp.

pho-chu-tich-ubnd-tphcm-tran-thi-dieu-thuy.jpg
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc đầu tư và đào tạo nghề cho học sinh các trường nghề tại TP.HCM rất quan trọng bởi đây là nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường lao động của thành phố. Ngành Giáo dục và Lao động đã tiên phong phối hợp và có sự ủng hộ lớn của xã hội trong công tác định hướng, phân luồng học sinh trên địa bàn thành phố. “Chúng ta mới đạt 26% chỉ tiêu về phân luồng giáo dục và đào tạo nghề, còn khoảng cách rất xa so với chỉ tiêu đề án được duyệt. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta rất khác so với các tỉnh, thành khác. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục phấn đấu”, bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng đề nghị các trường nghề cần tập trung công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh chọn nghề phù hợp; phân luồng phù hợp với học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tạo điều kiện để các trường nghề tiếp cận học sinh, bình đẳng trong phối hợp hướng nghiệp tuyển sinh cho học trò. Bên cạnh đó, cần nâng chất lượng các trường nghề, đầu tư cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề để tạo sự hấp dẫn cho phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, cần đầu tư và đề xuất đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị máy móc phục vụ và chất lượng giáo viên đứng lớp dạy nghề là rất quan trọng. Phải nghiên cứu để kết nối các trường phổ thông với doanh nghiệp (nơi sử dụng lao động) để nắm được thị trường lao động đang cần gì để phân luồng, đào tạo cho các học sinh cuối cấp 2, cấp 3. Bà Trần Thị Diệu Thúy cũng đề nghị các trường quan tâm đến kỹ năng nghề để con người do trường đào tạo ra chuẩn kỹ năng lao động như một công nhân và chỉ cần đào tạo 1-2 tháng trong môi trường mới.

“Giáo dục nghề nghiệp nằm trong một tổng thể rất lớn được Chính phủ và Thành phố quan tâm. Mong muốn của Thành phố đối với giáo dục nghề nghiệp là chất lượng, hiệu quả và có ngay con người trong vòng sau 1 đến 2 năm đào tạo nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố nói riêng và khu vực phía nam nói chung”, bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết.

Tỉ lệ học sinh có nhu cầu chọn đại học vẫn ở mức cao là 70%

Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tham luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng, định hướng giáo dục cho học sinh. Theo nhiều đại biểu, việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nhận thức xã hội về học nghề còn chưa đầy đủ, quan điểm học nghề chỉ dành cho học sinh không đủ khả năng theo học chương trình phổ thông.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM cho biết, Qua khảo sát nhu cầu chọn nghề của học sinh trung học phổ thông năm 2020-2023 có nhiều chuyển biến khá tích cực nhưng kết quả khảo sát chọn bậc đào tạo của học sinh THPT, tỉ lệ học sinh có nhu cầu chọn đại học vẫn ở mức cao là 70% , cao đẳng 25% và trung cấp 5%.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, ở các trường phổ thông còn thiếu đội ngũ tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp dẫn đến khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh. Chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm khi tốt nghiệp trường nghề cũng là một trong những vấn đề khiến phụ huynh, học sinh còn băn khoăn khi chọn học nghề.

ts-an-long-pho-hieu-truong-cao-dang-kinh-te-1.jpg
TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM trình bày tham luận tại hội nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ đơn vị, TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết, nhờ tăng cường hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo (100% các ngành đào tạo đều có hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp), tỷ lệ sinh viên trường tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đào tạo là 86%/năm trở lên; hiệu suất đào tạo tăng dần theo từng năm và nhà trường luôn đảm bảo đạt chỉ tiêu tuyển sinh theo hằng năm (trung bình mỗi năm khoảng 3.000 chỉ tiêu).

“Cơ sở giáo dục cần đổi mới, sáng tạo trong hợp tác doanh nghiệp về đào tạo kép nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực hành tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội”, TS. An Long khẳng định.

Tại hội nghị, nhằm triển khai hiệu quả hơn các nội dung quản lý nhà nước thuộc 2 ngành, đồng thời triển khai các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân TP.HCM giao tại Kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 2673/QĐ-UBND, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp công tác.

so-giao-duc-va-dao-tao-ky-ket-so-lao-dong-thuong-binh-xa-hoi-tphcm.jpg
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ký kết hợp tác.
so-ldtbxh-tphcm-ky-ket-dh-quoc-gia-tphcm.jpg
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Đại học Quốc gia TP.HCM ký kết hợp tác.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, sự hợp tác cùng Sở GD&ĐT nhằm phối hợp để công tác quản lý nhà nước của hai ngành ngày càng hiệu quả, chặt chẽ hơn. Thông qua quy chế phối hợp này, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động, các dữ liệu, thông tin trong công tác quản lý nhà nước giữa 2 ngành được chủ động trao đổi, cập nhật góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội cho người dân trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và lao động, xã hội, người có công. Kế hoạch phối hợp giữa Đại học quốc gia TP.HCM với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM được ký kết sẽ làm tiền đề, là cơ sở để công tác giáo dục nghề nghiệp của TP.HCM được cải tiến, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài nước, góp phần tăng năng suất lao động cho Thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả phân luồng, định hướng giáo dục cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO