Giáo dục

Có nên chọn ngành mới, chọn nghề theo xu hướng?

HOÀNG NGUYỄN 27/04/2024 06:25

Trong mùa tuyển sinh đại học 2024, nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn trước những câu hỏi về chọn ngành, chọn nghề thế nào là phù hợp trước những ngành mới theo xu hướng đang được quan tâm như ngành Thiết kế vi mạch.

Ngành mới “hot” kỷ lục năm nay: Thiết kế vi mạch

Xu hướng mở ngành mới, đáp ứng yêu cầu xã hội ngày càng được các trường đại học chú trọng. Trong mùa tuyển sinh năm 2024, hàng loạt trường đại học lớn đã thông tin mở ngành mới và tuyển sinh từ năm nay, thu hút thí sinh quan tâm: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở 6 ngành học mới: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động; Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh; Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự kiến mở nhiều ngành, chương trình mới, trong đó có Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng,…

sinh-vien-hoc-tap-tai-phong-thi-nghiem-vi-mach-va-he-thong-cao-tan-.-anh.-thien-thong-1-.jpg
Sinh viên học tập tại phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại ĐHQG-HCM.

Đặc biệt, một trong những ngành mới đáng chú ý nhất trong năm nay là thiết kế vi mạch. Thiết kế vi mạch không chỉ là một ngành học mà còn là một lĩnh vực chuyên sâu nghiên cứu, phát triển và sản xuất các chip điện tử, hay còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit). Có thể thấy, đây là ngành đang “hot” và lập kỷ lục được hàng chục trường đại học đồng loạt mở mới và tuyển sinh từ năm nay: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường đại học Phenikaa, Trường ĐH Gia Định,…

Dẫn đầu xu hướng, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) mở mới và tuyển sinh đào tạo ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn tại 3 trường đại học thành viên (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ Thông tin). ĐHQG-HCM và Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản hợp tác nhằm tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch tại ĐHQG-HCM, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

pgs-ts-vu-hoai-quan-2.jpg
Đại diện ĐHQG-HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM (bên trái) ký kết hợp tác với đại diện Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ).

Ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ 14% mỗi năm (từ năm 2001 đến nay) và dự kiến đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, Top 5 thế giới năm 2030 với nhân lực khoảng 50.000 người. Vì vậy, theo các chuyên gia, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch tại Việt Nam đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Các tập đoàn thiết kế vi mạch thế giới cũng đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường tìm kiếm đầu tư vào Việt Nam.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại ĐHQG-HCM nói riêng, cần giải quyết 5 thách thức quan trọng: Thu hút sinh viên giỏi, phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo mới, đầu tư phòng thí nghiệm và phần mềm, hợp tác R&D giữa các doanh nghiệp và đại học. Và để vượt qua 5 thách thức này, ĐHQG-HCM và Synopsys đã trao đổi và xác định sẽ cùng triển khai các giải pháp cụ thể.

sinh-vien-hoc-tap-tai-phong-thi-nghiem-vi-mach-va-he-thong-cao-tan-.-anh.-thien-thong-3-.jpg
Sinh viên học tập tại phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại ĐHQG-HCM.

Thời gian vừa qua, ĐHQG-HCM đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Theo thống kê từ Synopsys, có trên 53% số kỹ sư đang làm việc cho các doanh nghiệp thiết kế vi mạch được đào tạo từ các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.

Chương trình phát triển ĐHQG-HCM thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu đào tạo 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. ĐHQG-HCM sẽ thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn, là đầu mối phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu, hiện đại trong lĩnh vực vi mạch, đẩy mạnh chế tạo thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và phát minh sáng chế.

Trong năm 2024, ĐHQG-HCM tiếp tục đầu tư khoảng 80 tỷ cho 2 phòng thí nghiệm mới về công nghệ vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Công nghệ Thông tin với nhiều trang thiết bị hiện đại, nhằm phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu. Trước đó, năm 2018, ĐHQG-HCM đã đầu tư hơn 60 tỷ để thành lập Phòng thí nghiệm Vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường Đại học Bách khoa.

Chọn ngành, chọn nghề thế nào cho phù hợp?

Những ngành mới theo xu hướng xã hội được các trường đại học mở mới hằng năm đều thu hút nhiều thí sinh quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hướng nghiệp – tuyển sinh, không phải thí sinh nào cũng có thể xét tuyển và theo học những ngành mới, ngành hot được.

Đơn cử đối với ngành Thiết kế vi mạch – ngành “hot” của năm nay, các trường đại học hàng đầu thường thiết lập để phù hợp với học sinh có thành tích xuất sắc ở khối khoa học tự nhiên, bao gồm tổ hợp môn thi A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh). Trước đó, năm 2023, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG-HCM) có điểm chuẩn cho ngành Kỹ thuật máy tính/chuyên ngành thiết kế vi mạch là 25,4 điểm khi sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

thiet-ke-vi-mach-1.jpg
Ngành Thiết kế vi mạch đòi hỏi học sinh có thành tích xuất sắc ở khối khoa học tự nhiên. (ảnh minh họa).

Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, điểm chuẩn cho chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông theo phương thức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 26,46 điểm (khối A00, A01) với chương trình chuẩn và 25,99 điểm (khối A00, A01) với chương trình tiên tiến.

“Các ngành mới như thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn đòi hỏi thí sinh phải có năng khiếu tự nhiên, thí sinh có năng lực suy luận, năng lực toán học, vật lý học, hóa học,… Vì vậy thí sinh yêu thích và giỏi toán - lý - hóa sẽ có ưu thế khi chọn ngành. Những thí sinh không có năng khiếu và năng lực liên quan đến khoa học tự nhiên rất khó để vào và theo được ngành này”, TS. Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, ĐHQG-HCM, nhận định.

Theo các chuyên gia, để chọn ngành, chọn nghề cho phù hợp, thí sinh phải xác định mục tiêu nghề nghiệp, đánh giá bản thân có phù hợp với ngành nghề đó không (dựa trên kiến thức, kỹ năng và tính cách), xem xét nhu cầu xã hội để có thể chọn cho mình nghề nghiệp dự định theo nó suốt đời. Sau khi xác định được ngành nghề mong muốn, thí sinh cần xem xét hoàn cảnh điều kiện kinh tế của gia đình và lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông, Trường Đại học Gia Định, chia sẻ, hiện nay, nhiều thí sinh không tìm hiểu kỹ các ngành nghề mà chỉ chọn ngành theo xu hướng chung. Việc này gây khó khăn cho các em trong quá trình học cũng như sau này ra trường làm việc. Do vậy, ngoài việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh, các em cần tìm hiểu kỹ ngành nghề để có thể lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân từ đó có thể học tập và làm việc tốt trong tương lai. Việc chuẩn bị từ sớm cho các kỳ thi và lên chiến lược lựa chọn các ngành học, trường đại học đúng với sở thích, sở trường sẽ gia tăng cơ hội hoàn thành mục tiêu trong năm nay cho các thí sinh cuối cùng theo học chương trình hiện hành.

ts-mai-duc-toan.jpg
Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông, Trường Đại học Gia Định tư vấn cho thí sinh chọn ngành nghề.

Bên cạnh đó, TS. Mai Đức Toàn cũng lưu ý thí sinh trước ngưỡng của đại học, việc chọn ngành nghề sao cho phù hợp thì có 2 căn cứ quan trọng nhất là năng lực của thí sinh và điều kiện kinh tế của gia đình.

“Nếu thí sinh có năng lực mà gia đình khó khăn, không đủ điều kiện kinh tế để trang trải các chi phí thì cũng khó để theo học tại trường đại học có mức học phí cao. Ngược lại, nếu gia đình có điều kiện kinh tế mà thí sinh không đáp ứng được năng lực học tập thì khi trường xét tuyển cũng không thể đậu được hoặc có đậu cũng không thể theo học nổi. Vì vậy, thí sinh phải cân nhắc xem năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình mình như thế nào để chọn ngành, chọn trường cho phù hợp.

Việc các sinh viên đi làm thêm hiện nay khá nhiều và tôi rất hoan nghênh việc vừa học vừa làm. Tuy nhiên, các bạn nên hiểu việc đi học là chính và đi làm chỉ là phụ, việc đi làm thêm như lao động phổ thông thường không đem lại thu nhập lớn để có thể trang trải toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt. Thí sinh đừng ảo tưởng mà chọn trường đại học có mức học phí cao rồi đi làm thêm để trả vì điều này là không thể, chỉ trừ số ít trường hợp sinh viên quá xuất sắc”, TS. Toàn nhấn mạnh.

Học phí hiện nay ở các trường đại học có nhiều mức khác nhau và nhiều trường có lộ trình tăng học phí năm sau cao hơn năm trước. Mức học phí có sự chênh lệch, thậm chí là chênh lệch rất lớn giữa các ngành trong 1 trường và giữa các trường (công lập, công lập tự chủ, tư thục, quốc tế,…).

Trước đây, các trường đại học công lập thu học phí theo một mức trần quy định, hiện nay, trong hệ thống trường công lập có nhiều mức thu khác nhau. Các trường đã và đang áp dụng cơ chế tự chủ hiện đều có mức học phí tăng mạnh, thậm chí là có mức học phí cao so với mặt bằng. Vì vậy, thí sinh cần xem xét kỹ thông tin học phí được các trường đại học công bố trong đề án tuyển sinh hằng năm theo quy định của Bộ GD&ĐT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên chọn ngành mới, chọn nghề theo xu hướng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO