Giáo dục

Chọn sinh viên giỏi cho ngành Thiết kế vi mạch

HOÀNG NGUYỄN 10/09/2024 - 13:35

Năm nay, Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ xét tuyển lấy 95 sinh viên chứ không lấy đủ chỉ tiêu nhằm chọn sinh viên giỏi.

Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM (UIT) vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển ngành Thiết kế vi mạch là 26,3 điểm. Đây là tổng điểm 3 môn (Khối A00, gồm các môn Toán - Lý – Hóa) thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đã tính điểm ưu tiên.

Tỷ lệ “chọi”: 1/14

TS. Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, năm nay, nhà trường nhận được 1.364 hồ sơ nộp vào xét tuyển ngành Thiết kế vi mạch. Trong khi chỉ tiêu cho ngành này chỉ là 100, nhưng nhà trường chỉ lấy 95 thí sinh vì mục đích là “chọn” được sinh viên giỏi chứ không “lấy” cho đủ chỉ tiêu. Như vậy, tỉ lệ “chọi” ngành Thiết kế vi mạch của trường năm nay là 1/14.

TS. Minh Khang cho biết, tuy ngành Thiết kế vi mạch trường mới tuyển sinh và đào tạo năm nay là năm thứ 2 nhưng ngay từ lúc thành lập trường (năm 2006), UIT đã đào tạo các kỹ sư chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành Kỹ thuật máy tính.

sinh-vien-thiet-ke-vi-mach-uit.jpg
Sinh viên ngành Thiết kế vi mạch UIT trong giờ thực hành.

“Nhà trường luôn tích cực trong công tác tìm kiếm nguồn lực từ Đại học Quốc gia TP.HCM và các đối tác doanh nghiệp từ bên ngoài. Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện cho Khoa Kỹ thuật máy tính (đơn vị vận hành chương trình đào tạo có liên quan đến chuyên ngành Thiết kế vi mạch) phát triển 1 phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch ứng dụng đặc thù (ASIC Design) và 1 phòng thực hành Thiết kế vi mạch số, thực hiện cải tiến chương trình đào tạo trong đó có những môn học hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và công ty làm trong lĩnh vực thiết kế cùng đào tạo sinh viên năm cuối.

Trường cũng phối hợp các doanh nghiệp và công ty thiết kế trong công tác thực tập tốt nghiệp, cùng hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp và tuyển dụng. Những hoạt động này giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng những sinh viên yêu thích ngành và mong muốn làm việc với doanh nghiệp từ trong trường đại học”, TS. Minh Khang chia sẻ.

Chương trình đào tạo đầy đủ theo định hướng

TS. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính UIT cho biết, nhờ cơ chế thí điểm ngành đào tạo mới của Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2024 Khoa Kỹ thuật máy tính UIT đã xây dựng một chương trình đào tạo kỹ sư ngành Thiết kế vi mạch theo định hướng Thiết kế hệ thống vi mạch trên chip (System – on – Chip Design). Chương trình đào tạo này bao gồm 8 học kỳ với 4 năm học. Sinh viên sẽ được học 6 nhóm kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong 2 năm đầu như: khối kiến thức Toán và Khoa học cơ bản, khối kiến thức khoa học xã hội và chính trị, khối kiến thức ngoại ngữ, khối kiến thức máy tính và hệ thống, khối kiến thức lập trình và dữ liệu, khối kiến thức bán dẫn.

giang-vien-khoa.jpg
Giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính UIT trao đổi về đào tạo Thiết kế vi mạch.

Trong năm 3, sinh viên sẽ học những khối kiến thức liên quan đến kỹ thuật và phương pháp thiết kế, hiện thực vi mạch số và vi mạch CMOS. Năm 4, sinh viên thực hiện các đồ án chuyên ngành, Khóa luận tốt nghiệp và được cũng cấp thêm các kiến thức chuyên sâu về thiết kế vi mạch ở mức hệ thống (SoC Design), thiết kế vi mạch ở mức vật lý (Physical Design), phương pháp đánh giá kiểm tra thiết kế (Design Verification) và phương pháp đồng thiết kế giữa phần cứng và phần mềm (HW/SW Co-design). Bên cạnh đó sinh viên có thể có trải nghiệm vừa được làm khóa luận tốt nghiệp kết hợp với sự hướng dẫn giữa chuyên gia từ doanh nghiệp với giảng viên của Khoa Kỹ thuật máy tính UIT.

Ngoài ra, trong năm 2024, chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Thiết kế vi mạch cũng được tuyển sinh để đào tạo chuyên sâu các kỹ sư thiết kế vi mạch theo hướng Thiết kế hệ thống trên chip, Thiết kế các vi mạch xử lý tín hiệu và thiết kế các vi mạch CMOS.

Trong những năm qua, Khoa Kỹ thuật máy tính UIT đã phối hợp chặc chẽ với các Công ty về Thiết kế vi mạch về đào tạo như: Renesas Viêt Nam (Nhật), Cadence (Mỹ) và Synopsys (Mỹ). Các công ty này đã hỗ trợ các công cụ bản quyền chuyên dụng trong công nghiệp để cùng với Khoa Kỹ thuật máy tính đào tạo sinh viên năm 3 và năm 4 trước khi tốt nghiệp. Ngoài ra, Khoa cũng hợp tác với nhiều công ty của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đối với công tác thực tập tốt nghiệp và hướng dẫn sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp.

Khoảng 90% sinh viên có việc ngay khi tốt nghiệp

Lý do sinh viên có việc làm cao là trong quá trình học tập năm 4, sinh viên được thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp nên được doanh nghiệp quan tâm và chú ý mời gọi phỏng vấn sau khi ra trường. Hiện tại có một số cựu sinh viên làm việc trong ngành Thiết kế vi mạch với khoảng 5 năm kinh nghiệm đã chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) như MediaTek, Realtek…

90% sinh viên ngành Thiết kế vi mạch tại Khoa Kỹ thuật máy tính của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp và phần còn lại có việc làm trong vòng từ 3 đến 6 tháng

TS. Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM

ts-khang-pho-hieu-truong-uit.jpg
TS. Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM.

“Từ năm 2011 đến năm 2022, trung bình mỗi năm có khoảng từ 10 đến 20 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế vi mạch của trường. Tuy nhiên, từ năm 2023 số lượng sinh viên chuyển sang học ngành Thiết kế vi mạch có xu hướng tăng. Số lượng sinh viên tốt nghiệp trong năm 2023, 2024 khoảng 40 - 60 sinh viên. Điều này cũng thể hiện nhu cầu và sức hút nguồn nhân lực của ngành này trong những năm qua. Do vậy, năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên 100 sinh viên với các mức học bổng 100%, 75% và 50% cho các bạn trúng tuyển xuất sắc”, TS. Minh Khang chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn sinh viên giỏi cho ngành Thiết kế vi mạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO