Hình thành ít nhất 10 mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng
Cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò trung tâm trong đề án "Phát triển trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0".
Theo đó, đến năm 2030, ít nhất 10 mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng thuộc các lĩnh vực ưu tiên về công nghệ 4.0 sẽ được hình thành.
Ngày 16/9, tại TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo đề án “Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030.
Trung tâm đào tạo là cơ sở giáo dục đại học
Tại hội thảo, ông Trần Nam Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) - đã trình bày dự thảo tờ trình về việc phê duyệt đề án "Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030".
Theo đó, ông Tú khẳng định sự cần thiết xây dựng đề án được thể hiện qua các chiến lược, chương trình, đề án đã được phê duyệt nhằm cụ thể hóa yêu cầu, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW và các nghị quyết liên quan khác.
Nghị quyết số 50 của Chính phủ giao xây dựng đề án phát triển hệ thống trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư.
Ông Tú cho biết, trung tâm đào tạo thực chất là các cơ sở giáo dục đại học. Ông dẫn chứng, khi nói về đào tạo trong ngành bán dẫn, hiện nay ở Việt Nam có thể nói đến là Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo ban soạn thảo đề án, trung tâm đào tạo xuất sắc và mạng lưới trung tâm xuất sắc là môi trường tổ chức trong việc phát triển các tiêu chuẩn ứng xử bậc cao trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trung tâm xuất sắc thường rất hấp dẫn đối với các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong một hoặc một số lĩnh vực.
Trung tâm xuất sắc được định nghĩa ở 2 hình thức chủ yếu.
Thứ nhất là tổ chức nghiên cứu, phát triển và đào tạo đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, tạo ra sản phẩm khoa học, đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực theo các chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai là một mạng lưới mà mỗi thành viên dựa vào một tổ chức đào tạo hoặc khoa học, công nghệ có tư cách pháp nhân. Đây cũng chính là hình thức mà đề án lựa chọn.
Sẽ có một cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò dẫn dắt
Dự thảo đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành ít nhất 10 mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng thuộc các lĩnh vực ưu tiên về công nghệ 4.0.
Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng do 1 cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đóng vai trò dẫn dắt, có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học và một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia. Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng tổ chức được ít nhất 1 chương trình đào tạo thích ứng, đào tạo lại, nâng cao, chuyên sâu cho nguồn nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Cũng theo dự thảo đề án, hàng năm tăng ít nhất 10% số lượng hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng phấn đấu thu hút được 100-300 nhà khoa học và chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
Cũng theo ông Tú, những nội dung của đề án được nghiên cứu, phát triển trên nguyên tắc kế thừa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược, chương trình, đề án đã được phê duyệt để cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò trung tâm, doanh nghiệp hợp tác, hỗ trợ và đầu tư của nhà nước trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên 4.0.
Các trường đại học kỳ vọng
Tại hội thảo, gần 10 đại biểu đến từ các trường đại học đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo đề án về các vấn đề, như: cơ chế kinh phí thực hiện đề án; cơ chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ,…
PGS.TS Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - kể lại, khoảng năm 1993-1994, nhà trường được Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ nhiều thiết bị công nghệ 3.0, gần như là hiện đại nhất cả nước. Lúc đó, nhà trường trở thành "Hub" để tào tạo thêm cho nhiều trường. Nhiều giảng viên của nhà trường được gửi sang Đức học tập, sau đó quay về và trở thành chuyên gia hàng đầu.
Cũng theo ông Giang, hiện nay, lực lượng giảng viên ở các trường đại học trở về từ nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc,.. "Đội ngũ này giỏi về kiến thức, tuy nhiên các cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm còn thiếu. Nếu tương lai chúng ta đầu tư thì sẽ phát triển mạnh", ông Giang nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế, để thu hút và phát triển các chương trình đào tạo xuất sắc, cần nghiên cứu chính sách miễn, giảm học phí để thu hút người học. Bởi các ngành đào tạo công nghệ 4.0 thường rất khó, yêu cầu người có trình độ cao.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng đề án này nên nghiên cứu cả chính sách học bổng và tín dụng dành cho sinh viên. Cụ thể, chính sách tín dụng cần đủ để người học có thể trả học phí và sinh sống, từ đó mới thu hút người tham gia. Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho rằng không thể đào tạo công nghệ cao mà lấy học phí thấp.
Cũng theo ông Phúc, đối tượng tham gia đề án là các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đóng vai trò dẫn dắt, làm hạt nhân để kết nối, khai thác nguồn lực trong nước và ngoài nước cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực công nghệ.