Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
Sau gần một năm, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau trong phòng thí nghiệm bằng công nghệ nuôi cấy mô, nhằm duy trì nguồn dược liệu quý này.
Cây sâm cau là loài cây thân thảo, có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn, thuộc họ Hypoxidaceae. Cây còn có nhiều tên gọi khác là Tiêm mao, Ngải cau, Cồ nốc lan… Do bị khai thác nhiều, sâm cau đã được đưa vào danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam.
Cứu sâm cau bằng phương pháp nuôi cấy mô
Ngoài tự nhiên, cây Sâm cau được nhân giống chủ yếu từ hạt hoặc bằng thân. Ở các tỉnh miền núi người dân chủ yếu lấy cây non ngoài tự nhiên về trồng. Tuy nhiên, khó khăn của nhân giống truyền thống là hạt có tỷ lệ nảy mầm thấp. Còn nhân giống bằng thân thì mỗi cây giống phải có một phần củ và phần ngọn mới đảm bảo cây có thể sống. Tuy nhiên do mỗi cây sâm cau chỉ hình thành một củ chính, vì vậy hệ số nhân giống cũng rất thấp.
Để tăng giá trị kinh tế và bảo tồn, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã dùng phương pháp nuôi cấy mô duy trì nguồn dược liệu quý này. Phương pháp này giúp khắc phục được những hạn chế trên, tạo ra một lượng lớn cây giống sạch bệnh trong thời gian ngắn.
Đại diện nhóm nghiên cứu, kỹ sư Lê Thị Hồng Ngọc - Phó phòng Hỗ trợ Công nghệ cây trồng, cho biết, sau gần một năm nhóm đã nuôi cấy thành công giống cây trong phòng thí nghiệm. Giống cây được đưa trồng thực nghiệm tại huyện Củ Chi trên diện tích đất 1.000m2.
Sâm cau được trồng trong túi bầu và đặt trong vườn ươm để có thể thích nghi điều kiện tự nhiên. Sau đó, cây sẽ được đem trồng ngoài nhà hậu cấy mô và được chuyển qua khu canh tác trồng.
“Đây là loại cây chịu bóng nên cần làm che nắng. Mức che nắng bằng lưới cắt nắng ở mức 50% thích hợp nhất cho cây sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất tối ưu. Môi trường sống lý tưởng của sâm cau là dưới bóng râm, ưa ẩm ở các thung lũng, nơi đất màu mỡ, chân núi đá vôi hoặc ven rẫy”, kỹ sư Ngọc chia sẻ.
Để tránh cây bị thối khi ngập nước hay đất có độ ẩm quá cao, trong quá trình làm đất, nhóm đã tạo các rãnh thoát nước và giàn che nắng có thể di chuyển được.
Ngoài ra, nhóm còn sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, được cài đặt tự động thời gian và lượng nước tưới qua timer, giúp tiết kiệm lao động và điện nước so với tưới tay truyền thống. Phương pháp này cũng giúp đảm bảo độ ẩm và lượng nước cần thiết cho cây.
"Sau một năm trồng, nông dân có thể tiến hành đào cây, cắt lấy củ, rửa sạch. Sâm cau có thể dùng tươi hoặc sơ chế bảo quản, khối lượng trung bình mỗi củ sâm 60-65g. Sau khi thu hoạch củ, phần chồi có thể dùng để trồng lại, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho vụ sau”, kỹ sư Ngọc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đánh giá nghiên cứu cho kết quả khả thi, mang lại giá trị kinh tế và xã hội. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai thực hiện mô hình nhằm phục vụ cho các buổi tham quan, học tập và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật này cho tổ chức hay cá nhân có nhu cầu.
Dược liệu quý trong y học cổ truyền và hiện đại
Theo kỹ sư Ngọc, loại dược liệu này đã được sử dụng làm thuốc từ rất sớm. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, thân rễ Sâm cau dùng trị suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm khớp, viêm thận mãn tính, điều kinh và tăng cường sinh lực… Tại Ấn Độ, Nepal và Philippin, thân rễ Sâm cau được dùng làm thuốc lợi tiểu và kích dục, chữa bệnh ngoài da, loét dạ dày tá tràng, trĩ, lậu…
Đối với y học hiện đại, kỹ sư Ngọc cho biết, đã có nhiều nghiên cứu công bố về định tính và định lượng ở sâm cau có sự hiện diện của nhiều chất hữu cơ quan trọng trong y dược học, như: Các lớp lignin, phenolic, saponin, steroid, các acid béo… giúp bảo vệ gan thỏ, chống oxy hóa, khôi phục tế bào, chống ung thư…
Cụ thể, hoạt chất curculignin A và curculigol có tác dụng bảo vệ gan thỏ dưới độc tố rifampicin, thioacetamide và galactosominảo vệ gan chuột dưới tác động của carcon tetrachloride. Curculigosaponin A và F chiết tách từ thân rễ Sâm cau kích thích tăng sinh tế bào lympho ở lá lách chuột, curculigosaponin G làm tăng trọng lượng tuyến ức để điều hòa miễn dịch.
Các hợp chất phenol và phenolic glycoside có tác dụng chống oxy hóa, giúp khôi phục các tế bào nội mô mạch máu dây rốn người bị tổn thương do các gốc tự do từ H2O2; chống loãng xương bằng cách làm tăng số lượng tế bào tạo xương, tăng cường tổng hợp protein và collagen type I ở xương…
Các hợp chất polysaccharide từ sâm cau thể hiện tác dụng chống ung thư rõ rệt trên khối u ác tính tử cung ở chuột thử nghiệm, tăng cường đáng kể chức năng miễn dịch.
Nhân giống Sâm cau bằng nuôi cấy đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ năm 1992, bằng kỹ thuật nhân giống in vitro. Kỹ thuật này được xem như tái sinh chồi trực tiếp từ mẫu lá, mẫu thân; tái sinh phôi soma từ mẫu lá, callus và hay hình thành căn hành ở Sâm cau từ mẫu lá và thân rễ, đã được nghiên cứu và công bố bởi Suri và cộng tác viên (năm 1999).
Trà làm từ Sâm cau
Ông Lê Văn Duy, Giám Đốc Công ty TNHH Thực Phẩm Delta D’Asia - Thương hiệu trà thảo mộc SunBeleaf, cho biết, Sâm cau là một trong những dược liệu quý hiếm được công ty lựa chọn và phát triển thành trà thảo dược. Loại trà này giúp nâng cao sức khỏe của người uống, nhất là những người mắc bệnh về sinh lý, người lớn tuổi bị chân tay tê mỏi, đau nhức xương khớp, loãng xương sau mãn kinh…
“SunBeleaf luôn hướng về thiên nhiên, hướng về sức khỏe và sự an toàn cho con người nên trong quy trình, từ khâu chọn nguồn nguyên liệu, thu hái, sơ chế, chế biến cho đến thành phẩm, đều rất cẩn trọng và được kiểm soát nghiêm ngặt. Đặc biệt chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ từ Hội Dược Liệu TP.HCM hướng dẫn, trao cho công thức ứng dụng vào sản xuất trà để có thể giữ được hầu như dược tính của thảo dược”, ông Duy chia sẻ.