Dòng chảy

TP.HCM ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2024

Ngọc Duy 07/05/2024 - 13:50

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ, kiểm soát xung đột lợi ích để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 trên địa bàn.

Theo đó, Kế hoạch yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào kế hoạch này xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị mình để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ, kiểm soát xung đột lợi ích để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

TP.HCM ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2024 - Hình minh họa.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị tại địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo nội dung Kế hoạch; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách.

Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng tập trung vào một số nội dung nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém; kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.

Thanh tra Thành phố được giao hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Thành phố; kiến nghị UBND Thành phố các biện pháp thực hiện hiệu quả kế hoạch này.

Ngoài ra, Thanh tra Thành phố còn chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đột xuất và định kỳ (hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và năm); báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cho UBND Thành phố.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu UBDN Thành phố xây dựng báo cáo đánh giá và lập hồ sơ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Thành ủy, Công an Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo đúng quy định.

Sở Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất UBND Thành phố kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật hiện hành, khắc phục việc ban hành pháp luật còn thiếu sót, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng theo quy định.

Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; trong công tác tổ chức cán bộ, kiểm soát xung đột lợi ích của cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, việc chuyển đổi vị trí của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, định hướng, giải pháp của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cung cấp thông tin, phản ánh của nhân dân, của cán bộ và phát hiện của báo chí để các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý. Theo dõi, phản ánh và giám sát quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện.

Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi báo chí có nội dung, chủ đề về báo chí cách mạng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng đạo đức liêm chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO