Sống xanh

Giải nhiệt cơ thể trong mùa nóng bằng thảo dược

HỒNG DUNG ghi 07/05/2024 - 13:51

Thời tiết TP.HCM đang ở mức rất cao, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. DS. Lê Kim Phụng, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành, hướng dẫn sử dụng thảo dược giúp giải nhiệt cơ thể.

Nguyên nhân và hậu quả của nóng trong người

Theo y học hiện đại, nóng trong người có thể do các nguyên nhân sau:

Nội nhân, do chức năng hoạt động của các tạng phủ quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu nên chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm độc chất bị tích tụ lại, và chính những độc tố này tạo môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng.

Ngoại nhân, do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật; sử dụng nhiều loại hóa chất (uống thuốc trong giai đoạn điều trị bệnh); uống nhiều bia rượu, hút nhiều thuốc lá (chất kích thích); ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt là các chất quá nhiều năng lượng - chính năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể; làm việc trong môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức làm các tế bào hô hấp mạnh hơn nên sinh nhiệt trong người; uống quá ít nước không đủ làm mát cơ thể và gây khô táo trong người.

Y học cổ truyền cho rằng, nhiệt trong cơ thể có thể do yếu tố ngoại nhân là hỏa bên ngoài đưa tới (hỏa độc, nhiệt độc = thực nhiệt), và yếu tố nội nhân do phần âm bị thiếu hụt (âm hư sinh nội nhiệt do mất cân bằng âm dương = hư nhiệt) mà sinh nhiệt độc như nổi mụn, dị ứng, ban sởi, người phiền táo, đau nhức, cảm giác bứt rứt, đổ mồ hôi trộm, ho khan, cổ họng khô khát, lưỡi đỏ, tiểu ít, tiểu đỏ…Trẻ con dễ bị rơm sảy, dị ứng, ban đỏ, nóng sốt, làm kinh...

Nhiệt độc tích tụ lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, làm tăng mức độ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa (bội nhiễm). Nhiệt độc lâu ngày còn có nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rối loạn thành mạch. Thiếu tân dịch, mất nước quá nhiều còn có thể dẫn đến tiểu ít, rối loạn chất điện giải, urê huyết cao gây co giật, hôn mê, nặng nhất là nhiễm độc thần kinh có thể gây tử vong.

Giải nhiệt cho cơ thể

rau-ma.jpg
Rau má một trong thực phẩm giúp giải nhiệt cơ thể

Uống nước nhiều, nấu canh rau có vị đắng như rau má, khổ qua, rau đắng, bồ ngót, sâm đất… Ăn quả có chứa nhiều acid hữu cơ như dâu tây, cam quýt, dưa gang, dưa hấu, sơ ri…

Bên cạnh đó, uống them nước sắc hoặc uống các loại trà thảo dược thiên nhiên để thanh nhiệt (làm mát cơ thể), mát gan, y học cổ truyền thường chia thành 5 nhóm thảo mộc:

-Thanh nhiệt giải thử, gồm các cây cỏ như bạc hà, lá dâu, lá sen, dưa hấu, dưa tây, các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu ván, lá sương sâm, sương sáo, rong biển, sắn dây, hương nhu…nấu lấy nước uống nhiều lần trong ngày, tác dụng làm mát cơ thể, giải nhiệt, giải khát, hạ sốt.

-Thanh nhiệt giáng hỏa, gồm cúc hoa, dành dành, tri mẫu, hạ khô thảo, trúc diệp, lô căn (rễ sậy), chữa sốt cao, hoa mắt, huyết áp cao. Dùng trà cúc hoa, sắc mỗi ngày 10-12g, tác dụng hạ sốt, chữa nhức đầu, hoa mắt, huyết áp cao, mụn nhọt, người già hay chảy nước mắt sống. Nước sắc cỏ mần chầu còn có tác dụng hạ sốt.

-Thanh nhiệt táo thấp, gồm hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá, khổ sâm, râu mèo, thổ phục linh giúp giải nhiệt độc cơ thể, chống nhiễm trùng, hạ sốt, dùng chữa viêm gan mật, đau mắt đỏ, kiết lỵ, nhiễm trùng ruột. Nếu dùng riêng từng vị khoảng 10g mỗi ngày, sắc uống.

-Thanh nhiệt giải độc, gồm kim ngân, liên kiều, sài đất, bồ công anh, mã đề, đây là các thảo dược có tác dụng kháng sinh, kháng viêm, giúp trừ khử các trường hợp ung nhọt, lở loét, nhiễm trùng, viêm nhiễm, áp xe, đau nhức, ghẻ lở, mụn nhọt. Mỗi loại 10-12g mỗi ngày sắc lấy nước uống.

nuoc-mat.jpg
Nhiều loại cây cỏ có trong nước mát giúp giải nhiệt cơ thể hiệu quả

-Thanh nhiệt lương huyết, gồm cỏ tranh, cỏ mực, râu bắp, huyền sâm, sinh địa, đơn bì, long đởm, giúp mát huyết, đi tiểu nhiều, hỗ trợ trường hợp sốt, chảy máu cam, khử các loại độc ở ngũ tạng. Có thể dùng chung với các cây trong nhóm thanh nhiệt giải độc để thải trừ nhanh hơn.

Nếu biết rõ tính chất của các loại thảo dược kể trên, các bà nội trợ có thể tự phối hợp để tạo thành một món thuốc làm mát và giải nhiệt độc trong mùa nắng nóng.

Tại các chợ nhất là vào mùa này, có bán bó nước mát khoảng 10 ngàn đồng một bó các loại cây cỏ uống giải nhiệt gồm mã đề, cỏ tranh, râu bắp, lá dứa, bông ngò rí, mía lau, lá dứa, chỉ cần rửa sạch cắt nhỏ, cho vào nồi nấu với 3 lít nước, đun sôi 15 phút, chắt ra cho cả nhà uống trong ngày rất tốt và hợp vệ sinh.

Cẩn thận khi uống nước mát ở các quầy hàng chế biến sẵn vì có khi trong thức uống đó chỉ gồm có chất tạo mùi và vị, các loại nước đắng hoặc nước sâm, nước bông cúc, nước mía lau, nước artichaud, nước mát tổng hợp, nha đam đường phèn… đôi khi được pha chế từ các loại hóa chất tổng hợp không rõ nguồn gốc rất nguy hại cho sức khỏe và không hợp vệ sinh…

Đối tượng hạn chế sử dụng nước mát

Nước mát giúp giải nhiệt cơ thể, tuy nhiên uống nước mát cũng hạn chế cho những trường hợp đối với người già yếu, suy thận, huyết áp thấp; trẻ nhỏ (1-5 tuổi), nhiều trẻ hiếu động đổ nhiều mồ hôi (đông y gọi là tự hãn) hoặc trẻ hay đổ mồ hôi trộm (đông y gọi là đạo hãn), hoặc trẻ đang bị tiêu chảy, không nên uống vì mất nước nhiều dễ bị rối loạn điện giải; người tỳ vị hư hàn hay lạnh bụng, tiết tả, đi cầu lỏng; phụ nữ đang có thai, đang hành kinh không được dung; trường hợp sốt cao do nhiễm trùng thì nên có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa.

Khi uống nước mát cũng cần chú ý liều lượng và khi hết bệnh thì ngưng, không nên dùng thường xuyên mỗi ngày vì dễ sinh tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Sách “Di thân tập” ghi: “Mùa hạ tâm vượng thận suy, tuy khí nóng nhưng vẫn không nên ăn đồ lạnh, uống nước đá” vì sẽ khiến bụng lạnh dễ sinh đau bụng, tiêu chảy, tiết tả, quan trọng đối với người già.

Cần lưu ý mùa nắng nóng, thức ăn còn dễ bị biến chất, ôi thiu, cần chú ý vấn đề bảo quản, chế biến thực phẩm.

Sử dụng các thảo dược có vị đắng, tính mát (hoặc lạnh) tác dụng giải nhiệt, dưỡng âm sinh tân, nhuận tràng, giải độc, mát gan (như kim ngân, sài đất, cỏ mực, cúc hoa, sắn dây, huyền sâm, sinh địa, rau má, cỏ tranh, mã đề, râu bắp, râu mèo, rong biển...), có thể phối hợp 5-6 vị thành một bài, liều lượng từ 10-12g (khô) hoặc 30-50g (tươi) cho mỗi loại, nấu với 1-2 lít nước, uống trong ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải nhiệt cơ thể trong mùa nóng bằng thảo dược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO