Việt Nam - Úc hợp tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phát triển nông nghiệp thông minh

Hương Cát (ghi)| 06/02/2023 07:23

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM, nhấn mạnh, với kinh nghiệm của Úc, chú trọng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công cho ngành nông nghiệp.

Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất

Theo bà Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM, Việt Nam có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản lâu đời và rất thành công. Việt Nam còn được biết đến là nơi sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nông sản chất lượng cao và là nơi nổi tiếng với nền ẩm thực tuyệt vời.

Bên cạnh đó Việt Nam có lực lượng nông dân, chủ nông nghiệp doanh nghiệp đông đảo và nguồn tài nguyên như đất, nước rất dồi dào. Với sự quản lý hiệu quả, những nguồn lực nào sẽ tiếp tục tạo nên sự thành công cho nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất và đang hưởng lợi từ xu hướng của khu vực nhờ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nói cách khác, Việt Nam đang trở thành điểm đến và lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khu vực và thế giới. Những yếu tố này cộng với mức sống của người dân trong khu vực ngày càng cao và nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng. Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để tận dụng cơ hội này, trong đó phát triển mạnh mẽ chuỗi nông nghiệp giá trị cao,” Bà Sarah Hooper nói.

Đầu tư vào nghiên cứu, phát triển cây trồng vật nuôi mới

Theo kinh nghiệm của Úc, nông nghiệp thông minh là kết quả của việc đầu tư vào những ý tưởng tốt nhất. Bà Sarah cho biết, Úc đã đưa ra một cơ chế, trong đó có một khoản thu như tiền thuế từ nông dân, để đầu tư phục vụ cho các khoản nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới hiệu quả hơn, năng suất hơn.

Mô hình này không chỉ đơn thuần là đánh thuế nông sản mà đây còn là nguồn tiền tái đầu tư đổi mới, phát triển các ý tưởng phục vụ nông dân. Nhờ đó, chất lượng nông sản tốt hơn và giá nông sản cũng cao hơn. Cơ chế này giúp ngành nông nghiệp của Úc giải quyết những thách thức chung mà nông dân đang đối mặt.

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM, nhấn mạnh, với kinh nghiệm của Úc, chú trọng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công cho ngành nông nghiệp. Ảnh minh họa

Ngoài cơ chế thuế nông sản, Úc còn có Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO), thành lập vào năm 1916. Một trong những trọng tâm của tổ chức này là nghiên cứu và giải quyết những vấn đề nông nghiệp Úc nhờ vào khoa học, công nghệ tiên tiến.

“Không chỉ tập trung ở Úc, tổ chức này còn làm việc chung với các đối tác khác trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam. CSIRO thực sự giúp ích rất nhiều cho ngành nông nghiệp trong việc cải thiện chất lượng và năng suất nông sản, tạo ra các loại nông sản có giá trị cao nâng cao sản lượng và chất lượng cây trồng. Thêm nữa tổ chức này còn tạo ra những công nghệ tiên tiến trong ngành chế biến nông sản, thậm chí còn tạo ra những thực phẩm gia tăng giá trị để giúp ngành nông nghiệp phát triển như ngày nay,” bà Sarah chia sẻ.

Úc - Việt Nam: Hợp tác trong phát triển chính sách nông nghiệp thông minh

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM, nói rằng “Việc hợp tác trong phát triển chính sách nông nghiệp thông minh là một điều quan trọng và chúng tôi rất vui khi Việt Nam và Úc cùng hợp tác trong chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc. Chương trình mở ra cơ hội để hai nước chia sẻ công nghệ và có những giải pháp về mặt kĩ thuật nhằm giải quyết những thách thức trong nông nghiệp.”

Theo bà, bí quyết để trở thành một nhà xuất khẩu nông sản lớn mạnh là hiểu rõ thị trường của mình và tạo được chuỗi cung ứng vững chắc, đáng tin cậy cho thị trường đó. Các nhà xuất khẩu phải nhận thức rõ khả năng của mình và tập trung vào các thị trường mà họ có lợi thế cạnh tranh. Đó là những cách tiếp cận mà Úc đang nỗ lực để hỗ trợ sự phát triển của nền công nghiệp thông minh trong đó có Việt Nam.

Việt Nam và Úc đều là những nước xuất khẩu nông sản và có lịch sự hợp tác lâu dài. Úc có Trung tâm Úc về Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế đã và đang hợp tác với Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Gần đây trung tâm có một số dự án ở Đồng bằng Sông Cửu Long như tăng cường năng lực sản xuất cạnh tranh cho chuỗi cung ứng xoài; nghiên cứu các giống cây trồng có khả năng chống chịu tác động của nước biển dâng cao do biển động khí hậu. Đó là những ví dụ điển hình Việt Nam và Úc đã cùng hợp tác để nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp.

Vào năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã ký kết hợp tác chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Úc và Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nông nghiệp và thương mại như một phần không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Bên cạnh đó, hai bên cũng tập trung vào việc tiếp cận thị trường của nhau.

Cựu Đại sứ Úc Robyn Mudie và Tổng lãnh sự Úc Sarah Hooper thăm dự án nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ

“Chúng ta đã đàm phán thành công để xuất khẩu bưởi, chanh dây Việt Nam vào thị trường Úc và đưa quả đào, quả xuân đào Úc vào thị trường Việt Nam. Nhờ đó vào dịp Tết này, bạn có thể thưởng thức quả đào và Xuân đào Úc đấy. Một lợi thế nữa là khí hậu hai nước khác nhau góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm mỗi mùa vụ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chẳng hạn Việt Nam là nguồn cung tôm và các sản phẩm từ tôm số một của Úc. Tính từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Úc đặt 337 triệu đô la Úc,” Bà Sarah cho biết.

Việt Nam cũng là nhà cung cấp lớn về đồ nội thất và các sản phẩm gỗ cũng như các mặt hàng như trái cây, các loại hạt, cá, cà phê, gạo. Còn Úc cũng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm và nông sản khác sang Việt Nam. Tôi tin là tất cả người dân Việt Nam đều biết tới thịt bò Úc và quả cherry Úc; nhưng có lẽ ít người biết rằng một lượng lớn mặt hàng mì ở Việt Nam được làm từ bột mì Úc; bia người Việt uống cũng có nguồn gốc từ lúa mạch Úc và các nhà sản xuất dệt may tại đây cũng sử dụng nguồn nguyên liệu bông thô nhập từ Úc.

Một số mặt hàng nông sản tươi sống khác của Úc như là tôm hùm đá, rượu vang và cam hiện cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Đây là sự thể hiện hợp tác đa dạng giữa hai nước. Điều quan trọng nữa mà Úc và Việt Nam đã và đang tiếp tục đó chính là hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực công nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức và trao đổi ý kiến về tính bền vững, đổi mới và cải cách các quy trình thương mại.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển nông nghiệp Việt Nam

Theo bà Sarah, một điều quan trọng là Việt Nam và Úc cần đẩy mạnh hợp tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp. Trên thực tế hai nước đã có một số dự án rất hay về lĩnh vực hợp tác này. Đầu tiên là dự án công nghệ mắt thông minh cải thiện năng suất trồng mía đường.

Dự án “Công nghệ Mắt thông minh cải thiện năng suất trồng mía đường” sẽ phát triển hệ thống sử dụng vật thể bay không người lái và công nghệ trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT) để giúp người nông dân ở Thanh Hóa theo dõi liên tục hàm lượng dinh dưỡng và tình trạng sâu bệnh trên cánh đồng mía, từ đó nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất. Dự án được thực hiện bởi Đại học Wollongong và Công ty công nghệ VIGREEN với ngân sách 300.000 đô la Úc.

Thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dân trồng mía sẽ có các thông tin dữ liệu về tình trạng dinh dưỡng, sâu bệnh trên cây trồng. Hiện tại công nghệ mới này đang được sử dụng ở các cánh đồng mía của công ty cổ phần mía đường Lam Sơn Thanh Hoá. Đó là công nghệ giúp nông dân biết cần phải làm gì để tăng năng suất vụ mùa, Theo bà Sarah, công nghệ này có thể được ứng dụng rộng rãi trong trồng cây lương thực, rau củ quả, hoa hay thậm chí là trồng rừng, nuôi trồng thủy sản.

Một ví dụ khác về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp là dự án hợp tác giữa ĐH Queensland của Úc và Công ty Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh về đánh giá chất lượng nước ở rừng ngập mặn nhằm phục vụ việc nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Cà Mau.

Theo đó, dự án lắp đặt mười lăm trạm quan trắc môi trường ở các rừng ngập mặn Cà Mau. Các trạm sẽ dùng vệ tinh và công nghệ internet vạn vật để theo dõi những sự thay đổi ở rừng ngập mặn và những dữ liệu này sẽ được cập nhật ở trên hệ thống dữ liệu và các ứng dụng của địa phương. Điều này sẽ giúp cho nông dân và chính quyền địa phương có những phản ứng thích hợp với những mối nguy ảnh hưởng đến các hoạt động nông nghiệp ở rừng ngập mặn.

Đây là hai dự án rất thú vị hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong việc sử dụng công nghệ tân tiến để phát triển đổi mới nền nông nghiệp Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Úc hợp tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phát triển nông nghiệp thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO