Sống xanh

TP.HCM: Nghiên cứu lập Đề án phủ kín rừng Cần Giờ

Anh Tú04/05/2024 - 19:23

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP phối hợp với huyện Cần Giờ nghiên cứu lập Đề án phủ kín rừng Cần Giờ.

rung-can-gio.jpg
Cần Giờ là lá phổi xanh của TP.HCM

Ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

Hội nghị nhằm nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai; công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

Đặc biệt, riêng huyện Cần Giờ đang hướng đến phát triển xanh, tăng cường trồng rừng và mở rộng rừng, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP (NN&PTNT) phối hợp với huyện Cần Giờ nghiên cứu lập Đề án phủ kín rừng Cần Giờ. Đề án sẽ tiến tới đưa người dân ra bên ngoài sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp để cuộc sống tốt hơn, không len lỏi trong rừng. Việc mở rộng rừng Cần Giờ để tạo ra giá trị đáng sống của TP là một yêu cầu cấp bách và TP đang nỗ lực triển khai. Cùng với Đề án là mở rộng rừng phòng hộ, xanh hóa, phủ kín vùng đệm của rừng phòng hộ Cần Giờ để tạo ra giá trị rừng lớn hơn.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan cũng đã có chỉ đạo cho các đơn vị có liên quan về việc thực hiện "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng.

Trong đó, Phó chủ tịch UBND TP giao Sở NN&PTNT triển khai đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 của các dự án trồng rừng, chăm sóc, làm giàu rừng đã được phê duyệt. Đồng thời, Sở NN&PTNT sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở ngành chức năng và UBND các huyện có rừng để phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; thực hiện phát triển nguồn thu từ rừng qua phát triển giá trị hấp thu và lưu giữ các-bon của rừng, góp phần vào tạo nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND huyện Cần Giờ được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tổ chức thực hiện các dự án chăm sóc rừng trồng, trồng rừng mới, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đã được phê duyệt đảm bảo tiến độ, chất lượng.

UBND huyện Cần Giờ cũng đã ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh. Trong đó, đề cập sâu đến đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon.

Kế hoạch đề cập sâu đến đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ Carbon chia theo giai đoạn. Cụ thể:

Giai đoạn 2024 - 2025: Trồng rừng: 180 ha; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 200 ha; Chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2016 - 2020: 150 ha.

Giai đoạn 2026 -2030: Trồng rừng: 280 ha; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 200 ha; Chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2024 - 2025: 150 ha.

Đồng thời Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Phòng Kinh tế nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ dữ liệu về trữ lượng và hệ số chuyển đổi Carbon của các loài cây rừng ngập mặn tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ - TP.HCM nhằm góp phần triển khai nội dung xác định khả năng hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng tín chỉ carbon theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026).

Theo gợi ý của các chuyên gia từ tọa đàm do Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức mới đây, TP.HCM nên đánh giá lộ trình giảm khí nhà kính từ nay đến năm 2030 như thế nào, công bố hệ số phát thải (bậc 2), phương pháp đo lường phát thải, có thể đo lường trực tiếp hoặc đo lường thông qua mô hình. Cần xác định rõ nguồn cung trực tiếp, gián tiếp từ đâu. Thành phố cũng nên xác định đâu là phát thải và đâu là bù trừ. Liệu có thể quy đổi dự án mái nhà xanh được xem là bù trừ carbon hay không hay chỉ là trung hòa carbon, cũng như cần xác định trồng loại cây gì để có thể hấp thu nhiều CO2 và từ đó làm giá tín chỉ carbon cao hơn…

Không chủ quan trong phòng, chống thiên tai

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra xảy ra 5 đợt mưa giông lốc xoáy, 6 đợt triều cường trên báo động cấp 3, 3 đợt sạt lở bờ sông. Thiên tai đã làm 1 người chết do cây xanh ngã đè do mưa giông, sập hoàn toàn 1 căn nhà, tốc mái hư hỏng 8 căn nhà, hư hỏng 1 xe ô tô 7 chỗ, 1 xe máy, ngã đổ 9 cây xanh, bể 8m bờ bao, sạt lở 824m vuông đất...

pct1.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Tuy nhiên do có sự chủ động, chỉ đạo sát sao, kịp thời và quyết liệt của Thành ủy và UBND TP, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Ban, TP Thủ Đức và các quận, huyện, sự tham gia phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành liên quan trong việc triển khai các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra.

Hệ thống văn bản pháp luật ngày càng được hoàn thiện giúp cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng phù hợp với thực tiễn và đạt hiệu quả cao hơn. Trên cơ sở đó, UBND TP đã hoàn thiện các văn bản pháp luật cũng như phương án ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chỉ tiết của TP. TP thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, các ngành để kịp thời chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, TP đã tập trung ưu tiên đầu tư cấp bách các công trình phòng chống thiên tai xung yếu trên địa bàn TP; đồng thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình phòng chống thiên tai, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy, các sở, ngành TP, TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã kịp thời huy động lực lượng, vật tư, kinh phí nhanh chóng khắc phục với tinh thần tránh nhiệm cao, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, đời sống trong thời gian sớm nhất.

TP cũng chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức thích hợp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác của cộng đồng trong phòng, tránh, ứng phó thiên tai; đồng thời, đã thực hiện triển khai chuyển đổi số trong công tác phòng chống thiên tai,…

pct2.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong phòng chống thiên tai, phải tiếp tục thực hiện tuyên truyền mọi đối tượng, vận động lồng ghép theo các mô hình hay. Xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức công đồng và quản lý rủi ro, trong đó tập trung phổ biến thông tin tuyên truyền, tập huấn kiến thức về cơ chế chính sách phòng chống thiên tai cho các đơn vị và người dân trên địa bàn TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chia sẻ, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng không phải là công việc của một cá nhân mà là của cả hệ thống, cả tổ chức. Vì vậy công tác phối hợp được đặt ra, phối hợp phải đồng bộ, có tính hiệu quả. Phối hợp phải làm tốt vì là điểm rất quan trọng.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy Ban chỉ huy ở các địa phương và có quy chế, kế hoạch hoạt động. Đồng thời tổ chức cơ sở, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng tình nguyện viên ở từng khu vực từng địa phương đều có tham gia. Phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở; quan tâm đào tạo kỹ năng cơ bản cho các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở; phối hợp tốt cả trong diễn tập, trong phòng, chống thiên tai và cứu nạn. Công tác diễn tập phải bảo đảm sát với thực tiễn, tránh hình thức.

Các cơ quan, đơn vị phải quản lý, phân bổ, sử dụng trang thiết bị một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động đề xuất việc mua sắm những trang thiết bị cần thiết; chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến quản lý, phân bổ, sử dụng trang thiết bị.

Liên quan đến những công trình sạt lở, chống ngập các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị khẩn trương, tích cực triển khai giải ngân các nguồn lực để hoàn thiện lại hệ thống. Các địa phương đã được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, phê duyệt phải hoàn thành sớm; chủ động đề xuất để Ban chỉ huy quyết định bổ sung thêm một số dự án công trình để triển khai thực hiện trong 2024 và các năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Nghiên cứu lập Đề án phủ kín rừng Cần Giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO