Giáo dục

Xây dựng khung pháp lý để phát triển tài nguyên giáo dục mở

Công Chương 01/07/2023 - 18:17

Sau hơn một năm triển khai, dự án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” được Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Đây là khung pháp lý quan trọng trong việc phát triển tài nguyên giáo dục mở trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Chiều 30/6, tại Trường Đại học Văn Lang diễn Hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”. Hội thảo do Trường Đại học Văn Lang tổ chức với sự đồng hành của Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, khi đất nước căng mình đối phó với đại dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2021, ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, cũng đứng trước yêu cầu đổi mới về mô hình hoạt động, trong đó chuyển đổi số và phát triển các nền tảng trực tuyến là một phần tất yếu. Dưới góc độ quản lý vĩ mô về giáo dục đại học, việc khuyến khích các trường chia sẻ các tài nguyên giáo dục phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng đại học Việt Nam nói chung. Bộ GD&ĐT đã xúc tiến việc xây dựng khung pháp lý, tiến đến phát triển nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ nhu cầu của các trường.

Với sự chỉ đạo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trường Đại học Văn Lang cùng với Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Y Dược Hải Phòng rất vinh dự được đồng hành cùng Bộ GD&ĐT phát triển dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam” ngay trong giai đoạn dịch năm 2021, triển khai trong năm 2022-2023, với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

Sau hơn một năm triển khai, dự án đã đạt được kết quả như mục tiêu đề ra, được hiện thực hóa trong đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” được Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Đây là khung pháp lý quan trọng trong việc phát triển tài nguyên giáo dục mở trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

vlu-3.jpg
PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), chia sẻ: “Là đơn vị đồng hành cùng Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị triển khai nhiệm vụ này, tôi rất vui mừng khi thấy việc nghiên cứu, xây dựng chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các cơ sở giáo dục đại học trong nước mà còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài. Tôi hy vọng mô hình hợp tác này sẽ còn được nhân rộng và triển khai ở những dự án khác, nhiệm vụ khác. Với sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan, việc xây dựng chính sách sẽ ngày càng sát, phù hợp với thực tế và mong muốn của các cơ sở đào tạo, tiến tới hội nhập sâu rộng với thế giới...”.

vlu-4.jpg
PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, phát biểu tại Hội thảo.

Đại diện đơn vị chủ trì tổng kết dự án, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, chia sẻ: “Phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Dự án này, ngoài việc giúp người học và người dân nói chung, thu hẹp khoảng cách tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, hướng đến một xã hội học tập suốt đời, còn giúp các cơ sở giáo dục đại học khai thác được sức mạnh cộng hưởng của các trường, tối ưu hóa nguồn lực vận hành, tăng cường kết nối với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới...”

Tại hội thảo, các chuyên gia thảo luận nhiều vấn đề xoanh quanh chủ đề khung pháp lý và nền tảng tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học của Việt Nam. Ông Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục mở trình bày tham luận “Khung pháp lý phát triển tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở”. TS. Nguyễn Đức Trung – Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục Đại học, giới thiệu dự thảo Đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”. PGS. TS. Mokhtar Ben Henda, Đại học Bordeaux Montaigne (Pháp), chuyên gia ISO về tiêu chuẩn giáo dục từ xa, Cố vấn AUF về tài nguyên giáo dục mở và các hệ thống học tập kết hợp, trình bày trực tuyến tham luận “Kinh nghiệm xây dựng, quản lý và sử dụng tài nguyên học liệu mở ở Pháp”. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến chia sẻ thảo luận sâu sắc từ các chuyên gia, các nhà quản lý, lãnh đạo các trường về nhiều khía cạnh thực tế trong phát triển tài nguyên học liệu mở.

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cũng bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng cộng đồng đại học Việt Nam đẩy mạnh phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở, cho phép các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường và công chúng được chia sẻ, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực chung quan trọng này. Về lâu dài, nguồn tài nguyên giáo dục mở được kỳ vọng sẽ trở thành một trong các nguồn tài nguyên giáo dục quan trọng của cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, tạo cơ hội để mọi người dân có thể truy cập, sử dụng, hướng đến một xã hội học tập suốt đời.

Với quá trình đồng hành lâu dài của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) với sự nghiệp phát triển giáo dục đại học của Việt Nam, sự hỗ trợ hiệu quả của AUF cho dự án này là minh chứng sống động về tác động tích cực mà AUF mang lại trong thúc đẩy giáo dục ở Việt Nam nói chung. Trường Đại học Văn Lang cũng như cộng đồng đại học Việt Nam, mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác hỗ trợ hiệu quả của AUF trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng khung pháp lý để phát triển tài nguyên giáo dục mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO