Giáo dục

Hành trình cóp nhặt để làm một người thầy

TS. Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM 03/05/2024 - 13:41

Có lẽ, suốt hành trình làm việc trong ngành giáo dục, tôi sẽ không bao giờ quên câu nói của 1 người sếp cũ: “em gần như là trang giấy trắng trong nghiên cứu khoa học”… Và tôi lấy đó để làm động lực học tập, và nâng cấp mình mỗi ngày.

Chẵn tròn 5 năm, kể từ ngày chính thức đầu quân cho 1 trường Đại học, tôi tẩn mẩn tích lũy cho mình những kiến thức, kéo từng ngăn tủ ra để lần dở những công trình thực tiễn mà bao năm miệt mài dựng xây.

Thỏa ngọn lửa thanh niên luôn cuộn chảy

giang-2.jpg
TS. Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, bên phải

Quay ngược thời gian, trở về thời điểm của gần 30 năm trước. Ngày bước chân vào giảng đường đại học, tôi đã bắt đầu nhen nhóm cho mình 1 giấc mơ - trở thành người Giảng viên, với 1 lý do duy nhất: “các Thầy, Cô sao xịn quá. Vừa có thể giảng dạy, vừa điều hành doanh nghiệp.” Tôi lao vào tham gia các hoạt động phong trào không chỉ để thỏa ngọn lửa thanh niên luôn cuộn chảy, mà còn cố gắng áp dụng từng bài học của ngành Quản trị kinh doanh trên lớp vào công tác Đoàn.

Cầm trên tay danh hiệu Top 10 Sao Tháng Giêng, giải thưởng danh giá thời bấy giờ; rồi là 2 tấm bằng đại học, trong đó có 1 bằng tốt nghiệp thủ khoa, cả 1 con đường thênh thang để trở thành 1 người thầy. Bất ngờ thay, tôi rẽ hướng, trở thành người làm công tác tổ chức sự kiện cho sinh viên, sau khi nhận được lời đề nghị phụ trách công tác Tình nguyện viên cho SEA Games 2003.

Thú thật là lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ gì sâu xa đâu. Chỉ là thấy 1 cơ hội quá tốt để trải nghiệm những điều mới mẻ, hiếm khi nào có được. Với vai trò phụ trách các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Nhà Văn hóa Sinh viên thời kỳ mới thành lập, tôi được phép thử nghiệm nhiều mô hình, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm đa dạng cho sinh viên. Và một trong những điều may mắn nhất, tôi đã được gặp những người sếp giỏi nghề và tận tâm.

giang-3.jpg
Bên cạnh hành trang là những tháng ngày lăn lộn ngoài doanh nghiệp, TS. Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, đã bổ sung thêm cho mình những nghiệp vụ, kỹ năng của một người làm giáo dục.

Một trong số đó là chị Nguyễn Minh Hương, nguyên Phó Giám đốc NVH Sinh viên, hiện là CEO của Golden Communication Group. Chính chị là người đã gieo vào đầu tôi những khái niệm đầu tiên về nghề làm sự kiện chuyên nghiệp, cũng như các kiến thức về truyền thông marketing, những thứ mà vô cùng mới mẻ lúc đó. Những tưởng, với 1 môi trường được vẫy vùng, được thử nghiệm sẽ giữ chân được tôi lâu. Nhưng 1 suất học bổng bất ngờ tại Thụy Điển đã khiến tôi tiếp tục bước sang 1 trang mới.

Con đường làm nghề phải luôn gắn với sự đổi mới

giang-4.jpg
TS. Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, con đường làm nghề phải luôn gắn với sự đổi mới.

Khoảng thời gian học tập tại Thụy Điển, dù không dài, nhưng gần như đã giúp tôi mở ra rất nhiều những tư duy mới, quan điểm mới. Ngay khi trở về nước, sau khi có vài sự trải nghiệm ngắn ngủi ở 1 số doanh nghiệp, tôi quyết định cùng với người bạn thân, MC Đỗ Thụy, phát triển công ty Truyền thông và Sự kiện Say Cheese. Còn nhớ lúc đó, công ty vỏn vẹn 4 người, và hầu hết chi phí vận hành là từ tiền catse của chị Đỗ Thụy.

Lại 1 lần nữa, các kiến thức về quản trị được tôi “khui ra”, áp dụng trong 1 bối cảnh hoàn toàn khác trước đây, khi câu chuyện của cơm - áo - gạo - tiền diễn ra mỗi ngày. Từ việc phụ thuộc vào 1 người trong tìm kiếm khách hàng, Say Cheese dần trở nên cân bằng hơn, với bộ máy nhân sự hoàn chỉnh hơn.

Các dự án như: Hội nghị cổ đông thành lập Ngân hàng Liên Việt (tiền thân của LVB), Hội nghị toàn cầu của WCA (World Cargo Alliance), các sự kiện Truyền thông Marketing của các nhãn hàng thuộc tập đoàn Wipro Unza Vietnam (Romano, Enchanteur, Izzi),… giúp Say Cheese bắt đầu ghi tên mình vào danh sách những agency chuyên nghiệp.

Có lẽ, con đường làm nghề của tôi luôn phải gắn với sự đổi mới. Trong 1 dịp tình cờ, Say Cheese tiếp cận được với lãnh đạo Thành phố Cao Lãnh để tổ chức Lễ hội Xuân đầu tiên trong Tỉnh vào năm 2010. Như 1 định mệnh, tôi và những cộng sự bén duyên với Đất Sen Hồng, và dần tái định vị Say Cheese, trở thành 1 agency trong lĩnh vực truyền thông địa phương, marketing điểm đến.

Năm 2016, đề án Xây dựng thương hiệu điểm đến Đồng Tháp của chúng tôi được Hội đồng Giám khảo quốc tế chọn vào top 5 đề án xuất sắc nhất toàn cầu

Chia sẻ tình yêu từng vùng đất cho học trò - những đồng nghiệp, đối tác tương lai

giang-5.jpg
TS. Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, đã hình thành trong mình 1 tình yêu - tình yêu với từng vùng đất anh đã đi qua.

Chính từ những ngày tháng rong rủi trên khắp những con đường ở Đồng Tháp để tìm chất liệu làm sản phẩm, tôi hình thành trong mình 1 tình yêu - tình yêu với từng vùng đất tôi được đi qua. Và đó cũng chính là nguồn cảm hứng của các đề tài luận án thạc sĩ và tiến sĩ của tôi.

Tôi đem những tình yêu thương đó kết tinh thành những món ăn chay thực dưỡng ở 1 dự án khác của tôi và những người bạn - Nhà hàng chay 3 Lá (từng được Zing bình chọn là 1 trong 5 nhà hàng chay ngon nhất TPHCM). Tôi say mê sáng tạo không chỉ trong món ăn, trong từng góc trang trí nhỏ của nhà hàng, mà còn liên tục cùng cộng sự cho ra đời những sản phẩm đa dạng trong hệ sinh thái thực dưỡng, kết hợp cùng chăm sóc sức khỏe và du lịch.

Từng chặng hành trình làm chuyên môn đó, tôi đem hết vào những giờ lên lớp, để sẻ chia cùng đám nhỏ học trò, mà không ít trong số đó đã nhanh chóng trở thành những đồng nghiệp, đối tác của tôi. Lúc này, tôi chỉ tham gia với vai trò là giảng viên thỉnh giảng ở 1 số trường Đại học.

Có lẽ, sự may mắn cũng đồng hành trong hành trình tôi đã đi qua. Vì 1 số vấn đề trong công tác điều hành, tôi dừng nhà hàng chay ngay trước khi đại dịch Covid - 19 xảy ra. Và tôi nhận được đề nghị chính thức trở thành một người làm giáo dục toàn thời gian tại trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM.

Tôi dần viết lên trang giấy trắng những dòng chữ nắn nót về khái niệm “nghiên cứu khoa học chính quy”. Cũng nhờ đó, luận án tiến sĩ của tôi trở nên thuận lợi. Cờ trong tay, tôi tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và có ngay giải 3 sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc.

Tôi điều chỉnh cách tiếp cận các đề án tư vấn trước đây trở thành các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Giờ đây, tôi đường hoàng trở thành thành viên của hội đồng chấm giải Eureka; tham gia điều hành các hội thảo khoa cấp quốc gia và quốc tế.

Trang giấy trắng ngày nào vẫn đang từng ngày được lấp đầy. Bởi hơn ai hết, người làm Marketing sẽ không thể sống thiếu hoạt động nghiên cứu để có các dữ liệu, thông tin từ thị trường, từ khách hàng, … Và mỗi khi lên lớp, bên cạnh hành trang là những tháng ngày lăn lộn ngoài doanh nghiệp, tôi đã bổ sung thêm cho mình những nghiệp vụ, kỹ năng của một người làm giáo dục.

Cảm ơn hành trình cóp nhặt đã qua, để giờ đây tôi thêm có cơ hội để được gần sinh viên, gần doanh nghiệp, gần với thế giới bên ngoài, để kết nối và để sẻ chia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình cóp nhặt để làm một người thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO