Giáo dục

Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí: “Học nhiều ngành đã giúp công việc của tôi rất hiệu quả”

Công Chương (thực hiện) 26/04/2024 - 21:08

Từ khi tốt nghiệp đại học (1999), Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí trải qua nhiều vị trí công việc và sở hữu 3 bằng đại học. Với định hướng nghề nghiệp ban đầu của là trở thành 1 doanh nhân, nhưng hiện ông đang hạnh phúc với nhiệm vụ “làm người đưa đò” cho các bạn sinh viên với chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).

Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí đã có những chia sẻ khá thú vị về việc chọn ngành, chọn nghề với Tạp chí Khoa học phổ thông.

nhan-cam-tri-4.jpg
TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM.

Làm cùng lúc 3 công việc

Xin chào Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí. Ông có thể chia sẻ về con đường dẫn ông đến với ngành nghề hiện tại?

TS. Nhan Cẩm Trí: Trước khi đến với nghề dạy học vào năm 2009, tôi làm trong lĩnh vực Logistics và đây là nghề chính của tôi và tôi làm nó suốt từ năm 1999 đến năm 2014, trọn 15 năm. Đây là nghề tôi được đào tạo bài bản vì tôi tốt nghiệp từ Trường ĐH Ngoại Thương TP.HCM (Khóa 1994-1999)

Lúc trẻ, tôi làm 1 lúc 3 công việc. Từ 2005, sau cuộc thi Người dẫn chương trình của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) vào vòng chung kết xếp hạng, tôi được các đài truyền hình mời dẫn chương trình từ năm 2005 đến hết năm 2016, tức tròn 11 năm. Lúc đó, tôi vẫn làm công việc Logistics, nhưng vì MC là công việc xuất hiện trước công chúng, nên mọi người vẫn tưởng MC là nghề nghiệp chính của tôi. Thời cao điểm , tôi không chỉ cộng tác với VTV9 và HTV mà còn dẫn rất nhiều chương trình trên SCTV và SNTV, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… nên được nhiều khán giả biết đến. Với thời điểm đó thì các kênh mạng xã hội chưa có hoặc chưa phổ biến như hiện nay, khán giả thường xem TV.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi có mong muốn được chia sẻ các kiến thức mà mình có được từ thực tế làm việc trong lĩnh vực Logistics, thế là tôi apply vào 1 số trường đại học và làm giảng viên thỉnh giảng các môn chuyên ngành như Nghiệp vụ ngoại thương, Vận tải bảo hiểm, Quản trị logistics, Quản trị kinh doanh quốc tế...

Sau đó đến năm 2012, tôi quyết định chuyển sang lĩnh vực giáo dục và trở thành giảng viên cơ hữu của trường đại học. Tôi vẫn còn tham gia điều hành công ty Logistics, nhưng đến năm 2014 thì tôi thôi không tham gia lĩnh vực Logistics nữa và bắt đầu chuyên tâm cho lĩnh vực giáo dục. Đến 2016 thì tôi dừng luôn công việc dẫn chương trình và dành toàn tâm toàn ý cho lĩnh vực giáo dục đến nay.

nhan-cam-tri-1.jpg
TS. Nhan Cẩm Trí phát biểu tại cuộc thi tìm hiểu pháp luật Youth & Justic.

Con đường nghề nghiệp của ông khá đa dạng. Chắc là ông có nhiều ấn tượng ở lĩnh vực ngành nghề mình đang theo đuổi?

-Có một số kỷ niệm vui là khi tôi hướng dẫn cho 2 nhóm sinh viên đạt 2 Giải 3 cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019, 2020 và 1 nhóm đạt Giải Khuyến khích cuộc thi Euréka năm 2020. Ngoài ra, nhóm SV dự án Khởi nghiệp Vinh Sanh Organic do tôi và 1 số thầy cô trong ban cố vấn hướng dẫn đã đạt Giải 2 toàn quốc trong cuộc thi Sinh viên thế hệ mới do VTV3 và Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức năm 2023.

Tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy sinh viên của mình đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi học thuật lẫn văn hóa văn nghệ thể thao. Là Phó Hiệu trưởng phụ trách hoạt động sinh viên, tôi rất ấn tượng với sự năng động, nhiệt huyết và tài năng của các em sinh viên UEF khi các em liên tục giành được hàng loạt các giải thưởng cao trên các mặt trận từ học thuật đến văn hóa văn nghệ thể thao ở cấp khu vực và toàn quốc.

Bên cạnh đó, tôi cũng vinh dự 2 lần nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo về "Đổi mới sáng tạo trong quản ý, giảng dạy và học tập", 3 lần nhận Bằng khen của UBND TP.HCM và 7 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

“Định hướng nghề nghiệp có thay đổi nhưng không mâu thuẫn”

nhan-cam-tri-2.jpg
TS. Nhan Cẩm Trí phát biểu tại một sự kiện của UEF.

Định hướng phát triển của ông hiện tại so với lúc mới tốt nghiệp ĐH thì thế nào?

-Thật ra thì định hướng nghề nghiệp ban đầu của tôi là sẽ trở thành 1 doanh nhân trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu. Định hướng đó cho đến nay đã có một số thay đổi, tuy nhiên theo tôi thì nó vẫn không mâu thuẫn. Vì hiện nay tuy tôi chuyển hẳn sang giáo dục, nhưng các môn tôi giảng đều là các môn chuyên ngành sâu, các môn cốt lõi ngành của ngành ngoại thương hay kinh doanh quốc tế. Đúng ra là tôi đang dạy những gì mà mình đã từng học và hành trong quá khứ, nên nói thật là nó hoàn toàn thuận lợi và không có gì sai lệch ở đây cả, nếu không muốn nói là rất thuận lợi và phù hợp.

Thời đại học, tôi học song song 2 trường ĐH là Ngoại thương và Khoa học xã hội và nhân văn – Ngành Ngôn ngữ Anh. Nhưng tôi thấy sự lựa chọn ngay từ đầu của tôi rất hợp lý. Nhờ học hành bài bản từ Khoa Tiếng Anh mà vốn kiến thức của tôi khá vững, và một điều khá thuận lợi là bằng cử nhân thì sử dụng cả đời không bao giờ hết hạn. Nó đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vì không phải đi luyện thi để lấy các chứng chỉ Anh văn quốc tế có giá trị ngắn hạn trong 2 năm. Và chính nhờ học Ngôn ngữ Anh mà tôi đã đứng lớp ngay từ năm thứ 3 đại học ở các trung tâm Anh ngữ, giúp tôi trang trải các chi phí cho học tập và sinh hoạt ngay khi còn là sinh viên đại học.

Sau này tôi có học thêm ngành Đạo diễn sân khấu ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Việc học này bổ trợ rất nhiều kiến thức cho tôi trong thời gian tôi làm MC truyền hình. Và những kiến thức đó đến nay vẫn vô cùng hữu ích khi tôi ứng dụng nó trong việc quản lý các hoạt động nghệ thuật tại UEF. Nó cũng bổ sung nhiều kỹ năng quan trọng về trình bày khi tôi đứng lớp giảng dạy. Nên thật sự tôi cảm thấy những gì mình học ngày xưa vẫn đang được sử dụng hiệu quả vào công việc hàng ngày mà không hề bị lãng phí.

Những giá trị hay công trình, đề tài mà bản thân ông đã đạt được trong lĩnh vực mình đã theo đuổi?

-Hiện tôi cũng đã xuất bản được 1 sách chuyên khảo và có trên 10 Bài báo khoa học đăng trên các Tạp chí Khoa học có chỉ số ISSN của Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định và đã hướng dẫn trên 10 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Tôi cũng đang biên soạn 1 số giáo trình mới cho UEF, hy vọng sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.

“Đánh giá chính xác năng lực bản thân là việc không dễ dàng”

nhan-cam-tri-3.jpg
TS. Nhan Cẩm Trí (thứ 7 từ phải qua) tại Hội thi văn nghệ Việt - Trung do UEF đăng cai.

Ngày nay, nhiều ý kiến chi rằng các học sinh THPT được trang bị thông tin về hướng nghiệp tuyển sinh 'đến tận răng'. Tuy nhiên vẫn còn không ít trường hợp các em vào học ĐH một thời gian thì phát hiện ra mình chọn ‘nhầm’ ngành, không phù hợp với bản thân... Bên cạnh đó là các ứng dụng khoa học kỹ thuật như chat GPT, AI... cũng là thách thức lớn đối với một số ngành nghề. Ông có thể chia sẻ một vài lưu ý kinh nghiệm về chọn ngành chọn nghề với các bạn thí sinh năm nay ?

-Thật ra để đánh giá chính xác năng lực bản thân và đánh giá chính xác mình thích gì? Muốn gì? Là một việc không dễ dàng. Và cũng có một thực tế khác là con người chúng ta tư duy cũng sẽ bị ảnh hưởng và thay đổi theo môi trường xung quanh, theo sự phát triển của xã hội. Việc chọn lại nghề nghiệp sau những vấp váp, trải nghiệm từ cuộc sống cũng không có gì là đáng chê trách. Khi còn trẻ, bạn được quyền có nhiều phép thử đúng sai để cuối cùng chọn cho mình một con đường đúng nhất sau này. Nên việc các em sinh viên chọn lại nghề nghiệp, theo tôi cũng là chuyện bình thường. Các bạn có quyền trải nghiệm và có nhiều phép thử trước 35 tuổi.

Theo tôi, khi chọn ngành, chọn nghề, các bạn học sinh không nên chọn theo ý kiến đám đông, chọn vì gia đình ba mẹ thích nghề đó, ngành đó. Mà hãy hỏi xem thật sự mình thích làm công việc gì? Làm nghề gì?

Tiếp theo, không phải chỉ thích, đam mê, mà bạn phải xét xem niềm đam mê đó nó có phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân mình không? Ví dụ: 1 bạn rất thích ánh hào quang sân khấu và rất thích được làm ca sĩ, hay diễn viên. Nhưng chúng ta cần xét lại: liệu chúng ta có đủ các tố chất cần có của 1 ca sĩ hay 1 diễn viên không? Nếu bạn không có chất giọng, không có ngoại hình, không biết diễn xuất, ngại đám đông… bạn không nên chọn các công việc nêu trên.

Để thành công trong công việc, chúng ta cần chọn ngành và chọn nghề nào mà sau này cái thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của bạn sẽ được phát huy cao nhất. Thế nào là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi? Là tài năng mà bạn sở hữu khi làm 1 công việc nào đó mà bạn cảm nhận rằng, bạn làm nó nhẹ nhàng, thoải mái, không phải tốn quá nhiều sức, quá nhiều năng lượng mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất, trong khi người khác họ nổ lực hết sức mà vẫn không làm được như bạn. Đó là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của bạn. Còn ngành nghề nào mà bạn dù cố hết sức cũng chỉ đạt ở mức khá, thậm chí trung bình hay kém, tức nó là sở đoản của bạn. Bạn không nên chọn nghề nào liên quan đến nó vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy mình dở tệ, mình là người không có năng lực, trong khi thực tế là bạn rất giỏi ở một lĩnh vực khác.

Tóm lại, hãy chọn những công việc hay nghề nghiệp nào mà bạn cảm thấy yêu thích, hạnh phúc khi làm nó và làm nó một cách thoải mái nhất, nhẹ nhàng nhất mà vẫn hiệu quả cao nhất. Bạn sẽ thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp đó. Mà một khi đã đạt đến những vị trí cao của nghề nghiệp trong lĩnh vực đó, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ thuận lợi và tốt đẹp.

Xin cám ơn TS. Nhan Cẩm Trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí: “Học nhiều ngành đã giúp công việc của tôi rất hiệu quả”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO