Giáo dục

Thúc đẩy gắn kết doanh nghiệp và cơ sở giáo dục

HOÀNG NGUYỄN 09/08/2024 12:03

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, cần gắn kết chặt chẽ hơn để nâng chất nguồn nhân lực qua đào tạo.

Sáng nay 9/8, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Khách sạn Majestic Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; nâng cao năng lực và vị thế của nhà trường và doanh nghiệp,…

Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; ThS. Hồ Thị Thuỷ, Trưởng phòng Phòng tuyên truyền Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM; NGƯT. ThS Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM; đại diện các trường đại học, cao đẳng và các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo từ 10 tỉnh thành trên cả nước.

dai-bieu.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, đại diện Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM, các trường tại TP.HCM và các tỉnh, thành.

Hợp tác với doanh nghiệp đang là xu hướng nhưng còn nhiều vướng mắc

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, hiện tại TP.HCM có khoảng 55 trường đại học và 35 trường cao đẳng nghề. Mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo này khá lớn, nhưng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Một khảo sát gần đây cho thấy, chỉ có khoảng 42% chương trình đào tạo đại học có tính thực tiễn cao và khoảng 35% sinh viên tham gia vào các chương trình thực tập tại doanh nghiệp.

pgd-so-khcn(1).jpg
TS. Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện nay có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn TP.HCM đang làm việc tại các doanh nghiệp trong thành phố. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó được đánh giá là có kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với cả doanh nghiệp lẫn các cơ sở đào tạo.

Phát biểu đề dẫn, ThS. Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được ban hành năm 2014 và đến năm 2017 các cơ sở trong hệ thống GDNN tổ chức hoạt động và đào tạo theo các quy định của Bộ LĐTB&XH. Theo đó, những vấn đề khác biệt và quan trọng nhất đối với việc đào tạo của các trường đó chính là thay đổi về mục tiêu đào tạo và chương trình đào tạo đối với nhân lực bậc trung cấp và cao đẳng. Mục tiêu và chương trình đào tạo chuyển từ việc thiên về dạy lý thuyết, hàn lâm sang hướng thực hành nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng nghề, mà biểu hiện rõ nhất đó là thay đổi chương trình đào tạo và tăng thời lượng thực hành (từ 50-70% tổng thời lượng), tăng cường thực hành, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp.

ths-tu.jpg
ThS. Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM.

“Những thay đổi nêu trên với mục tiêu đào tạo cụ thể của GDNN là đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, đòi hỏi có những giải pháp để đáp ứng được đúng yêu cầu đặt ra và yêu cầu thực tiễn trong sản xuất kinh doanh và nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao của xã hội. Những yêu cầu nêu trên đặt ra cụ thể đối với GDNN. Tuy nhiên, nó cũng là một phần quan trọng đối với công tác đào tạo ở giáo dục đại học, nhân lực được đào tạo ở trình độ đại học trở lên có những mục tiêu đào tạo riêng, đối tượng đào tạo riêng, có thể hưởng tới đào tạo tinh hoa, đào tạo hàn lâm, đào tạo ở trình độ cao hướng tới mục tiêu nghiên cứu với yêu cầu là hướng tới nắm vững những nguyên lý, quy luật để sáng tạo, và với đòi hỏi kỹ năng thực hành nghề nghiệp chỉ cần đạt mức cơ bản, nhưng dù sao nó cũng vẫn vô cùng quan trọng”, ThS. Trần Văn Tú nói.

Với những thay đổi trong đào tạo từ năm 2017 cho đến nay, việc điều chỉnh chương trình đào tạo ở các nhà trường, thay đổi và đổi mới quá trình đào tạo hướng theo mục tiêu đề ra đã từng bước đi vào ổn định, đã có những kết quả nhất định, sinh viên tốt nghiệp đã đáp ứng cơ bản mục tiêu đề ra.

Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp đang là xu hướng, việc hợp tác với doanh nghiệp thứ nhất vừa để giảng viên đáp ứng yêu cầu bắt buộc, vừa có điều kiện nâng cao năng lực thực hành, thực tế sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Thứ hai, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đào tạo qua đặt hàng, kết hợp đào tạo tại nhà trường và thực hành, thực tế tại doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng đúng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, giải quyết được quan hệ giữa lý thuyết và thực tế, giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí để đào tạo, đào tạo lại khi sử dụng lao động, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo ThS. Trần Văn Tú, thực tiễn trong thời gian qua, việc hướng mục tiêu đào tạo và đáp ứng tốt với thời lượng 50-70% dành cho thực hành và đặc biệt, trong đó là thực hành, thực tế tại doanh nghiệp cũng còn nhiều vấn đề vướng mắc phải thảo luận, tìm các giải pháp để thực hiện, đáp ứng được đúng yêu cầu, cụ thể một số vướng mắc như:

Thứ nhất, hiện nay chưa hình thành một cơ chế chính thức cho việc phối hợp, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình đào tạo và thực hành, thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp. Thứ hai, Mức độ quan tâm, chủ động ở cả phía nhà trường và doanh nghiệp đều chưa đúng mức, còn nhiều khó khăn khi tìm kiếm và gắn kết với nhau. Thứ ba, điều kiện để tiếp nhận, tổ chức cho hoạt động đào tạo, thực hành của sinh viên diễn ra tại các doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế, khó khăn. Thứ tư, đặc thù từng ngành đào tạo lại có những yêu cầu tổ chức thực hành, thực tập, thực tế khác nhau nên cả nhà trường và doanh nghiệp đều gặp khó khăn để tổ chức thực hiện. Thứ năm là vấn đề chi phí, kinh phí để tổ chức thực hiện cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề khác cả chủ quan lẫn khách quan.

“Những khó khăn, hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đào tạo đặt ra, mà trong đó, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực là một nội dung rất quan trọng, cần có những giải pháp căn cơ về lâu dài. Do đó, việc nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là việc cần thiết và cấp bách của công tác đào tạo nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội của TP.HCM nói riêng và của đất nước nói chung” ThS. Tú khẳng định và bày tỏ thông qua hội thảo, những ý kiến quý báu, sắc sảo và có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Đồng quan điểm, ThS. Võ Văn Nhanh, Giám đốc Khách sạn Majestic bày tỏ kỳ vọng hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp để thúc đẩy sự gắn kết hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

ths-tran-van-tu.jpg
Chủ toạ đoàn hội thảo “Nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận về thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả gắn kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường.

PGS.TS. Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục và TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM có tham luận “Quản lý liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Theo 2 tác giả, việc liên kết đào tạo giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng được coi là yếu tố bắt buộc trong quá trình đào tạo của các cơ sở GDNN. Trên thực tế, các cơ sở GDNN rất mong muốn được các doanh nghiệp tham gia đào tạo, tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng chương trình, góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho người học, trao đổi các thông tin về khoa học, công nghệ tiên tiến và nhu cầu về nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, hiện tại đang thiếu những cơ chế phối hợp ở khâu quan trọng này; trách nhiệm thuộc về các cơ sở GDNN, trong đó thể hiện sự yếu kém của công tác quản lý.

ts-an-long-2.jpg
TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM trình bày tham luận tại hội thảo.

“Do đó, việc tạo ra một cơ chế phối hợp giữa các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trong liên kết đào tạo là điều cần thiết lúc này. Với mong muốn chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo đạt chuẩn về: kiến thức, kỹ năng và thái độ, đáp ứng nhu cầu của xã hội đòi hỏi phải có sự liên kết đào tạo giữ cơ sở GDNN và doanh nghiệp, đặc biệt trước những yêu cầu đặt ra của bối cảnh chuyển đổi số. Để xây dựng cơ chế phối hợp, việc đầu tiên là tính chủ động của các cơ sở GDNN trong việc mời doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Ở đây, các doanh nghiệp với tư cách là những người sử dụng sản phẩm của các cơ sở GDNN sẽ là những người phản biện và thẩm định sự cần thiết, tính quan trọng của các nội dung, phương pháp đào tạo được thiết kế trong chương trình đào tạo. Việc này sẽ tạo ra tính thích ứng của CTĐT với những yêu cầu nghề nghiệp của các DN trước những thay đổi liên tục của khoa học – công nghệ”, TS. Nguyễn Đặng An Long nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, việc nâng cao kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục là một bước quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội. Để thành công, cần sự hợp tác và những nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Sự kết nối mạnh mẽ và hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, cần phải có sự đổi mới trong quản lý và tổ chức hoạt động đào tạo và dạy nghề, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan. Điều này đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực từ cả phía cơ sở giáo dục và doanh nghiệp.

TS. Đỗ Thanh Vân, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủ Thiêm (TP.HCM) cho biết, theo dự báo của trung tâm, giai đoạn 2026–2030, nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm cần 320.000 – 350.000 chỗ việc làm. Trong đó, khu vực thương mại – dịch vụ cần nhiều nhất là 230.592 – 252.210 chỗ làm việc(chiếm hơn 72%), tiếp đến là khu vực công nghiệp – xây dựng cần 88.448 – 96.740 chỗ làm việc(chiếm hơn 27%) và nông lâm nghiệp và thủy sản cần 960 – 1.050 chỗ làm việc, (chiếm 0,3%). Trong tổng nhu cầu nhân lực, nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng 62%, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm chiếm tỷ trọng 21%. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo cần 278.400 – 304.500 chỗ làm việc (chiếm 87%); trong đó, trình độ trung cấp chiếm 28%, sơ cấp chiếm 21%, cao đẳng chiếm 16%, đại học trở lên chiếm 22%, lao động phổ thông chiếm 13%.

Theo TS. Đỗ Thanh Vân, việc gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, thực tiễn cho thấy chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo nghề tăng lên rõ rệt, điều này cho thấy sự đúng đắn và rất cần thiết. Tuy nhiên, trong hoạt động cụ thể của mối gắn kết này vẫn còn một vài hạn chế như việc ký kết hợp tác giữa hai đôi lúc còn mang tính hình thức. Để đi vào thực chất, doanh nghiệp cần thật sự quan tâm đến nội dung gắn kết giữa hai bên, cần xem nhà trường là khách hàng về nguồn cung lao động, chia sẻ thật sự những mong muốn với các hoạt động đào tạo cùa nhà trường để đáp ứng thực tiễn công nghệ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại doanh nghiệp. Về phía nhà trường cần tiếp tục đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo: đào tạo tập trung tại trường, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo theo nhu cầu của xã hội và theo địa chỉ sử dụng nhằm gắn kết có hiệu quả trong việc khai thác, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, tránh lãng phí cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy gắn kết doanh nghiệp và cơ sở giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO