Giáo dục

Cơ sở giáo dục đại học “trải thảm” thu hút nhà khoa học xuất sắc

HOÀNG NGUYỄN 22/02/2025 - 09:52

Để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã và đang có những chương trình, chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút và “giữ chân” các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học xuất sắc, có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Tăng lương, đãi ngộ thu hút chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc

Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) vừa gây chú ý khi công bố chương trình giáo sư thỉnh giảng, nhằm thu hút 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030. Trước đó, năm 2024, ĐHQG-HCM đã xây dựng, triển khai Chương trình thu hút nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ xuất sắc (Chương trình VNU350), thu hút được 27 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành, trong đó có 7 tiến sĩ tốt nghiệp các ĐH top 100 thế giới theo QS World Ranking 2025 đến làm việc.

PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia Chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ ĐHQG-HCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng. Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C có kinh phí tối đa 200 triệu đồng; năm thứ ba được cấp 1 đề tài loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học với kinh phí tối đa 10 tỷ đồng và năm thứ năm sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cấp nhà nước.

1.pgs-ts-vu-hai-quan.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM

Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng; các năm tiếp theo sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Đối với chương trình giáo sư thỉnh giảng, họ sẽ được hưởng mức thù lao cạnh tranh cùng các hỗ trợ về đi lại, lưu trú khi làm việc tại ĐHQG-HCM. Ngoài ra, họ còn được tiếp cận hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phòng thí nghiệm và nguồn tài nguyên nghiên cứu tại các trường thành viên của ĐHQG-HCM.

2.dhqg-hcm-hoat-dong-nckh.jpg
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại ĐHQG-HCM. Ảnh: ĐHQG-HCM.

Là cơ sở GDĐH trực thuộc UBND TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn (SGU) khuyến khích viên chức trong trường giới thiệu giáo sư, nhà khoa học đầu ngành về công tác. Chính sách đãi ngộ của Trường ĐH Sài Gòn thu hút giáo sư về công tác tại trường thông qua việc tạo môi trường làm việc lành mạnh, tự chủ và tự tin khẳng định năng lực cá nhân. Nhà trường còn đảm bảo thu nhập của giáo sư, nhà khoa học tương xứng với năng lực và đóng góp của họ, giúp các nhà khoa học, chuyên gia ổn định cuộc sống, toàn tâm toàn ý nghiên cứu, giảng dạy. Thu nhập bình quân tối thiểu hàng tháng đối với giáo sư, phó giáo sư là 30 triệu đồng/tháng, tiến sĩ là 25 triệu đồng/tháng.

4.truong-dhsg-nckh-2.png
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: SGU

Trường ĐH Sài Gòn còn ưu tiên sắp xếp công việc phù hợp chuyên môn, giao giảng dạy các lớp chất lượng cao, lớp cao học; ưu tiên giao nhiệm vụ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, khuyến khích và hỗ trợ họ đăng ký thực hiện các đề tài ngoài trường. Bên cạnh đó, trường thực hiện đồng bộ nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học như tăng mức kinh phí đề tài (trong năm qua, nhà trường đã tăng mức kinh phí đề tài loại A và loại B). Ngoài ra, Trường ĐH Sài Gòn triển khai cơ chế đặc thù, bao gồm Nghị quyết 98 theo đúng chủ trương, chỉ đạo của cơ quan cấp trên, trong đó có chú ý đến các nhà khoa học tại trường, tập trung cho đối tượng có trình độ tiến sĩ trở lên. “Cơ chế đặc thù, như Nghị quyết 98 đã thể hiện rõ hiệu quả trước mắt và chắc chắn có tác động lâu dài về sau. Nhà khoa học được hưởng lợi như chế độ đãi ngộ tốt, tăng lương, có phòng làm việc riêng… Các cơ chế đặc thù giúp các nhà khoa học gia tăng động lực cống hiến, toàn tâm nghiên cứu, từ đó không chỉ gia tăng kết quả nghiên cứu, mà còn gia tăng năng lực nghiên cứu. Điều này rõ ràng có tác động lâu dài”, đại diện SGU khẳng định.

Thu hút đã khó, “giữ chân” càng khó hơn

Theo nhiều lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh các chính sách đãi ngộ hấp dẫn, nhất là tiền lương thì yếu tố để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến làm việc là môi trường làm việc, cộng đồng học thuật và khả năng phát triển về mặt học thuật. Việc thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học xuất sắc đã khó nhưng việc “giữ chân” họ càng khó hơn.

Thu hút nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ xuất sắc là một chiến lược lâu dài. Trong dài hạn, ĐHQG-HCM hướng tới việc thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn nhằm tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học phát huy tối đa năng lực và có nhiều cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội...” - PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng có 3 nhân tố quan trọng để thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tới làm việc tại ĐHQG-HCM là:

Thứ nhất, không gian tự chủ, sáng tạo hay nói cách khác là sự trao quyền. Nhà khoa học về công tác tại ĐHQG-HCM có cơ hội đứng đầu nhóm nghiên cứu mạnh, trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trưởng ngành đào tạo mới, được hỗ trợ nguồn lực tài chính để chủ động thực hiện kế hoạch nghiên cứu.

Thứ hai, không gian đóng góp, cống hiến. Với sứ mệnh được Đảng, Nhà nước giao là nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới, khi các nhà khoa học về làm việc tại ĐHQG-HCM, họ sẽ có cơ hội làm chủ nhiệm các đề tài, dự án nghiên cứu lớn; mở rộng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước; tham gia đào tạo, hướng dẫn sinh viên xuất sắc, học viên cao học, nghiên cứu sinh để hiện thực hóa khát vọng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Thứ ba, không gian phát triển và thăng tiến. Các nhà khoa học sẽ xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp như kế hoạch trở thành phó giáo sư, giáo sư, trở thành nhà khoa học đầu ngành, hướng đến các giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước. ĐHQG-HCM cam kết đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học trong lộ trình phát triển nghề nghiệp.

3.truong-dh-viet-duc-3.jpg
Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại Trường ĐH Việt Đức. Ảnh: VGU

Còn TS Lã Vĩnh Trung - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học, Trường ĐH Việt Đức, cho rằng thu hút là một điều khó nhưng làm sao để giữ chân được chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học xuất sắc là một vấn đề khó hơn và cần có giải pháp căn bản, lâu dài. Hiện nay, làm sao để giữ chân được giảng viên, chuyên gia kỹ thuật cao, vẫn là một vấn đề lớn mà nhà trường đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết.

“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ nghiên cứu và ban hành các chính sách nội bộ như: Sabbtical - học kỳ nghiên cứu, trao đổi học thuật; xây dựng cộng đồng học thuật, nghiên cứu khoa học mạnh, trên cơ sở phát triển thành một trung tâm “hub” tại Việt Nam; bổ sung thêm các chính sách phúc lợi, cải tiến chế độ lương và thu nhập… để có thể thu hút thêm và giữ chân người lao động, các nhà khoa học xuất sắc” - TS Lã Vĩnh Trung chia sẻ.

Theo Tuần báo Khoa học phổ thông
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở giáo dục đại học “trải thảm” thu hút nhà khoa học xuất sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO