ĐH top 500 thế giới mới được lập phân hiệu ở Việt Nam
Các đại học (ĐH) nước ngoài phải thuộc nhóm 500 trường hàng đầu thế giới ở các bảng xếp hạng uy tín, trong 3 năm gần nhất mới được lập phân hiệu ở Việt Nam.
Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong hợp tác, đầu tư nước ngoài
Trong đó, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể về thành lập Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, góp phần thu hút có chọn lọc cơ sở giáo dục đại học có chất lượng đầu tư. Cụ thể là, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục đại học được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới của một trong ba năm gần nhất.
Phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam được hoạt động theo các tiêu chuẩn đào tạo và kiểm định của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập phân hiệu (tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật chất và chuẩn giảng viên không được thấp hơn quy định đối với cơ sở giáo dục Việt Nam).
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng và chương trình đào tạo của liên kết đào tạo với nước ngoài. Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải là cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp văn bằng trong lĩnh vực liên kết hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực. Chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung quy định về chất lượng Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam. Cụ thể, chương trình giáo dục mầm non và phổ thông của nước ngoài nếu đưa vào thực hiện ở Việt Nam phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận hoặc được kiểm định chất lượng, phải được giảng dạy trực tiếp ít nhất 05 năm ở nước ngoài và phải bảo đảm mục tiêu giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục của Việt Nam.
Tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục của nước ngoài phải xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục tại địa phương để quản lý nội dung, chất lượng các chương trình giáo dục của nước ngoài khi thực hiện tại Việt Nam.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đang thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài cho học sinh Việt Nam không phải làm lại thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục, nhưng phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương về việc thực hiện chương trình giáo dục nước ngoài trong thời gian 6 tháng kể từ ngày Nghị định 124/2024/NĐ-CP có hiệu lực.
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP bổ sung quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong lĩnh vực này tại địa phương.
Quy định này góp phần nâng cao vai trò chủ động và tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương trong hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Theo số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 30/6/2024, Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD. Khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước. Hiện, 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, với khoảng 20.000 sinh viên, gồm: Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV), Swinburne Việt Nam và Greenwich Việt Nam.