Sống xanh

Tâm tình cùng Tết

TS. Nguyễn Thị Quốc Minh (Giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) 13/02/2024 18:51

Thỉnh thoảng người ta hay nói với nhau “Tết hồi đó vui lắm, bây giờ không vui bằng” hoặc “Tết bây giờ hết vui rồi”… Vài tháng trước khi Tết chính thức đến thăm nhà, người người đã mang Tết vào trong câu chuyện từ xã giao đến tâm tình.

ts-quoc-minh-1.jpg
TS. Nguyễn Thị Quốc Minh (Giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Người tính “vật giá đi thang máy, phóng tay ga”, “vài tuần nữa là đến Tết rồi đấy ông ạ”, “dọn dần đi, sắp Tết đến nơi rồi"... Có phải vì như thế nên làm người ta sợ, người ta mong vị khách này đến thăm trễ hơn một chút. Hay vì ai nấy đều phải lo biếu tặng, tất bật dọn bỏ mà không kịp làm mới, không kịp cảm nhận được sự nhận lại!?

Nhưng Tết ơi đừng buồn, người ta không ghét bỏ, không sợ Tết như cách người ta thi thoảng vẫn nói với nhau đâu. Nhìn mà xem, dù không giàu có cao sang, nhà cửa vẫn đâu ra đấy, vẫn có cái dấu chỉ để Tết nhận ra, ghé vào thăm nhà. Người ta bảo “Tết xưa vui hơn Tết nay” cũng chỉ vì khi ấy người ta lại hoài niệm (cũng vì là nhớ Tết mà thôi). Hay nếu người ta không mong vị khách của tháng Giêng đến sớm thì thực ra là vì họ muốn chăm chút hơn để khi vị khách ấy đến là có thể đón tiếp một cách nồng hậu, tràn đầy. Và không phải tự nhiên mà nhiều người quan niệm rằng trước mùng mới đúng là Tết, vào mùng rồi thì thấy Tết đã đi đâu, ấy chẳng phải là “chưa xa mà nhớ" đó sao? Nói như nhà thơ Xuân Diệu “Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua”... Tất cả đều từ cảm giác mong nhớ Tết mà ra.

Rồi vào những ngày giáp Tết, người người chuẩn bị vé xe, vé tàu để trở lại nhà đúng theo kiểu “đường về nhà là vào tim ta”; “Tết này con sẽ về dẫu ở đâu con cũng sẽ về”... Rồi vào khoảnh khắc thiêng liêng nhất của năm, đó là lúc giao thừa, người người trong lòng cũng đều dấy lên niềm mong cầu chân thành, gửi vào từng đợt ánh pháo sáng rực trên bầu trời, gửi vào nén hương trầm dâng trời phật tổ tiên ông bà, mong một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Tết ơi, chỉ có Tết mới có thể mang đến cho thế gian cảm giác lâng lâng, say sưa, lưu luyến và phấn chấn như thế!

Dỗ dành Tết rồi quay sang tự dỗ dành mình: Tết vui mà!

Món quà của Chúa xuân trao tặng cho thế gian là mùi mực thắm, là nét thơ xuân, là chút mưa bay lất phất đợt áp Tết, là cái se lạnh của gió tháng Giêng, là sự tấp nập nơi các phiên chợ rực rỡ sắc hoa, là điệu nhạc tình xuân buồn vui thương nhớ mong cầu, từ kinh điển đến cách tân, là những đôi nam thanh nữ tú sánh vai nhau tình tứ dạo phố phường... Ở đó, ta còn cảm nhận được sự đổi thay của người, của mình và của Tết. Tết bây giờ có “lắc Momo”, có “giựt lì xì", có mừng tuổi online, nhưng dù vậy thì những phong lì xì đỏ đầu năm, những câu đối câu liễn lẫn thơ xuân cũng vẫn được chăm chút. Phong vị Tết chính là ở đấy. Quà Tết là ở đấy. Tình xuân của Chúa Xuân chính là ở đấy.

Tết dành cho hết thảy mọi người, ai cũng có Tết. Vậy mà thường nghe bảo “chỉ có trẻ con mới thấy vui”, thôi thì “mỗi cây mỗi hoa”, mình mỗi nhà mỗi quà, đành rằng không có mai to thì cành bông nhỏ, không có pháo sắc màu thì cũng chỉ cần chút sắc đỏ, vàng, ấy là đón Tết trọn vẹn. Nếu nhà ai còn ông bà, quây quần nhà tổ, thật ấm cúng biết bao; nếu ông bà chẳng còn nữa, thật nhớ nhường nào. Nhưng những người ở lại, còn cơ hội cùng nhau dọn mộ phần, thắp hương dâng hoa, nguyện cầu, cũng thật an lòng, ấm cúng, chia vui sẻ Tết với người đã đi trước, làm gương biết ơn, kính nhớ tổ tiên cho con cho cháu. Có biết bao đứa trẻ đã lớn khôn nên người từ những truyền thống văn hóa Tết Việt đấy chứ, quà ở đấy, ngay đấy.

tam-tinh-tet-1.jpg

Với những người Việt Nam ở nước ngoài đều có một tâm trạng chung là vẫn luôn đau đáu nhớ hương vị, không khí đoàn viên mỗi khi tết đến, xuân về nơi quê nhà yêu dấu. Nên dù sống ở đâu trên khắp thế giới thì những người con Việt Nam vẫn luôn giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau hiểu hơn về những phong tục, tập quán đón tết của ông cha; hướng dẫn từ việc gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ gia tiên cho đến việc đi chúc tết, lì xì đầu năm… Những người phụ nữ Việt Nam thì thích diện những bộ áo dài truyền thống để vẻ đẹp quê hương luôn ngời lên nơi đất khách. Rồi họ cũng thường hẹn nhau để ăn uống, tâm sự, kể chuyện gia đình quê quán. Ai ai cũng dấy lên trong lòng một niềm yêu thương và hi vọng mãnh liệt trong năm mới. Nhờ vậy, tết xa mà hóa gần, thắt chặt thêm tình cảm đồng hương đồng bào... Tết thêm phần ấm áp, trọn vẹn yêu thương.

“Xuân mang niềm vui tới, xuân mang nhiều lộc mới. Muôn chim hòa ca tɾên khắp lối. Hoa mai nở khoe sắc, hương xuân tɾàn ngây ngất. Ban mai đâm chồi nảy lộc thắm tươi. Xuân cho lộc xanh lá. Chim non đùa vui quá. Xa xa cành lộc đón chồi lá. Ngân vang ngàn câu chúc. Cho gia đình sung túc. Hân hoan cho mùa xuân mới sang” nhà ai mở nhạc rộn ràng càng làm cho khí xuân, sắc xuân thêm tưng bừng, cho lòng người thêm náo nức. Xuân đang về trong đất trời, về với nhà nhà người người. Tình xuân ấm áp, ý xuân nồng nàn, lòng người tươi non phơi phới đón nhận... Cầu mong một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc, tài lộc, bình an cho tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm tình cùng Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO