Khoa học

Nghị quyết 57: Kỳ vọng gỡ 'nút thắt' cho nhà khoa học được điều hành doanh nghiệp

Võ Liên - Ngọc Duy 21/03/2025 - 12:40

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ tháo gỡ "điểm nghẽn" trong thương mại hóa sản phẩm, khi các nhà khoa học là viên chức được phép kinh doanh kết quả nghiên cứu.

hinh-3-phong-thi-nghiem-tai-trung-tam-r-d-thuoc-khu-cong-nghe-cao-tphcm.jpg
Phòng thí nghiệm tại Trung tâm R&D thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM

Dự thảo quy định tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Nhà nước đầu tư và cấp kinh phí thường xuyên để hỗ trợ phát triển. Các tổ chức này được trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất, bao gồm quyền sử dụng nguồn tài chính cho chi tiêu thường xuyên và trích lập quỹ phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Đặc biệt, các cơ sở nghiên cứu được phép đăng ký kinh doanh, thực hiện liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân để ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tổ chức quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Theo đó, họ được chủ động xác định tổ chức bộ máy và số lượng nhân sự. Đồng thời, người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập có quyền tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của tổ chức.

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu là nhu cầu tất yếu

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một nhu cầu tất yếu. Ngay từ xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng khoa học phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất và quay lại phục vụ thực tiễn, nghĩa là khoa học phải hướng đến mục tiêu phát triển.

Thời gian qua, một số rào cản nhất định đã hạn chế khả năng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, trong đó có những quy định mang tính ràng buộc. Nghị quyết 57 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn" này, tạo đột phá cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Giám đốc ĐHQG TP.HCM chỉ ra ba yếu tố then chốt:

• Thứ nhất, cần có cơ chế đủ linh hoạt để bảo vệ nhà khoa học, giảm bớt các thủ tục hành chính để họ có thể tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp.

• Thứ hai, nếu yêu cầu mọi đề tài nghiên cứu đều phải tạo ra sản phẩm cụ thể, các nhà khoa học sẽ không dám đầu tư vào các dự án mang tính đột phá vì lo ngại trách nhiệm. Ngược lại, nếu có cơ chế công nhận rủi ro trong nghiên cứu, họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc theo đuổi những lĩnh vực mới, từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng cao.

• Thứ ba, các sản phẩm khoa học muốn thương mại hóa thành công trước hết phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khi doanh nghiệp đặt hàng, nhà khoa học có cơ hội đồng hành, nghiên cứu, cải tiến và phát triển sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường.

"Việc khám phá một 'vùng đất mới' có thể mở ra những hướng đi đột phá, nhưng đó là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì và chấp nhận thử thách. Do đó, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu có thể xem là một giải pháp mang tính đột phá", PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Sớm cụ thể hóa để gỡ các "điểm nghẽn"

TS Dương Minh Tâm - Nguyên Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) cho biết, các giảng viên ở trường đại học hiện nay thường vướng quy định của Luật Viên chức. Cụ thể, giảng viên là viên chức không được phép điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình.

hinh-4-nha-khoa-hoc-ky-vong-nq-57-nhanh-chong-cu-the-hoa.png
Nhà khoa học kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ nhanh chóng được cụ thể hóa

Với cơ chế mới từ Nghị quyết 57, "điểm nghẽn" này được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, khi nhiều quốc gia khuyến khích các trường đại học và nhà nghiên cứu thành lập doanh nghiệp dựa trên nền tảng R&D (nghiên cứu và phát triển).

"Do đó, rất mong cơ chế này sớm được cụ thể hóa từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, cần làm rõ vai trò của trung tâm triển khai tiếp các thành quả nghiên cứu từ trường đại học, tránh tình trạng 'cất ngăn kéo' sau khi nghiệm thu đề tài", TS Tâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, một điểm đột phá khác của Nghị quyết 57 là cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát của Nhà nước. Cùng với đó là chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới mà gặp thiệt hại do nguyên nhân khách quan.

Gắn đề tài nghiên cứu với doanh nghiệp

Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, các nghiên cứu nền tảng vẫn được chú trọng. Song song đó, những nghiên cứu theo định hướng ứng dụng cũng được đẩy mạnh, với mục tiêu kết nối các chủ đề nghiên cứu với doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, việc hợp tác với doanh nghiệp mang lại hai lợi ích quan trọng:

• Thứ nhất, nhà nghiên cứu trực tiếp tiếp cận với các bài toán thực tế, từ đó định hướng nghiên cứu sao cho phù hợp và có tính ứng dụng cao.

• Thứ hai, tạo cơ hội để các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với thị trường, giúp sản phẩm có điều kiện kiểm chứng hiệu quả khi triển khai thực tế.

Nhà trường cũng đang áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ nhà khoa học và sinh viên tham gia vào các nhiệm vụ khoa học có hợp tác với doanh nghiệp. Một trong số đó là khuyến khích các nhóm nghiên cứu chủ động kết nối với cựu sinh viên, chủ doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước để nhận các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai ngay tại trường.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, cần có một đơn vị hoặc nhóm chuyên gia có khả năng thu thập yêu cầu từ doanh nghiệp, đồng thời tổng hợp các kết quả nghiên cứu hiện có.

"Thực tế, không có đề tài nghiên cứu nào sẵn sàng chuyển giao ngay lập tức mà cần có sự điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải có người đóng vai trò kết nối giữa hai bên", PGS.TS Trần Minh Triết chia sẻ.

Kinh nghiệm từ mô hình liên kết trường đại học - doanh nghiệp

Theo TS Dương Minh Tâm, mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp đã chứng minh hiệu quả cao tại các quốc gia phát triển. Đây là giải pháp giúp chuyển giao công nghệ từ trường đại học đến các tập đoàn, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cũng như các công ty khởi nghiệp và vườn ươm doanh nghiệp.

Hơn một thập kỷ qua, Đại học Quốc gia TP.HCM và Khu Công nghệ cao TP.HCM đã có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là cần đánh giá rõ những hạn chế của cơ chế cũ và đề xuất một cơ chế mới hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 57: Kỳ vọng gỡ 'nút thắt' cho nhà khoa học được điều hành doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO