Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: SHTP chủ động đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ

Thiên Linh| 12/05/2023 03:08

Chiều 11/5, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn dầu đoàncông tác, đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới khoa học công nghệ

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới khoa học công nghệ. Đây là lĩnh vực quan trọng để góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, phát huy văn hóa, con người Việt Nam trong đó có tinh thần đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ tại buổi làm việc, các chuyên gia đều cho rằng, trong thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực. Việt Nam có tiềm năng về nhân lực cũng như nhiều nguồn lực nhưng thực tế còn thiếu kinh nghiệm.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Một số chuyên gia kiều bào cho rằng, chúng ta phải có chính sách làm sao tạo “tổ ấm” để có thể thu hút được ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước cộng tác và làm việc chung với kỹ sư Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thế giới… Trong đó, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM gợi mở những vấn đề cần tháo gỡ để Khu CNC TP.HCM nói riêng và các khu trong cả nước phát huy hiệu quả.Theo ông Trực, cơ chế quản lý Khu CNC hiện nay có cảm giác như “cái áo mặc đã quá chật”, cần phải có sự đổi mới trong tổ chức quản lý.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao hoạt động của Khu Công nghệ cao TP.HCM(Khu CNC) sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đã chứng tỏ sự đúng đắn của TP.HCM trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án, từ đó đã hình thành một Trung tâm CNC quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế - IETC Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh tiềm năng thế mạnh về tự nhiên thì nguồn lực con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thế giới đang phát triển như vũ bão với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo. Đối với Khu CNC TP.HCM, ông Nghĩa mong trong thời gian tới, đẩy mạnh công tác truyền thông, thu hút ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở nước ngoài về hợp tác, để khoa học công nghệ của TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung ngày càng phát triển, tiệm cận với khoa học công nghệ cũng như một số lĩnh vực khác ở khu vực và quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và trên cả nước.

"Chúng ta cần phải chủ động với quyết tâm cao, khơi thông các điểm nghẽn để phát huy sáng tạo, tạo đột phá, khơi dậy các nguồn lực. Đồng thời mong khoa học công nghệ cần phát huy hơn nữa tính ứng dụng trong thực tiễn", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thu hút nhiều nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao T.PHCM đã báo cáo về thực tiễn phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, các giải pháp thu hút và trọng dụng đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại SHTP.

Được thành lập từ năm 2002 đến nay, Khu CNC đã thu hút được 160 dự án, trong đó tính đến cuối tháng 3/2023, có 160 dự án (trong và ngoài nước) còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/01 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,974 tỷ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư 18,1 triệu USD/01 dự án).

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc.“Bên cạnh những kết quả quan trọng về thu hút đầu tư, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố và cả nước, điều quan trọng là tại Khu CNC đã hình thành nên những hệ sinh thái ngành mạnh và những cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ làm tiền đề cho sự phát triển của Khu CNC cao ở giai đoạn tiếp theo với trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh. Khu CNC xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu Đô thị khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước...” - PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết, tính đến nay, số lượng chuyên gia khoa học và công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp KCNC khoảng hơn 570 và hơn 20 chuyên gia Việt kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên tại 3 đơn vị sự nghiệp khoa học Khu CNC và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu. 

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan, tìm hiểu Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC) theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử (Product Design), phát triển các sản phẩm, vận hành các nhà máy điện tử có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trước đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đã ký kết hợp tác với Công ty Synopsys thành lập mô hình Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SHTP Chip Design Center - SCDC). SCDC và IETC là 2 công cụ rất quan trọng, hợp thành hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu CNC TPHCM, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam trong các ngành điện tử, vi mạch là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: SHTP chủ động đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO