Dòng chảy

TP.HCM lắng nghe các nhà khoa học để xây dựng nền công vụ hiện đại

Nhật Hòa04/04/2024 12:02

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong nước và quốc tế để từ đó xác định mô hình nền công vụ, nền hành chính phù hợp với thông lệ quốc tế...

hoinghi1.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo

Sáng 4/4, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP; Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Theo Sở Nội vụ TP, hội thảo khoa học nhằm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, đơn vị có liên quan về những nội dung cơ bản của dự thảo Đề án, trên cơ sở đó, Ban Soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện nội dung của Đề án “Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030” (Đề án).

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, thời gian qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Nội vụ khẩn trương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP tham mưu tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án. UBND TP đã ban hành quyết định kiện toàn, thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Giúp việc Ban Soạn thảo Đề án đảm bảo đầy đủ thành phần, đa dạng các lĩnh vực nhằm hướng đến soạn thảo có chất lượng những nội dung của Đề án.

Trên cơ sở tham mưu của Sở Nội vụ và Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, UBND Thành phố đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đã thực hiện khảo sát gần 13.000 phiếu đối với các đối tượng công chức và 76.601 phiếu đối với các đối tượng viên chức trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, UBND TP cũng ban hành Kế hoạch về triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án. Trong đó, xác định các nội dung chính, tiến độ tổ chức thực hiện và phân công trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện soạn thảo Đề án.

chu-tich.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo

Phát biểu định hướng hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh 3 vấn đề trong xây dựng nền công vụ TP. Trong đó, yêu cầu xây dựng một nền công vụ, một nền hành chính tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển là một yêu cầu “kim chỉ nam” cho thảo luận của hội thảo.

Với yêu cầu như vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong nước và quốc tế để từ đó xác định mô hình nền công vụ, nền hành chính phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp thu những điểm tiên tiến, tích cực của quốc tế, phù hợp với vị trí, vai trò của TP.HCM với tư cách là một đầu tàu kinh tế, một đô thị đặc biệt, siêu đô thị và trong xu hướng vận hành và phát triển trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng cho biết trên cơ sở hiện trạng, TP đã tiến hành khảo sát để đánh giá hiện trạng nền công vụ TP. Từ hiện trạng này, xác định để đạt được mục tiêu thì TP cần tập trung vào cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa nền công vụ… Ngoài ra còn một số vấn đề cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và có những vấn đề TP phải tự điều chỉnh.

Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, bằng kinh nghiệm của chuyên gia, các nhà khoa học có những dự báo và đề xuất, phải đảm bảo điều kiện để vận hành trên thực tế. Mục tiêu là xây dựng nền công vụ tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển cho TP và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định: “Trung ương nhận thấy sự năng động của TP.HCM nên cho TP các cơ chế đặc thù, mới đây nhất là Nghị quyết 98. Trong việc xây dựng đề án nền công vụ, phải bảo đảm tuân thủ quy định nhưng cũng cần hướng tới vượt khung chính sách hiện tại để xin với Trung ương, Quốc hội để có khung pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của TP.HCM”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM lắng nghe các nhà khoa học để xây dựng nền công vụ hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO