Vui khỏe mỗi ngày với ‘Bí quyết để phòng tránh bệnh lý thoát vị đĩa đệm và bệnh dạ dày’

Hồng Ân| 19/04/2023 13:04

Thoát vị đĩa đệm và bệnh dạ dày tá tràng tưởng chừng như không liên quan, nhưng các bác sĩ lại thông tin, đây là các bệnh lý rất phổ biến thường đi kèm với nhau và đối tượng mắc bệnh đang ngày một trẻ.

Hàng trăm sinh viên, công đoàn viên, giảng viên Đại học Sự phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) ngày 19/4 vừa qua đã trang bị thêm nhiều kiến thức về bệnh lý thoát vị đĩa đệm và dạ dày tá tràng, đồng thời được các bác sĩ chuyên khoa khách mời trực tiếp tư vấn sức khỏe.

Chương trình do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp với Công đoàn trường HCMUTE và hệ thống bệnh viện Saigon ITO tổ chức, cùng với sự đồng hành của các đơn vị: chương trình iCitizen, công ty Bankas và công ty Sắc Cầu Vồng A.  

Bệnh xương khớp - đừng ngưng tập luyện!

Báo cáo về bệnh lý thoát vị đĩa đệm, ThSBSCKI Lê Xuân Sơn, Trưởng đơn vị cột sống,bệnh viện Saigon ITO cho biết, theo Tổ chức y tế thế giới, cứ 5 người thì có 4 người đau cột sống một lần trong đời, và cứ 6 ngày nghỉ việc vì lý do sức khoẻ thì trong đó có 1 ngày nghỉ vì đau cột sống.

Trong đó, thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng trẻ hoá trên toàn thế giới, có chiều hướng tăng mạnh trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, từ 3 % đến gần 5% dân số. Đáng chú ý, các bệnh lý thường gặp đi kèm với bệnh lý cột sống như viêm dạ dày (27,5%), thoái hóa cốt ống thắt lưng (20%), tăng huyết áp (35%)…

ThS BS CKI Lê Xuân Sơn chia sẻ về bệnh thoát vị đĩa đệm.

Về điều trị thoát vị đĩa đệm, nội khoa gồm có thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, giảm đau thần kinh, nhiệt trị liệu, sóng ngắn trị liệu, điện trị liệu…; ngoại khoa gồm phẫu thuật giải ép đĩa đệm, hoặc đặt dụng cụ cột sống cho những trường hợp điều trị nội khoa thất bại và đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật.

“Bí quyết phòng ngừa đó chính là thay đổi lối sống. Có 6 con đường tránh xa thoát vị đĩa đệm, gồm: tập luyện; tránh dư cân; ăn rau và thức ăn chứa nhiều vitamin C, omega 3, canxi; giữ tư thế đúng; khuân nâng đúng cách; và tránh hút thuốc lá”, BS Sơn chia sẻ.

Đặt câu hỏi với bác sĩ, ThS Nguyễn Đức Vượng, Phó phòng Thanh tra giáo dục HCMUTE nêu tình trạng gặp phải: “Tôi ngủ dậy hai bàn tay rất hay bị tê và khi đứng làm việc hoặc chơi thể thao bị đau thắt lưng bên trái, không biết có phải do thận hay do các vấn đề khác trong cuộc sống không?”. Đồng thời, ThS Vượng cho biết dù lo lắng về triệu chứng của bản thân nhưng chưa sắp xếp được thời gian đi khám.

ThS Nguyễn Đức Vượng, Phó phòng Thanh tra giáo dục HCMUTE nêu tình trạng bản thân.

Lý giải trường hợp này, BS Sơn cho biết, việc đau tái diễn và khu trú tại một bên hông thì không phải là sỏi thận, bởi sỏi thận cũng gây đau lưng, nhưng là cơn đau quặn khủng khiếp. Để biết đau lưng có thể do thoát vị đĩa đệm hay do nguyên nhân khác, cần thiết đi chụp MRI.

Về tê tay, nếu do thoát vị đĩa đệm sẽ tê lan từ vùng cổ xuống, còn tê khu trú tại bàn tay có thể là hội chứng ống cổ tay, chiếm 37% giới văn phòng. Bệnh do dây thần kinh trong đường hầm gân và cần được chuyên gia ngoại thần kinh chẩn đoán điện cơ. “Như vậy, trường hợp này chỉ cần chụp MRI lưng và làm điện cơ thì câu hỏi sẽ được trả lời”, BS Sơn nói.

Nhà báo - ThS. Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông điều phối phần tư vấn cùng 2 bác sĩ khách mời.

Cùng chịu những đau trên cơ thể, PGS TS Đặng Thành Trung, khoa Cơ khí động lực, HCMUTE cho biết, cách đây khoảng ba tuần khom tưới cây thì bị đau lưng chịu không nổi, rồi xoa dầu từ từ hết. Nhưng đầu gối bên trái đứng lên là đau, không biết có phải đứng nhiều hay không, dù mỗi tuần PGS đều chạy xe đạp, thể thao cũng đầy đủ.

Theo BS Sơn, nếu bệnh nhân chuyển động khớp kêu một tiếng “cóc”, thì đó là thoái hóa khớp và cơn đau sẽ lướt qua; còn nếu chuyển động mà kêu một tiếng “cụp” và bệnh nhân đau lưng một cách dữ dội và tê thì hãy coi chừng, đó rất có thể bị thoát vị đĩa đệm cấp.

“Tình huống thầy Trung nêu ra rất đáng mừng vì cái đau đã trôi qua. Còn đau tại gối không phải bị thoát vị đĩa đệm ở lưng chạy xuống, mà đó phần lớn là do hội chứng thoái hóa bánh chè đùi có xác suất xảy ra 85% ở người đứng lâu. Xin rất hoan nghênh thầy Trung đã duy trì chạy xe đạp, vận động thể dục. Đừng bao giờ nghĩ tôi đang bị một cái gì đó là tôi sẽ không tập thể dục. Hãy tập trong giới hạn của mình, theo dõi và điều hòa cơ thể mình để điều chỉnh và duy trì tập luyện”, BS Sơn nhấn mạnh.  

TS Võ Thị Thu Như, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, HCMUTE chia sẻ về bệnh cảnh bản thân tại chương trình.

Còn trường hợp của TS Võ Thị Thu Như, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, HCMUTE, thì cơn đau khớp nặng lên mỗi khi thời tiết thay đổi. TS Như cho hay, chị bị đau gai cột sống lưng cổ 20 năm rồi, càng ngày càng nặng, chụp x quang toàn thân bị thoát vị gai cột sống và dính khớp. Có đi tập vật lý trị liệu nhiều lần không khỏi, rồi tập yoga mấy năm nay, thấy giảm bớt cơn đau nhưng trở trời lại đau nhiều hơn, vậy bác sĩ có thể tư vấn liệu trình chữa trị để giảm bớt bệnh?

Trả lời TS Như, BS Sơn nhận định, nếu bị đau theo mùa và sinh hoạt còn bình thường, không có tê bì dữ dội, các triệu chứng rễ, tủy thần kinh không xuất hiện thì không nên nghĩ đến phẫu thuật. “Chị Như có thể đến khám ở bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để có được một liều điều trị ngắn ngày giải quyết cơn đau và quay trở lại vật lý trị liệu, yoga nhẹ nhàng hoặc bơi lội”, BS Sơn khuyến cáo.

Bệnh dạ dày - tầm soát sớm luôn là giải pháp tốt!

Đau dạ dày là tình trạng bệnh lý thường gặp, trở thành nỗi ám ảnh chung của nhiều người. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được điều trị sớm.

Thông tin về bệnh dạ dày tá tràng, BSCKII Bùi Hồng Minh Hậu, bệnh viện Bình Dân cho biết, đây là bệnh lý ngay cả các nước phát triển cũng có đến hơn 50% dân số mắc phải. Tại Việt Nam, tỉ lệ này là hơn 70%.

BS CKII Bùi Hồng Minh Hậu - Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân báo cáo tại chương trình.

“Bệnh lý dạ dày tá tràng không chỉ do vi khuẩn H. pylori mà còn có những nguyên nhân khác như do sử dụng thuốc NSAIDs/ Aspirin, Glucocorticoids (khi kết hợp với NSAIDs), Clopidogrel. Rồi do stress cơ thể, như: choáng, chấn thương sọ não, đa chấn thương, bỏng, suy hô hấp, viêm tuỵ cấp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và stress tâm lý”, BS Hậu phân tích.

Theo BS Hậu, rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn không lành mạnh là những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng đến dạ dày tá tràng. Vì thế, để phòng trị bệnh, cần hạn chế tốt những yếu tố nguy cơ này, thực hành những thói quen có lợi cho sức khỏe dạ dày (chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, bữa tối không ăn muộn hay no quá) và tuân thủ điều trị đúng đủ liều để tránh kháng thuốc, cũng như có giải pháp giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc…

PGS TS Đặng Thành Trung, khoa Cơ khí động lực, HCMUTE đặt câu hỏi với bác sĩ khách mời.

Nêu câu hỏi cho BS Hậu, PGS TS Đặng Thành Trung cho biết, ngoài bị xương khớp, anh còn “dính vụ dạ dày”. Cách đây 3 năm anh khó tiêu hóa nên đi nội soi bị Hp và điều trị đúng phác đồ BV trong 2 tuần, sau đó kiểm tra lại đã hết. Gần 2 tuần nay, anh lại bị đường tiêu hóa, nội soi không bị HP nhưng viêm đại tràng. Hiện PGS Trung vẫn “uống tinh bột nghệ mỗi sáng, thấy khỏe, nhưng cũng muốn bác sĩ tư vấn thêm” về bệnh cảnh của mình.

Chẩn đoán tình trạng của PGS Trung, BS Hậu cho rằng, với trường hợp viêm đại tràng gây đau bụng, buồn đi vệ sinh, nội soi không có HP sẽ thường do căng thẳng công việc, tiêu chảy, táo bón thì chỉ sử dụng một liều thuốc của bác sĩ. Khi những triệu chứng không bị lại có thể yên tâm ngưng thuốc.

Còn đối với thuốc bột nghệ, là loại thức ăn có nhiều kiềm để giảm bớt sự phá hủy của axit dạ dày. “Thực tế, có nhiều người sẽ phù hợp với bột nghệ, sữa hoặc trứng hay yến mạch chẳng hạn. Cho nên tùy cơ địa mỗi người, nếu khó chịu thì thay đổi thức ăn nhiều kiềm cho phù hợp”, BS Hậu phân tích và bày tỏ sự trân trọng khi PGS Trung đã đi tầm soát bệnh ngày khi mắc phải triệu chứng. BS Hậu nhấn mạnh tầm soát sớm luôn là giải pháp tốt và cần thay đổi cái thói quen chỉ khi có triệu chứng rất trầm trọng mới đi khám.

Ngoài ra, chương trình tư vấn còn có những câu hỏi về dinh dưỡng phù hợp, thức ăn cho người tăng mỡ máu, cao cholesterol…

Nhà báo - ThS. Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông và ThS Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch Công đoàn HCMUTE tặng hoa tri ân BS.CK II Bùi Hồng Minh Hậu - Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình dân và ThS.BS Lê Xuân Sơn - Trưởng đơn vị cột sống, Bệnh viện Saigon ITO.

“Quan tâm chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, viên chức và toàn thể sinh viên là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của HCMUTE. Nhà trường mặc dù đã có những chương trình khám sức khỏe định kỳ, sức khỏe học đường, nhưng những kiến thức, giải đáp những thắc mắc thực tế về các bệnh lý thường gặp, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân kịp thời và bền vững vẫn còn hạn chế.”
(ThS Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch Công đoàn HCMUTE)

ThS Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch Công đoàn HCMUTE tặng hoa đến Tạp chí Khoa học phổ thông và đại diện của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO.

“Sự kiện hôm nay nằm trong chuỗi hoạt động “Tư vấn y khoa vui khỏe mỗi ngày với các bệnh lý thường gặp”. Đây là một chương trình sau mặt báo vì sức khỏe cộng đồng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng. Thời gian qua, chương trình đã đến với người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thay mặt các đơn vị, xin gửi lời cám ơn đến Ban giám hiệu HCMUTE và Ban chấp hành Công đoàn nhà trường, đã tạo điều kiện để có một chương trình tư vấn y khoa vui khỏe mỗi ngày ý nghĩa và thành công tốt đẹp”.
(Nhà báo - ThS Bùi Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông)


Thay mặt Ban tổ chức, Nhà báo - ThS Bùi Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông cũng gửi lời cảm ơn đến Ban Tổng giám đốc Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Ban giám đốc Bệnh viện Bình Dân, công ty BANKAS, iCitizen Việt Nam, Công ty Sắc Cầu Vồng A (khu công nghiệp Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã hỗ trợ và đồng hành cùng Tạp chí để tổ chức chương trình được thành công tốt đẹp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui khỏe mỗi ngày với ‘Bí quyết để phòng tránh bệnh lý thoát vị đĩa đệm và bệnh dạ dày’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO