Cộng đồng

Vui khỏe mỗi ngày: Dinh dưỡng “xanh” - chìa khóa giúp trái tim khỏe mạnh

Trúc Nhã, Ảnh: Đỗ Phương 21/04/2025 17:43

Một buổi chiều đầu tuần, không khí tại hội trường khu B Trường Đại học Sư phạm TP.HCM trở nên vô cùng rộn ràng và sôi động. Hơn 500 giảng viên, sinh viên và khách mời đã có mặt từ sớm để tham dự chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” của Tạp chí Khoa học phổ thông với chủ đề “Dinh dưỡng xanh để trái tim khỏe”.

anh-1.jpg
Đông đảo các công đoàn viên, giáo viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tham dự buổi chương trình Vui khỏe mỗi ngày.

Chương trình Vui khỏe mỗi ngày tháng 4/2025 do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp cùng Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM tổ chức vào ngày 21/4 với sự đồng hành của Bệnh viện Nhân dân 115 và Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam.

Khỏe từ giảng đường, vững vàng tương lai

Phát biểu khai mạc chương trình, ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM cho biết, nhà trường luôn xem sức khỏe của sinh viên, giảng viên, viên chức, người lao động là yếu tố quan trọng song hành cùng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc đồng hành cùng Tạp chí Khoa học phổ thông tổ chức chương trình này là minh chứng cho sự cam kết ấy. Cam kết xây dựng một môi trường học đường không chỉ giàu tri thức mà còn giàu trách nhiệm, yêu thương và khỏe mạnh từ bên trong.

“Chương trình ‘Vui khỏe mỗi ngày’ với chủ đề ‘Dinh dưỡng xanh để trái tim khỏe’ không chỉ là một hoạt động chia sẻ kiến thức y khoa mà còn là lời nhắn nhủ tích cực hãy bắt đầu yêu thương bản thân từ những điều đơn giản nhất, một chế độ ăn hợp lý, một nhịp sống điều độ, một trái tim khỏe mạnh, đó là những nền tảng căn bản giúp chúng ta học tập, làm việc và cống hiến hiệu quả hơn mỗi ngày.

Các chuyên đề của chương trình chính là những mảnh ghép không thể thiếu trong hành trình xây dựng một lối sống khoa học tích cực. Tôi tin rằng sau chương trình, mỗi người tham dự sẽ mang theo cho mình một giá trị mới, một điều gì đó đủ mạnh để thúc đẩy bản thân thay đổi và truyền cảm hứng cho những người xung quanh” - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nói.

anh-6.jpg
ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM đại diện nhà trường trao hoa cảm ơn đến Nhà báo, ThS Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông.

Cũng tại chương trình, Nhà báo, ThS Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông cho biết đây là lần thứ 2 Tạp chí phối hợp với Trường tổ chức chương trình "Vui khỏe mỗi ngày", qua đó cung cấp nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe, từ đó giúp giảng viên và sinh viên nhà trường nâng cao kiến thức chăm sóc tốt cho sức khỏe. Được biết, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM luôn quan tâm đến sức khỏe học đường và sức khỏe của thầy cô cũng như các em sinh viên, cho nên năm nay Trường đã phối hợp cùng Tạp chí tiếp tục tổ chức chương trình Vui khỏe mỗi ngày với chủ đề “Dinh dưỡng xanh để trái tim khỏe mạnh”.

“Ngày nay, với áp lực từ học tập, thi cử căng thẳng, môi trường sống xa nhà, cùng việc học tập áp dụng công nghệ 4.0 vào học đường sẽ vất vả nhiều hơn so với trước đây khiến các bạn trẻ gặp nhiều vấn đề về dinh dưỡng, sức khỏe tim mạch, huyết áp, stress, rối loạn giấc ngủ,… Với sự chia sẻ từ 2 vị chuyên gia của chương trình mong rằng sẽ giúp các bạn sinh viên có thêm kiến thức để cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và học tập hiệu quả hơn - nhà báo Bùi Hương chia sẻ.

z6528334231581_fad08986b32049bd2dfa13baaf9856bc.jpg
Nhà báo, ThS Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách khoa học phổ thông cùng ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM.

Dinh dưỡng xanh hướng đến sức khỏe bền vững

Mở đầu buổi báo cáo, ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường – Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y Dược TP.HCM đã chia sẻ nhiều thông tin y khoa và thực tiễn trong chuyên đề “Dinh dưỡng xanh – Hướng tới trái tim khỏe và phát triển bền vững”.

Theo ThS.BS Khuê Tường, dinh dưỡng xanh là cách tiếp cận về thực phẩm và dinh dưỡng, hướng tới một sức khỏe bền vững, trong đó bao gồm việc lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe và có tác động tối thiểu đến môi trường.

Bác sĩ Tường cho biết, về mặt sức khỏe, một chế độ dinh dưỡng xanh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mạch vành, tiểu đường tuýp 2, đồng thời hỗ trợ kiểm soát cholesterol. Ngoài ra, chế độ ăn này còn góp phần giảm ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt; cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ quản lý cân nặng hiệu quả.

anh-2.jpg
ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường khuyến cáo sinh viên nên cân bằng các nhóm thực phẩm trong bữa ăn để có sức khỏe tốt.

Để xây dựng một khẩu phần ăn cân đối, ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường khuyến nghị cần phải có đầy đủ các nhóm sau: 1/2 khẩu phần rau và trái cây, 1/4 ngũ cốc và 1/4 còn lại là thực phẩm giàu đạm, kèm theo 1 phần sữa ít béo hoặc các sản phẩm từ sữa.

Trong đó, rau chiếm khoảng 300 gram và trái cây khoảng 100–200 gram. Đặc biệt, cần ưu tiên rau lá xanh giàu chất xơ và lựa chọn phương pháp chế biến đơn giản như luộc, hấp trong thời gian ngắn với nhiệt độ cao. Cách chế biến này không chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng mà còn giữ lại tối đa lượng dưỡng chất thiết yếu trong thực phẩm.

Về nhóm ngũ cốc, nên sử dụng ít nhất 50% từ ngũ cốc nguyên cám trong tổng lượng ngũ cốc tiêu thụ hằng ngày vì ngũ cốc nguyên cám vẫn còn giữ lớp vỏ, cám và phôi nên rất giàu chất xơ, vitamin B, khoáng chất, protein và chất béo lành mạnh.

Còn đối với nhóm đạm, nhu cầu trung bình là 250–300 gram/ngày. Chúng ta nên tăng cường các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thay vì sử dụng quá nhiều đạm động vật như thịt heo, thịt bò, thịt cừu, dê hay gia cầm. Chúng ta có thể kết hợp thêm đạm thực vật từ các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, cũng như các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều hay đậu phộng… nhằm làm phong phú nguồn đạm và nâng cao giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe tim mạch, ThS.BS Khuê Tường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng chất béo lành mạnh thay vì loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi khẩu phần ăn. Do đó, nên ưu tiên chất béo không bão hòa có nhiều trong dầu ô liu, bơ, hạt lanh và cá. Ngược lại, nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ do chứa nhiều chất béo bão hòa.

Bên cạnh đó, việc giảm tiêu thụ muối và đường, uống đủ nước, kết hợp với kỹ thuật nấu ăn lành mạnh như hấp, luộc, nướng thay vì chiên xào cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch và nâng cao chất lượng sống. Đồng thời, chúng ta nên lên kế hoạch bữa ăn hàng tuần sẽ giảm chi phí và giúp tối ưu giá trị dinh dưỡng mà chúng ta mong muốn.

anh-4.jpg
Đại diện Ban tổ chức, Nhà báo, ThS Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông và ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tặng hoa cảm ơn đến 2 báo cáo viên và đơn vị đồng hành là đại diện Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam.

“Dù hiện tại bạn chưa mắc bệnh, nhưng việc phòng ngừa ngay từ sớm là điều cần thiết. Ngày nay, các bệnh lý không lây đang ngày càng trẻ hóa, thậm chí có người mới ngoài 20 tuổi đã mắc bệnh mạch vành, huyết áp cao. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải quan tâm đến sức khỏe từ hôm nay, bằng cách thay đổi lối sống và thói quen ăn uống lành mạnh” - ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường gợi ý.

Bên cạnh đó, ThS.BS Khuê Tường cũng đưa ra một số thông điệp vô cùng ý nghĩa trong việc thay đổi chế độ ăn uống như: chúng ta không cần thay đổi đột ngột hay quá khắt khe. Hãy bắt đầu từng bước nhỏ, thay đổi dần dần và bền vững, đó chính là cách tốt nhất để duy trì một chế độ ăn lành mạnh. Đặc biệt, các bạn sinh viên đừng nghĩ rằng ăn uống lành mạnh là điều gì xa xỉ hay khó thực hiện mà chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện từng chút một, chẳng hạn như tăng cường sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong bữa ăn hằng ngày để dần hoàn thiện chế độ dinh dưỡng của mình.

Bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Tiếp tục phần chương trình, ThS.BS Phùng Huy Hoàng, Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân dân 115 đã trình bày chuyên đề: “Phòng tránh các bệnh lý về tim mạch”. ThS.BS Huy Hoàng nhận định: Bất kể ai không chỉ là người trẻ tuổi, người lớn tuổi, người khỏe mạnh, người có tập luyện hay không tập luyện cũng đều có thể bị mắc bệnh tim mạch.

anh-5.jpg
ThS.BS Phùng Huy Hoàng, Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân dân 115 khuyến cáo, bên cạnh thay đổi lối sống thì việc khám sức khỏe định kỳ đối với giới trẻ cũng là điều cần được chú trọng.

Theo ThS.BS Huy Hoàng, hiện nay số lượng người trẻ mà đang mắc bệnh tim mạch ngày càng gia tăng đáng báo động và trở thành một trong những nhóm bệnh gây tử vong và tàn phế hàng đầu không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh lý tim mạch thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng và có mối liên hệ chặt chẽ với thói quen sinh hoạt hằng ngày như thiếu vận động, căng thẳng kéo dài, ăn uống kém khoa học và thói quen sinh hoạt.

Tại chương trình, ThS.BS Huy Hoàng cũng chỉ ra những nhóm bệnh tim mạch phổ biến hiện nay gồm: bệnh mạch vành (trong đó nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim cấp tính), đột quỵ (gây xuất huyết não, nhồi máu não). Các triệu chứng thường gặp bao gồm: đau ngực, khó thở, phù chân tay, ho kéo dài, đánh trống ngực, hồi hộp, ngất xỉu… Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể trùng lập với nhiều cái bệnh lý khác và đôi khi chúng ta có thể đau ngực thoáng qua, ho,… nhưng mà không phải lúc nào cũng là bệnh.

Một số yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch bao gồm: tuổi tác, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, hội chứng chuyển hóa (tăng vòng eo, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết) và tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim.

anh-3.jpg
Các bác sĩ giải đáp thắc mắc cho sinh viên tại chương trình Vui khỏe mỗi ngày.

Để phòng ngừa, bác sĩ Hoàng khuyến cáo: cần cai thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng, giữ tinh thần lạc quan và tiêm ngừa đầy đủ và giữ vệ sinh chung. Đáng lưu ý, những bệnh lý tim mạch không chỉ liên quan tới lối sống mà còn liên quan đến yếu tố gia đình, gene di truyền. Vì vậy, bên cạnh thay đổi lối sống thì việc cần phải đặc biệt quan tâm là thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, kể cả người trẻ tuổi. Bởi vì có những bệnh lý diễn tiến âm thầm và đặc biệt là có những bệnh lý liên quan đến tính chất gia đình, bệnh lý chuyển hóa và những cái bệnh lý ung thư khác,….

“Phòng bệnh vẫn luôn tốt hơn chữa bệnh. Việc khám định kỳ và chủ động thăm khám khi cơ thể có dấu hiệu bất thường là cách tốt nhất để bảo vệ trái tim của bạn” – ThS.BS.CKI Phùng Huy Hoàng nhấn mạnh.

anh-7.jpg
Bạn Nguyễn Trương Duy - sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đặt câu hỏi đến các bác sĩ.

Chia sẻ cảm xúc khi tham dự chương trình, bạn Nguyễn Trương Duy sinh viên Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM cho biết, đây là chương trình rất ý nghĩa và bổ ích đối với học sinh, sinh viên. “Nhờ những chia sẻ thiết thực từ các bác sĩ, em hiểu rõ hơn về vai trò của dinh dưỡng và lối sống lành mạnh đối với sức khỏe. Trước đây, em thường ăn uống qua loa, thiếu khoa học và ít vận động.

Khi nghe các chuyên gia nhắc đến các dấu hiệu bệnh lý, em chợt giật mình vì từng trải qua vài triệu chứng tương tự. Điều đó khiến em thật sự lo lắng và nhận ra đã đến lúc cần phải thay đổi. Sau chương trình, bản thân sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn đến sức khỏe, không chỉ của bản thân mà cả những người thân trong gia đình” - bạn Trương Duy chia sẻ.

z6528338110963_c014e7bf7e6e691d199237653f5449d1.jpg
Ban tổ chức, đại diện Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam, diễn giả cùng khách mời chụp hình lưu niệm.

Thay mặt Ban tổ chức, Nhà báo. ThS Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông gửi lời cảm ơn tới Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam, cùng hai báo cáo viên: ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường - Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y Dược TP.HCM và ThS.BS.CKI Phùng Huy Hoàng – Bác sĩ Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân dân 115 đã đồng hành cùng chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui khỏe mỗi ngày: Dinh dưỡng “xanh” - chìa khóa giúp trái tim khỏe mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO