Đề xuất đầu tư dự án siêu trung tâm dữ liệu 2 tỷ USD tại TP.HCM
UBND TP.HCM đã nhận được đề xuất đầu tư dự án siêu trung tâm dữ liệu trị giá khoảng 2 tỷ USD từ nhóm các nhà đầu tư, gồm: Công ty cổ phần công nghệ G42, Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn FPT, Quỹ đầu tư VinaCapital,...

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về đề xuất đầu tư dự án Siêu Trung tâm dữ liệu trị giá khoảng 2 tỷ USD và kiến nghị tổ chức buổi làm việc giữa Thủ tướng với nhóm nhà đầu tư để trình bày chi tiết các vướng mắc cũng như đề xuất hướng tháo gỡ.
Đề xuất từ các nhà đầu tư lớn
Hiện nay, UBND TP.HCM đã nhận được đề xuất đầu tư dự án Siêu Trung tâm dữ liệu (Hyperscale Data Center) trị giá khoảng 2 tỷ USD từ nhóm các nhà đầu tư gồm: Công ty cổ phần công nghệ G42 (cổ đông chính là quỹ đầu tư nhà nước của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE), Tập đoàn Microsoft (Mỹ), Tập đoàn FPT, Quỹ đầu tư VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Việt Thái.
Dự án này sẽ cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo toàn diện, hạ tầng tiên tiến cho khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây khu vực châu Á và trên thế giới, được thiết kế để hoạt động như một nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory).
Đây là dự án có ý nghĩa chiến lược, có thể tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo hàng ngàn việc làm chất lượng cao và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho thành phố.
Từ khi thành lập vào năm 2018 tại Abu Dhabi (UAE), G42 đã mở rộng quy mô toàn cầu về giải pháp AI và hạ tầng điện toán đám mây. Hiện G42 đang vận hành 24 trung tâm dữ liệu với công suất 204 MW, là đối tác ưu tiên của Microsoft và đặt mục tiêu đạt 500 MW tại 6 quốc gia vào năm 2029.
G42 dự kiến triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam bao gồm: mô hình đám mây phân tán để lượng hóa tăng trưởng doanh thu và tạo việc làm ở cấp quốc gia; nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp cận việc làm; cải thiện dịch vụ công và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang gặp một số vướng mắc về pháp lý và cơ chế. UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng xem xét tháo gỡ, có cơ chế đặc biệt cho dự án.
Dự án hướng đến phục vụ không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới với mục tiêu phát triển TP.HCM thành trung tâm kinh doanh công nghệ hàng đầu châu Á.
Hiện tại, việc chưa đồng bộ giữa khung pháp lý trong nước và quốc tế, đặc biệt là một số quy định về dữ liệu có thể tạo ra rủi ro và rào cản cho khách hàng quốc tế của dự án, hạn chế mở rộng do phụ thuộc vào hệ thống dữ liệu toàn cầu cùng quy trình giám sát, truy xuất dữ liệu tại Việt Nam có thể khiến nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các nước cho phép lưu trữ dữ liệu xuyên biên giới.
Vì vậy, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng xem xét cho áp dụng cơ chế đặc biệt đối với các dự án có mô hình kinh doanh quốc tế tương tự như chính sách Singapore đang triển khai.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề xuất Thủ tướng xem xét ban hành chính sách ưu tiên sử dụng hạ tầng điện toán đám mây thay cho hạ tầng công nghệ thông tin tại chỗ (On-premise), nhằm nâng cao tính bảo mật, đồng bộ tiêu chuẩn an ninh quốc gia, đồng thời thúc đẩy triển khai hiệu quả quyết định của Thủ tướng về chương trình hành động quốc gia phát triển và chuyển đổi sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây giai đoạn 2025 - 2030.