Khởi công xây dựng cầu Rạch Tôm, kết nối giao thông liên vùng TP.HCM và Tây Ninh
Dự án xây dựng cầu Rạch Tôm không chỉ góp phần giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông khu vực phía Nam thành phố, mà còn là một phần trong chiến lược kết nối giao thông liên vùng giữa TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.

Sáng 10/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND xã Hiệp Phước cùng các đơn vị liên quan tổ chức khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm trên địa bàn xã Hiệp Phước, TP.HCM.
Phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2026
Dự án có tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng, được phê duyệt từ năm 2019 với mục tiêu thay thế cầu sắt không còn đáp ứng được tải trọng khai thác, đồng thời mở rộng năng lực lưu thông trên trục Lê Văn Lương.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trịnh Linh Phương - Phó Giám đốc Ban Giao thông - cho biết cầu Rạch Tôm mới có tổng chiều dài 684m, trong đó phần cầu dài 174m, phần đường dẫn dài 510m, mặt cắt ngang 15m với 4 làn xe, đi kèm hệ thống chiếu sáng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức giao thông hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn đô thị.
Cũng theo ông Trịnh Linh Phương, dự án không chỉ góp phần giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông khu vực phía Nam thành phố, mà còn là một phần trong chiến lược kết nối giao thông liên vùng giữa TP.HCM và tỉnh Tây Ninh (tỉnh Long An cũ).
"Hiện đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình vào cuối năm 2026", ông Trịnh Linh Phương cho biết.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay đã có 83/111 hộ dân bị ảnh hưởng đồng thuận nhận tiền bồi thường, với tổng kinh phí bồi thường lên đến 226 tỷ đồng.
Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè (nay thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) và UBND xã Hiệp Phước đang tập trung triển khai các công tác liên quan để bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30/9. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2026.
Người dân địa phương phấn khởi
Bà Trần Thị Phụng (64 tuổi, ngụ xã Hiệp Phước, TP.HCM) đã sinh sống hơn 50 năm tại khu vực gần cầu Rạch Tôm. Khi hay tin công trình được khởi công, không chỉ riêng bà mà nhiều người dân địa phương cũng cảm thấy vui mừng và phấn khởi.
Theo bà Phụng, vào khoảng 7 giờ sáng hằng ngày, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng do lượng người và phương tiện từ Long An (nay là tỉnh Tây Ninh) đổ về rất đông. Người đi bộ, xe gắn máy, ô tô… đều chen chúc di chuyển, gây ùn tắc giao thông kéo dài.

Chia sẻ tại lễ khởi công, bà Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, TP.HCM - bày tỏ niềm vui và sự phấn khởi khi dự án xây dựng cầu Rạch Tôm được khởi công. Bà cho biết địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ đầu tư và Ban giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng cầu Rạch Tôm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đĩa đã hoàn thành, việc khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm và dự án xây dựng cầu Rạch Dơi (dự kiến triển khai trong năm 2026) nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mới, thay thế toàn bộ 4 cầu yếu trên trục đường Lê Văn Lương.
Đồng thời, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, hình thành một trục đường chiến lược, tăng cường nối kết với tỉnh Tây Ninh, góp phần phát triển kinh tế xã hội trong khu vực phía Nam thành phố và phát triển hệ thống giao thông, kết nối liên vùng.
Ngay sau lễ khởi công, Ban Giao thông sẽ tập trung đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công bắt tay ngay vào việc, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành toàn bộ công trình, thông xe phục vụ người dân vào ngày 31/12/2026, đúng như tiến độ đã đề ra.