Tình trạng thừa cân – béo phì có mối quan hệ trực tiếp đến chỉ số đường và mỡ trong cơ thể

HỒNG DUNG| 17/11/2022 00:02

KHPTO - Tiền đái tháo đường và béo phì là 2 trong số bệnh lý về nội tiết cần phát hiện, chẩn đoán ở giai đoạn sớm để kịp thời phòng ngừa bệnh tiến triển.

Vừa qua, tại tọa đàm “Tiền đái tháo đường - béo phì: Phát hiện và phòng ngừa”, do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BVĐHYD) đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, ThS.BS. Trần Viết Thắng – Phó trưởng khoa Nội tiết BVĐHYD cho biết, tình trạng thừa cân – béo phì có mối quan hệ trực tiếp đến chỉ số đường và mỡ trong cơ thể. Chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao thì tỷ lệ người bệnh bị tiền đái tháo đường và đái tháo đường cũng tăng theo.

Để giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ThS BS. Trần Viết Thắng cho biết các đối tượng cần tầm soát đái tháo đường và béo phì. Về điều trị đái tháo đường, Bác sĩ lưu ý thêm về cách tiêm insulin đối với người bệnh có chỉ định nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả điều trị.

Béo phì là một bệnh mạn tính và phức tạp, cần có sự phối hợp đa chuyên khoa (Nội tiết, Tiêu hóa, Ngoại Tiêu hóa, Dinh dưỡng – Tiết chế, Phục hồi chức năng, Tâm lý...) giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, trong đó có đái tháo đường.

Người tham dự giao lưu, đặt câu hỏi cho các bác sĩ tại chương trình

Tại buổi tọa đàm, BS CKI. Hoàng Khánh Chi – Khoa Nội tiết BVĐHYD chia sẻ thêm, mối quan hệ giữa cân nặng và chỉ số đường - mỡ trong cơ thể. Đối với người bệnh béo phì, có 3 hướng điều trị (thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày).

Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh, Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp giúp người bệnh đạt mục tiêu về cân nặng cũng như kiểm soát, phòng ngừa hiệu quả các biến chứng của bệnh trong đó có đái tháo đường.

Theo BS. CKI. Ngô Cao Ngọc Điệp – Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế BVĐHYD những biến chứng nguy hiểm của bệnh béo phì, cách xác định thừa cân – béo phì thông qua chỉ số BMI và phương pháp kiểm soát cân nặng với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện khoa học.

Bác sĩ lưu ý, để giảm thiểu nguy cơ rối loạn đường huyết dẫn đến đái tháo đường, người bệnh cần chọn thực phẩm chứa bột đường giàu chất xơ như gạo còn cám, bánh mì đen, lúa mạch, yến mạch, khoai; hạn chế các thực phẩm chứa đường đơn giản hấp thu nhanh như đường mía, mật ong, mạch nha… Bên cạnh đó, số lượng thực phẩm chứa tinh bột ăn vào phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ.

Tại Tọa đàm, người tham dự chương trình được tư vấn sức khỏe trực tiếp cùng các Bác sĩ. Những trường hợp cần được chẩn đoán xác định đã được nhận phiếu khám miễn phí chuyên khoa Nội tiết tại BVĐHYD TPHCM.

Hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới năm nay, BVĐHYD đã thực hiện nhiều chương trình cung cấp thông tin về việc chăm sóc, điều trị bệnh đái tháo đường và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, nhất là biến chứng bệnh lý võng mạc. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức về việc chăm sóc, điều trị cũng như tầm soát để phát hiện bệnh sớm, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng thừa cân – béo phì có mối quan hệ trực tiếp đến chỉ số đường và mỡ trong cơ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO