Giáo dục

Thí sinh tốt nghiệp THPT giảm nhưng đăng ký xét tuyển đại học tăng

Hoàng Nguyễn 26/08/2023 22:39

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, năm 2023 số lượng thí sinh tốt nghiệp THPT giảm nhưng đăng ký xét tuyển đại học tăng và trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.

Ngày 26/8, tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học mới 2023-2024 khối Giáo dục đại học (GDĐH). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã tham dự và chủ trì Hội nghị.

thu-truong-hoang-van-son.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (giữa) đã chủ trì Hội nghị.

Báo cáo kết quả năm học 2022-2023 tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết, năm 2023 có 1.002.100 thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), giảm so với năm 2022 (năm 2022 có 1.011.589 thí sinh). Tuy nhiên, năm 2023, số thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học và cao đẳng giáo dục mầm non là 660.258 thí sinh, tăng 4,56% so với năm 2022. Năm nay, 100% thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9% so với 2022. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 (NV1) là 49,1% số thí sinh ĐKXT, thí sinh trúng tuyển ở 3 NV đầu tiên là 74,9% số thí sinh ĐKXT và thí sinh trúng tuyển ở 5 NV đầu tiên là 85,1% số thí sinh ĐKXT. Trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 NV.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

nguyen-thu-thuy.jpg
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH báo cáo tại Hội nghị.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá kết quả triển khai công tác đào tạo năm 2023 có nhiều ưu điểm như: Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học về đào tạo; cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thuận lợi trong thực hiện tự chủ về tuyển sinh và đào tạo; chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và được ghi nhận. Các cơ sở đào tạo nhận thức rõ vai trò của chất lượng đào tạo trong phát triển bền vững,…

Bên cạnh đó, công tác đào tạo và năm 2023 có những tồn tại, hạn chế như: một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo; quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm; vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành. Một số khối ngành (II, IV) tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh; truyền thông tư vấn hướng nghiệp đến thí sinh một số nơi chưa hiệu quả, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

Về tổ chức bộ máy, đội ngũ, 170/174 cơ sở GDĐH công lập và 58/60 cơ sở GDĐH tư thục kiện toàn Hội đồng trường. 23 trường đại học có cơ sở đào tạo đặt ngoài địa phương đặt trụ sở chính chưa thành lập Phân hiệu. Trên 1/3 số trường tự chủ đã tinh giản, sáp nhập các đơn vị trực thuộc. Trong 23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, có 12 trường tinh giản bộ máy quản lý; 4 trường không thay đổi số lượng và 7 trường tăng số lượng đơn vị trực thuộc.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết về tổ chức bộ máy, đội ngũ còn tồn tại hạn chế như: 4 số cơ sở GDĐH công lập chưa thành lập Hội đồng trường gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 2 cơ sở GDĐH tư thục chưa hoàn thành việc kiện toàn Hội đồng trường. Việc triển khai Đề án 89 chậm, các trường thực hiện rất ít so với chỉ tiêu được giao gây ảnh hưởng các năm tiếp theo.

Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết cần tích cực triển khai thực hiện kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục, của khối GDĐH; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH; hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị đại học theo đúng quy định của pháp luật; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023-2024 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học; tăng cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; đổi mới và tăng cường công tác thanh tra,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí sinh tốt nghiệp THPT giảm nhưng đăng ký xét tuyển đại học tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO