Y học

Phân biệt cúm mùa, Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp khác

Hương Cát 21/02/2025 - 07:24

Trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng đối với cúm có thể đã suy giảm sau nhiều năm ít tiếp xúc với vi-rút gây cảm cúm Influenza. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc cúm hoặc các biến chứng nguy hiểm liên quan đến cúm, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, trẻ em hay người có bệnh lý nền.

Thời tiết lạnh trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân tạo điều kiện thuận lợi cho dịch cúm phát triển mạnh. Thực tế, trong thời gian gần đây, số ca mắc cúm đã tăng lên tại nhiều địa phương, trong đó có không ít trường hợp nặng phải nhập viện điều trị, thậm chí thở máy.

Trước tình hình phức tạp của bệnh cúm, một câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu nguy cơ bùng phát dịch cúm mùa có liên quan đến biến thể mới của Covid-19 hay không?

le-quoc-hung.jpg
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết "Người bệnh mắc cúm mùa có thể đang khỏe mạnh bình thường, nhưng chỉ sau một đêm đã cảm thấy mệt mỏi, đau nhức sốt cao và có thể có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như: đau ngực, khó thở, dẫn đến viêm phổi".

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh cúm mùa. Qua đó, giúp cộng đồng hiểu thêm về biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Liệu sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của dịch cúm trong thời gian qua có liên quan đến biến thể mới của Covid-19 hay không?

Cúm và Covid-19 đều là bệnh đường hô hấp do vi-rút gây ra, đồng thời có một số triệu chứng tương tự như: sốt, ho, mệt mỏi…Tuy nhiên, Covid-19 do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra, trong khi nguyên nhân của bệnh cúm đến từ vi-rút Influenza. Hai loại vi-rút này thuộc những nhóm khác nhau, có cấu trúc khác biệt.

Ngoài việc có dấu hiệu ban đầu gần giống nhau, nguyên nhân gây bệnh của cả 2 bệnh lý đều không liên quan đến nhau. Biến thể vi-rút mới của Covid-19 không phải là nguyên nhân khiến bệnh cúm nghiêm trọng hơn.

Như vậy, vì sao dịch bệnh cúm mùa lại có diễn biến phức tạp hơn trong năm nay so với thời gian trước?

Mặc dù biến thể mới của Covid-19 không phải là nguyên nhân gây ra sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của cúm, nhưng giai đoạn giãn cách do Covid-19, các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đã giúp giảm sự lây lan của cúm mùa.

cum-mua.jpg
Để tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra, khi có dấu hiệu mắc bệnh, bệnh nhân nên đến cơ sở để được thăm khám, phát hiện và điều trị cúm mùa, Covid-19 hay các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp khác càng sớm càng tốt

Khi các biện pháp được nới lỏng, vi-rút cúm có cơ hội bùng phát mạnh hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng đối với cúm có thể đã suy giảm sau nhiều năm ít tiếp xúc với vi-rút này. Nghĩa là, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc cúm hoặc các biến chứng nguy hiểm liên quan đến cúm, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, trẻ em hay người có bệnh lý nền.

Những dấu hiệu nào khiến người dân thường dễ nhầm lẫn giữa bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác?

Nhìn chung, cả cúm và Covid-19 đều lây qua đường giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần với người khác, đồng thời có nhiều triệu chứng chung như sốt, ho, mệt mỏi…thậm chí gây viêm phổi ở một số trường hợp.

Tuy nhiên, không chỉ Covid-19 có những triệu chứng giống cúm, mà còn rất nhiều bệnh truyền nhiễm vi-rút đường hô hấp khác cũng có thể gây ra các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn:

- Vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) gây viêm phổi ở trẻ.

- Adenovirus có thể gây sốt cao, đau họng, viêm kết mạc cùng lúc, là nguyên nhân của hội chứng sốt - viêm họng - viêm kết mạc.

- Parainfluenza gây viêm thanh khí phế quản (croup) và nhiễm trùng hô hấp dưới.

- Bocavirus: thường gặp ở trẻ nhỏ.

Với những điểm tương đồng đó, làm sao để phân biệt cúm với Covid-19 và các bệnh hô hấp khác?

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp do các chủng vi-rút cúm Influenza gây ra, phổ biến nhất là cúm A và B. Trong khi đó, Covid-19 là bệnh do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra, với nhiều biến thể khác nhau như: Alpha, Delta, Omicron…

cum-mua-2.jpg
Cúm thường có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ 1-4 ngày, triệu chứng xuất hiện khá đột ngột.

Cúm thường có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ 1-4 ngày, triệu chứng xuất hiện khá đột ngột. Người bệnh có thể đang khỏe mạnh bình thường, nhưng chỉ sau một đêm đã cảm thấy mệt mỏi, đau nhức sốt cao và có thể có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như: đau ngực, khó thở, dẫn đến viêm phổi.

Trong khi đó, Covid-19 có thời gian ủ bệnh lâu hơn, từ 2-14 ngày, trung bình khoảng 5 ngày. Các triệu chứng thường khởi phát chậm hơn, không rầm rộ như cúm.

Dấu hiệu đặc trưng của Covid-19 mà cúm hiếm khi có là mất vị giác, khứu giác, nghĩa là bệnh nhân có thể ăn uống bình thường nhưng không còn cảm nhận được mùi vị. Ngoài ra, ở những bệnh nhân biến chứng nặng có thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo gồm: ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao.

Như vậy, người dân cần làm gì để có thể bảo vệ bản thân và gia đình tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm mùa?

Vì có quá nhiều điểm tương đồng về các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, nên nếu chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài, rất khó để biết bệnh nhân đang mắc cúm, Covid-19 hay những bệnh nhiễm vi-rút đường hô hấp khác.

Việc xét nghiệm RT-PCR hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên là cách nhanh và chính xác nhất xác định được bệnh. Để tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra, khi có dấu hiệu mắc bệnh, bệnh nhân nên đến cơ sở để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Song song đó, người dân cũng cần lưu ý rằng cúm mùa không phải bệnh cảm lạnh thông thường, mà có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa nhờ tiêm vắc-xin.

Chính vì vậy, người dân nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi.

chich-ngua-cum.jpg
Người dân nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư... Ảnh minh họa

Vắc-xin phòng ngừa cúm mùa chỉ có thể phù hợp tối đa khoảng 60% (có khi còn thấp hơn nhiều) so với vi-rút gây bệnh trong năm. Thế nhưng bạn đừng cho rằng như vậy vắc-xin kém hiệu quả, bởi vì mục tiêu chính của vắc-xin cúm mùa không phải miễn dịch cộng đồng, mà là bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Từ đó giúp giảm số bệnh nhân nặng, giảm số người cần nhập viện, giảm áp lực y tế và kết cục là giảm tử vong.

Ngoài ra vắc-xin cũng có thể tạo hiệu ứng bảo vệ chéo, giúp kích hoạt hệ miễn dịch ngay cả khi chủng virus thực tế không hoàn toàn khớp với vắc-xin.

Ngoài vắc-xin cúm, một số cách phòng ngừa bệnh cúm mùa theo hướng dẫn của TS.BS Lê Quốc Hùng

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân: Đeo khẩu trang. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để hạn chế phát tán virus. Vệ sinh họng miệng bằng dung dịch sát khuẩn. Giữ khoảng cách an toàn (ít nhất 1 mét) với người có dấu hiệu mắc cúm.

- Tăng cường sức đề kháng: duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung vitamin C từ trái cây, rau củ để tăng cường miễn dịch. Tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng để nâng cao thể trạng. Uống đủ nước để giữ ẩm cho cơ thể và hệ hô hấp.

- Hầu hết các trường hợp cúm mùa không cần dùng thuốc đặc trị (thuốc kháng virus), vì cơ thể có thể tự sản sinh kháng thể chống lại vi-rút trong khoảng 5-7 ngày. Các biện pháp hỗ trợ điều trị cúm để làm giảm triệu chứng như paracetamol để hạ sốt, giảm đau; thuốc kháng histamine để chống chảy nước mũi. Thuốc giảm ho gốc codein hay dextromethorphan (chỉ dùng khi bị ho khan nhiều, đau tức ngực) hay một số thuốc ho thảo dược và có thể bổ sung thêm vitamin C liều cao.

- Các biện pháp y học cổ truyền như xông toàn thân, xông mũi cũng hiệu quả giúp giảm nhanh triệu chứng. Ngoài ra, chúng ta cần bảo đảm ăn uống đủ chất (nhất là rau củ quả), uống nhiều nước, nghỉ ngơi tránh làm việc quá sức, giữ ấm cơ thể (đặc biệt là vùng cổ họng và vào ban đêm).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân biệt cúm mùa, Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO