Người bệnh chịu thiệt khi điều dưỡng gánh nhiều việc

THIÊN CHƯƠNG| 28/10/2022 16:02

Khi một điều dưỡng phải chăm hàng chục bệnh nhân, đừng đòi hỏi họ làm mọi thứ đều tốt. Đây là điều không thể. Đừng bao giờ quy chuẩn chất lượng phục vụ cho điều dưỡng khi chúng ta chưa có chuẩn về số lượng bệnh nhân mà họ chăm sóc”. BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác Xã hội, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định.

Số lượng công việc của điều dưỡng luôn quá tải.


Từ những điều đã nói ở trên, lượng người rời nghề điều dưỡng ngày càng nhiều và lượng người vào nghề điều dưỡng ngày càng ít. Thiếu điều dưỡng trở thành hồi chuông cảnh báo.
Cụ thể, niên khóa hiện tại, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận 781 đơn đăng ký học điều dưỡng, giảm 66% so với năm trước và tình hình này cũng phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng. Vấn đề cấp bách đến mức Sở Y tế TP.HCM đã gặp gỡ các chuyên gia và lắng nghe những kiến nghị, giải pháp trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập.
“Sai lầm hiện nay là quy chuẩn cử nhân trong đào tạo. Việc bỏ hệ trung cấp, chỉ lấy cao đẳng cử nhân sẽ dẫn đến chuyện thiếu người. Cứ lấy trung cấp rồi cho họ làm và từ thực tế công việc họ giỏi lên dần, chứ một khi học được đến cao đẳng, cử nhân thì họ lại không chọn làm điều dưỡng”, BS. Trương Hữu Khanh nói.
Còn theo bà Trần Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng TP.HCM, cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, tay nghề. Đồng thời các bệnh viện phải “đặt hàng” cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế đơn vị.
Thay đổi tiếp theo, theo các chuyên gia, là giảm bớt những công việc không quan trọng cho người điều dưỡng, hiện nay điều dưỡng phải ghi chép rất nhiều, khi có vấn đề mở lại hồ sơ xem điều dưỡng có ghi chép không. Điều này dễ dẫn đến chuyện điều dưỡng phải ghi chép cho đủ mọi thứ mình phải làm nhưng lại không làm, hoặc có những người làm nhiều nhưng không ghi chép thì công việc coi như cũng không hoàn thành.
Lãnh đạo ngành y tế cần bàn bạc để có giải pháp cắt bớt những việc không quan trọng cho điều dưỡng, điều này phải bàn bạc nghiêm túc để giảm tải công việc. Điều dưỡng không thể như hiện nay cứ phải ngồi gõ máy hành chính, điều dưỡng không thể lo về dược, ngồi gõ thông tin về thuốc... Cần thiết phải tìm người thay thế sao cho đúng người đúng việc, khi ấy điều dưỡng mới có đủ thời gian dành cho bệnh nhân.
“Hãy trả người điều dưỡng về đúng vị trí chuyên môn là chăm sóc người bệnh, không để điều dưỡng phải làm công việc văn phòng, cần bổ sung các vị trí nhân viên nhập liệu, thư ký y khoa để làm việc tại các vị trí hành chính trong bệnh viện nhằm tránh gây lãng phí nguồn nhân lực điều dưỡng”, ThS. Điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nêu ý kiến.
Còn theo ThS. Điều dưỡng Võ Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Hùng Vương, cần bổ sung loại hình nhân viên y tế trợ lý điều dưỡng. Những người này sẽ hỗ trợ điều dưỡng trong chăm sóc sinh hoạt của người bệnh trong thời gian nội trú, điều này giúp giảm tải khối công việc quá lớn mà mỗi điều dưỡng hiện phải làm.
Việc tiếp theo cũng được các chuyên gia y tế và cả người điều dưỡng quan tâm. Đó là phải nâng lương và tạo mọi điều kiện cho điều dưỡng có thêm thu nhập trong bối cảnh làm dịch vụ. Nơi nào có thể chuyển thành dịch vụ thì nên tạo điều kiện cho người điều dưỡng tham gia chứ không nên bắt họ phải hy sinh bằng lời hứa điều dưỡng, lương y như từ mẫu chỉ nói cho những ai đã có điều kiện kinh tế.
Gánh nặng cơ bản không giải quyết được thì điều dưỡng sẽ tất yếu đi làm bên ngoài hoặc bỏ nghề, hoặc không chọn vào nghề. Hậu quả cuối cùng là người bệnh nghèo điều trị tại các cơ sở công lập sẽ gánh chịu.
Trước tình hình biến động về nhân lực của hệ thống y tế công lập, Ngành Y tế đã nhận được sự quan tâm, động viên và các giải pháp trước mắt của Thành phố, cụ thể là: 
Thành phố hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố; Cho phép Ngành y tế bổ sung nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm và có sức khỏe tốt cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời cho phép bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý cho các trạm y tế (theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 7/4/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố).
Triển khai “Chương trình thí điểm thực hành lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa gắn với Trạm Y tế dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa”, đảm bảo các trạm y tế được bổ  sung từ 1 đến 2 bác sĩ thực hành tổng quát, các bác sĩ đến thực hành tại các trạm y tế nhận được kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Thành phố.

Trong khi thu nhập lại luôn ở mức khiêm tốn.


Riêng đối với nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, Ngành Y tế Thành phố đã kiến nghị UBND Thành phố có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND cho tất cả điều dưỡng hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc Thành phố, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn. Sở Y tế kiến nghị UBND Thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bệnh chịu thiệt khi điều dưỡng gánh nhiều việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO