Y học

Bác sĩ gia đình: Điều trị dự phòng và điều trị giai đoạn sớm

PHẠM DUNG 23/09/2024 15:45

Bác sĩ gia đình hướng đến điều trị dự phòng và điều trị sớm, giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, chi phí và hiệu quả điều trị.

Chúng tôi có mặt tại phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ), Bệnh viện Lê Văn Thịnh (BVLVT), TP. Thủ Đức (TP.HCM) vào lúc 7h sáng thứ tư. Bệnh nhân đến khám rất đông. Đặc biệt, bệnh viện còn có cả quầy giao thuốc dành riêng cho bệnh nhân đăng ký khám BSGĐ…

Nhiều gia đình chọn mô hình BSGĐ

kham-benh.jpg
TS.BS Lê Thanh Toàn đang khám cho người bệnh

Chúng tôi tiếp cận một số bệnh nhân, có rất nhiều người bệnh ở rất xa như Nhơn Trạch - Đồng Nai, quận 6,10… TP.HCM qua đây khám bệnh, tái khám lấy thuốc.

Chị P.T.H ở quận 6 cho biết, chị và gia đình chị theo khám ở đây nhiều năm. Giờ bác sĩ quen mặt và nắm rõ hết bệnh lý các thành viên trong gia đình nên bác sĩ và bệnh nhân hiểu nhau hơn. Có vấn đề gì về sức khỏe, người nhà chị đều đến đây khám. Mẹ chị H. có bệnh lý đái tháo đường, nên chị thuộc nhóm nguy cơ, bác sĩ tư vấn cho tầm soát và phát hiện chị giai đoạn tiền đái tháo đường. Việc phát hiện sớm giúp việc điều trị tốt hơn.

Còn chị N.K.Đ., ở TP Thủ Đức, cho hay, chị và gia đình thường đăng ký phòng khám BSGĐ. “Vừa rồi ông xã tôi kiểm tra tổng quát, phát hiện polyp đại tràng nên được cắt và sinh thiết. Nhận kết quả tốt, gia đình rất vui. Điều may mắn là đã phát hiện bệnh rất sớm. Mô hình BSGĐ tại đây rất tốt, mỗi lần khám được bác sĩ giải thích và hỗ trợ các thành viên gia đình tôi rất nhiều khi có vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, lịch khám bệnh của bác sĩ tại đây cố định nên cũng yên tâm khi gặp lại bác sĩ cũ, vì bác sĩ sẽ hiểu và nắm bệnh của mình hơn”, chị Đ. nói.

Mô hình BSGĐ tạo lòng tin người bệnh

quay-thuoc.jpg
Người bệnh nhận thuốc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức

Mô hình BSGĐ tại BVLVT triển khai hơn 10 năm, ban đầu mỗi ngày chỉ vài người khám, nay có đến 4 phòng khám, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 - 250 lượt khám.

Chia sẻ về thành công mô hình BSGĐ, TS.BS Lê Thanh Toàn, phụ trách phòng khám BSGĐ tại BVLVT cho rằng, điểm mới của phòng khám BSGĐ là người bệnh được khám và điều trị tất cả các vấn đề về sức khỏe (tư vấn, khám bệnh, điều trị bệnh và theo dõi. Khi người bệnh cần chuyển chuyên khoa hay chuyển viện được BSGĐ tư vấn trước và chuyển đúng chuyên khoa). Quan trọng là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tốt nhưng chi phí khám bệnh cho một lần khám không cao, còn được hưởng BHYT theo quy định của luật BHYT.

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được nhận thuốc tại quầy riêng, tránh chờ đợi; lịch khám bệnh của bác sĩ tại các phòng khám cố định. Tâm lý người bệnh đi khám muốn gặp lại bác sĩ cũ, vì họ cho rằng bác sĩ khám lần trước sẽ hiểu bệnh mình hơn. Tại phòng khám BSGĐ, người bệnh có thể điều trị tất cả các loại bệnh mà họ đang có, điều này thuận lợi hơn, vì ít toa thuốc, ít thuốc, dễ tuân thủ, ít tác dụng phụ và ít tốn kém.

Hiểu đúng về công việc của BSGĐ

TS.BS. Lê Thanh Toàn nhận định, hiện nay mô hình BSGĐ vẫn chưa được hiểu đúng trong cộng động người dân và cả nhân viên y tế. BSGĐ được hiểu là chỉ khám và điều trị các vấn đề thông thường như tăng huyết áp đơn thuần, cảm, sốt, tư vấn tiêm ngừa… Thậm chí nhiều nhân viên y tế vẫn chưa hiểu rõ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của BSGĐ. Vì vậy, cần hiểu đúng về vai trò và trách nhiệm của BSGĐ tại chăm sóc ban đầu.

TS.BS Lê Thanh Toàn giải thích: “BSGĐ là bác sĩ chăm sóc tuyến đầu, hướng đến điều trị dự phòng và điều trị sớm. BSGĐ điều trị bệnh tất cả các bệnh thường gặp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nội khoa, Nhi khoa, Ngoại khoa, Sản Khoa và Tâm thần… ở mức độ nhẹ và trung bình”.

Như vậy để dễ hiểu BSGĐ khác với bác sĩ chuyên khoa đó là bác sĩ của tuyến đầu, tiếp cận và điều trị theo hướng dự phòng, phát hiện sớm và điều trị tất cả các bệnh thường gặp cho người bệnh và cả gia đình; tư vấn và chuyển chuyên khoa/chuyển viện đúng khi cần thiết - đây là điều rất quan trọng, vì giúp bệnh nhân điều trị đúng nơi đúng bệnh, khi bệnh nhân cần điều trị chuyên sâu; đối tượng khám bệnh của BSGĐ, là tất cả các đối tượng không phân chia tuổi tác, giới tính và loại bệnh; hồ sơ người bệnh được quản lý bằng bệnh án điện tử, giúp quá trình tra cứu bệnh án dễ dàng hơn…

Yếu tố cần để thực hiện tốt mô hình BSGĐ

Mô hình BSGĐ khá phù hợp với hệ thống y tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nếu làm tốt sẽ giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, chi phí và hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nhiều năm triển khai mô hình này vẫn chưa phát triển mạnh tại TP.HCM. Đâu là “nút thắt” hiện nay?

Theo TS.BS Lê Thanh Toàn, “nút thắt” lớn hiện nay chính là công việc của BSGĐ tại phòng khám chưa được hiểu đúng. Chẳng hạn, nhiều quan niệm rằng phòng khám BSGĐ chỉ là nơi tư vấn bệnh, khám sàng lọc, điều trị những bệnh thông thường; phòng khám BSGĐ không phải là nơi điều trị... Ít khi bộ phận chăm sóc khách hàng hay bộ phận phân bệnh hướng dẫn người dân đến khám phòng khám BSGĐ. Họ vẫn nghĩ, đau ở cơ quan nào khám chuyên khoa đó. Ví dụ đau ngực, khám phổi hoặc khám tim.

thuc-hanh.jpg
Các sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM thực hành tại phòng khám BSGĐ BV Lê Văn Thịnh

Thông tin truyền thông về BSGĐ chưa được phổ biến nhiều, người bệnh đa phần biết đến phòng khám BSGĐ thông qua người quen giới thiệu hoặc tò mò đến khám. Người bệnh và cả nhân viên y tế chưa ghi nhận được lợi ích của BSGĐ. Chính vì vậy, hiện nay hệ thống phòng khám BSGĐ vẫn chưa được phát triển rộng rãi. Để thực hiện tốt mô hình BSGĐ cần:

Mô hình chăm sóc sức khỏe của BSGĐ là mô hình Tâm - Sinh - Xã hội. Có nghĩa là ngoài các vấn đề thực thể, bác sĩ cần hiểu được tâm lý người bệnh, môi trường sinh sống và điều kiện kinh tế gia đình của họ. Vì vậy, BSGĐ phải được đào tạo đúng chuẩn, đúng theo các nguyên lý của Y học gia đình (tốt nghiệp CKI YHGĐ và có thời gian học thực hành ít nhất 6 tháng tại các phòng khám BSGĐ do các BSGĐ phụ trách, thường xuyên tham dự CME và các buổi sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức); đối với những bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lâm sàng, cần bổ sung thêm lớp sơ bộ chuyên khoa YHGĐ. Nếu không có chuyên môn giỏi, chắc chắn sẽ không bao giờ đáp ứng được nhu cầu sức khỏe hiện nay của người dân.

Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo các cấp, tin tưởng vào trình độ chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề của BSGĐ. Tạo hành lang pháp lý phù hợp để các BSGĐ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời truyền thông về lợi ích của BSGĐ đến người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ gia đình: Điều trị dự phòng và điều trị giai đoạn sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO