Đời sống

Chuyên gia hiến kế giữ gìn và phát huy giá trị các biểu tượng văn hóa TP.HCM

Ngọc Duy 28/09/2024 - 13:53

Theo các chuyên gia, việc giữ gìn và phát huy giá trị của biểu tượng văn hóa Thành phố không thể tách rời khỏi việc phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.

Sáng 27/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội thảo "Giữ gìn và phát huy giá trị các biểu tượng văn hóa ở TP.HCM hiện nay".

Văn hóa là hồn cốt dân tộc

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội, biểu tượng văn hóa là hình tượng tiêu biểu (có thể là con người, sự vật, sự kiện, hình ảnh, ký hiệu, âm thanh, màu sắc ...). Trong đó, tích hợp và hội tụ những giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia, dân tộc, địa phương hay của một lĩnh vực hoạt động xã hội nhất định.

z5874407500779_54fb94933f310beceec1937b150b7754.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo.

Những giá trị văn hóa cốt lõi này có tính truyền thống, ổn định bền vững và phát triển. Đồng thời có sức hút, sức lan tỏa mạnh mẽ và giữ vai trò định hướng giá trị cho hoạt động của cá nhân, cộng đồng.

Với hơn 300 năm lịch sử, con người Nam Bộ và nhân dân TP.HCM đã tạo dựng được vùng đất phương Nam trù phú với nền kinh tế đa dạng, đầy tiềm năng, cùng nền văn hóa đặc sắc. Một số biểu tượng văn hóa có thể kể đến, như: Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh...

"Những giá trị các biểu tượng văn hóa ở Thành phố chúng ta rất đa dạng, phong phú và có nét đặc sắc khác nhau. Song tất cả đều có đặc trưng chung là tinh hoa văn hóa thể hiện "hồn cốt dân tộc", rất cần được bảo vệ, giữ gìn và phát huy cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau", PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa chia sẻ.

Cần thiết và cấp bách

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, trong những năm đổi mới, vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung và giá trị các biểu tượng văn hóa nói riêng ở TP.HCM đã được các cấp lãnh đạo Thành phố, viện nghiên cứu, trường đại học... rất quan tâm. Nhiều chương trình, nhiều giải pháp đã được thực hiện, đem lại những kết quả tích cực.

z5874407510005_9d649dc65bf98e3b4565fd9a740c202a.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta phải tăng cường hơn nữa sự quan tâm. Đưa ra những giải pháp mới để không ngừng phát huy giá trị các biểu tượng văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở Thành phố mang tên Bác.

"Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và giá trị các biểu tượng văn hóa nói riêng trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách. Mỗi biểu tượng văn hóa đều hàm chứa những giá trị vật chất và tinh thần quý báu. Nó không phải là "vật thể chết", mà là "chứng tích khoa học, lịch sử, văn hóa" nối liền giá trị quá khứ với hiện tại và tương lai", PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa nhấn mạnh.

Nhờ đó, các thế hệ hôm nay và mai sau có thể hiểu được phần quan trọng của "trầm tích lịch sử". Trong đó hiện lên cả tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận... và cả một lối sống đầy thi vị của dân tộc. Hay một cộng đồng trong thời kỳ lịch sử nhất định. Đó chính là một trong tiền đề quan trọng góp phần định hướng cho sự phát triển của thế hệ hôm nay và mai sau.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Tại hội thảo, các đại biểu cũng lần lượt đóng góp ý kiến về các giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị các biểu tượng văn hóa ở TP.HCM hiện nay. Trong đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh rất được quan tâm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa cần xây dựng môi trưởng văn hóa lành mạnh và không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó, lồng ghép và kết hợp hài hòa giá trị các biểu tượng văn hóa với giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM cho rằng, giữ gìn và phát huy giá trị của các biểu tượng văn hóa của Thành phố không thể tách rời khỏi việc phát huy các giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là văn hóa ứng xử bởi tính nhân văn, khoa học và phù hợp.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải được thực hiện song song cùng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bởi xây dựng và phát triển văn hóa không kém phần quan trọng hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị khác của Thành phố.

"Tuy nhiên, cần phải có những nhận diện rõ ràng hơn về không gian văn hóa và yếu tố cốt lõi của việc hình thành không gian văn hóa chính là văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh. Vì vậy, thực hiện các giải pháp nhằm lan tỏa văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh cũng góp phần là giải pháp cho việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh", PGS.TS Trương Thị Hiền chia sẻ.

z5874730164377_26473c9156479c83b846ebe12b07c496.jpg
TS Vũ Thị Mai Oanh - Nhà Văn hóa - Khoa học, Liên hiệp Hội góp ý về việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, TS Vũ Thị Mai Oanh - Nhà Văn hóa - Khoa học, Liên hiệp Hội cho biết, cần xây dựng đồng bộ cụm không gian văn hóa Hồ Chí Minh kết nối giữa các cụm di tích.

Địa điểm này đã có nhiều công trình hạ tầng và thiết chế văn hóa vốn đã nổi tiếng, được người dân Thành phố chọn đến vui chơi những dịp lễ, tết. Nơi du khách quốc tế mong muốn được tham quan khi đến thăm Thành phố.

Đơn cử, như Công viên Bạch Đằng đã được xây dựng chỉnh trang to đẹp, bề thế, không gian thoáng đãng nhìn ra sông Sài Gòn với cảnh quan rất đẹp và hiện đại, có thể tổ chức các hoạt động bắn pháo hoa và biểu diễn nghệ thuật ngoài trời. Công viên nối liền với phố đi bộ Nguyễn Huệ, điểm cuối là tòa nhà trụ sở UBND Thành phố. Hay Bến Nhà Rồng vốn đã nổi tiếng cả nước, nơi đây là bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các công trình lịch sử văn hóa nổi tiếng của thành phố như: cột cờ Thủ ngữ, Công trường Lam Sơn, Tượng đài Trần Hưng Đạo...

"Một quần thể di tích như vậy, cần nghiên cứu và nắn chỉnh quy hoạch sao cho liên thông thành một cụm di tích với kết nối giao thông thuận tiện hơn", TS Vũ Thị Mai Oanh chia sẻ.

Cụ thể, cần tạo thêm lối đi bộ kết nối công viên Bạch Đằng với Bến Nhà Rồng, phố đi bộ Nguyễn Huệ và trồng thêm cây xanh để tăng bóng mát khi tham quan ban ngày. Việc di chuyển trong khu này nên sử dụng phương tiện xe điện nhỏ để đưa đón khách.

Hay bố trí thêm các tượng đài, hoặc cụm tượng đài, bức phù điêu Bác Hồ với nhân dân miền Nam trong toàn không gian. Đặc biệt phải có thêm các nhà vệ sinh công cộng, hoặc lưu động, thùng rác, bảo đảm vệ sinh môi trường...

Đồng thời định kỳ tổ chức các cuộc thi sáng tác sản phẩm lưu niệm, đa dạng hóa các sản phẩm in hình Thành phố, tạo dấu ấn riêng biệt so với vùng, miền khác. Các kiến trúc tiêu biểu tại TP.HCM cần được biểu tượng hóa, như: Landmark 81, Dinh Độc Lập, đường hầm sông Sài Gòn...

"Việc này rất cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng, các sở, ban ngành, đoàn thể và các tầng lớp quần chúng Nhân dân. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến năng lực quản lý, tổ chức điều hành của các cơ quan chức năng. Cũng như phát huy vai trò làm chủ, ý thức, trách nhiệm công dân của cư dân thành phố, để cùng hành động vì một cộng đồng phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình", TS. Vũ Thị Mai Oanh chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia hiến kế giữ gìn và phát huy giá trị các biểu tượng văn hóa TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO