Can thiệp nội mạch cứu 2 bệnh nhân có túi máu phình khổng lồ ở não
Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) và Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) vừa phối hợp để kịp thời cứu sống hai người phụ nữ mang túi phình mạch máu não to như quả trứng.
BS.CK1 Huỳnh Tấn Khảo, phụ trách Đơn vị Đột quỵ, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh nhân đầu tiên là một cụ bà 78 tuổi, chẩn đoán suy tim, bệnh mạch vành, đau đầu tái phát nhiều lần kéo dài.
Nghi người bệnh bị bất thường mạch máu não nên các bác sĩ đã chụp ảnh mạch máu não và phát hiện 2 túi phình, một trọng nội sọ, một bên ngoài nội sọ. Trong đó túi phình bên phải, trong nội sọ có đường kính ngang hơn 10mm, có khả năng vỡ. Bệnh nhân được chuyển ngay đến Bệnh viện Thống Nhất và được xử trí.
Bệnh nhân thứ hai cũng là bệnh nhân nữ, 68 tuổi, bị xuất huyết não thể nhẹ, đau đầu thường xuyên. Qua kiểm tra, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã phát hiện thêm một túi phình khổng lồ 14x11mm.
ThS.BS Trang Mộng Hải Yên, Trưởng Đơn vị Can thiệp Thần kinh, thuộc khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, cả 2 trường hợp trên được xác định là túi mạch máu não khổng lồ. Nếu không được tầm soát phát hiện kịp thời, túi máu có thể vỡ khiến cả hai gặp nguy hiểm.
Sau khi tiếp nhận 2 ca bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã khảo sát hình ảnh, hội chẩn và quyết định áp dụng kỹ thuật stent chuyển dòng máu cho cả hai bệnh nhân. Ở phương pháp này, stent sẽ ngăn không cho chảy vào túi phình, khiến túi phình teo nhỏ dần.
"Đây là kỹ thuật cao, đòi hỏi trình độ của bác sĩ và không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được. Kỹ thuật này có ưu điểm là không cần phải gây mê, chỉ mất 30 phút để can thiệp trên bệnh nhân tỉnh. Trong khi đó phương pháp cũ không thể thực hiện với những túi phình khổng lồ. Với phương pháp mới, tỷ lệ thành công có thể từ 80% trở lên", bác sĩ Yên nói.
Theo bác sĩ Yên, việc Bệnh viện Lê Văn Thịnh tầm soát tốt đối với các bệnh nhân có vấn đề mạch máu não, đã giúp rất nhiều cho việc điều trị. Khoảng 90% chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất được cứu sống. Trong đó, những ca tầm soát chủ động chuyển đến có tỷ lệ thành công là 100%.
Nói về sự liên kết giữa 2 bệnh viện, bác sĩ Phạm Gia Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, Đơn vị Đột quỵ của bệnh viện đã có từ 4 năm trước, trong đó can thiệp nội mạch là kỹ thuật mà bệnh viện mong muốn được hoàn thiện. Tuy nhiên do nhiều lý do, bệnh viện vẫn chưa thực hiện được ở những trường hợp túi phình mạch máu não lớn, hoặc những ca bệnh lý phức tạp.
"Trước tình huống này, được sự đồng ý hỗ trợ từ Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã phối hợp để chuyển các trường hợp khó, cần can thiệp sang. Đến nay, sau 6 tháng liên kết, chúng tôi đã chuyển sang tổng cộng 60 bệnh nhân", bác sĩ Thế nói.
Về phía Bệnh viện Thống Nhất, đại diện Đơn vị Can thiệp Thần kinh, thuộc khoa Can thiệp tim mạch cho biết đã thành lập một đơn vị gồm các bác sĩ trực chiến tiếp cận sớm với bệnh nhân, hội chẩn khẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngay khi có tình huống khẩn để kịp thời xử trí.