Luật hoá đổi mới sáng tạo: Bệ phóng cho start-up Việt
Quốc hội vừa thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Luật gồm 73 điều, có hiệu lực từ ngày 1/10/2025. Điều này được doanh nghiệp kỳ vọng tạo ra "làn gió mới" cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là một trong những bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực phát triển mới là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo được xác định là động lực then chốt
Trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, "đổi mới sáng tạo" lần đầu tiên được đưa vào luật và đặt ngang hàng với khoa học công nghệ, đã thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Theo đó, đổi mới sáng tạo được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Luật cũng thể hiện rõ việc chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Lần đầu tiên trong Luật, một chương riêng được dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thông qua các chính sách "mồi" tài chính, theo nguyên tắc "Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3 - 4 đồng từ doanh nghiệp".

Theo ông Dương Đức Thiện - Founder, CEO Công ty TKT Research, việc đưa “đổi mới sáng tạo” vào khung pháp lý giúp các start-up có một điểm tựa vững vàng hơn, khi được được bảo vệ và quan trọng là được hỗ trợ.
Là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết bị y tế, để nắm bắt các cơ chế, chính sách từ Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Thiện cho biết doanh nghiệp sẽ cập nhật quy chế tài chính có quỹ khoa học công nghệ nội bộ để đầu tư thực sự cho những công cụ sản xuất mới và dòng sản phẩm mới có thể đi ra thị trường mỗi năm. Bên cạnh đó, chủ động tham gia vào các gói đấu thầu y tế công, với lợi thế rõ ràng là doanh nghiệp Việt, sản phẩm sáng tạo "Made in Vietnam".
Ông Thiện cho rằng, start-up ngày nay không chỉ cần ý tưởng hay, mà cần một lộ trình rõ ràng để biến ý tưởng thành sản phẩm và quan trọng hơn là sản phẩm đó được thị trường đón nhận. Luật mới phần nào đã vạch ra con đường đó, như: hỗ trợ tài chính, chính sách thuê hạ tầng R&D, quỹ đầu tư mồi từ Nhà nước, trung tâm chuyển giao công nghệ và cơ chế khuyến khích sử dụng sản phẩm đổi mới sáng tạo. "Những điều này trước đây, khi chúng tôi mới bắt đầu, vẫn còn rất thiếu và mơ hồ", ông Thiện nói.
Tháo gỡ tâm lý cho doanh nghiệp, start-up
Với chính sách nghiên cứu mạo hiểm, ông Trần Công Tiến - CEO và đồng sáng lập của VierCycle - nhận định đây không chỉ là một bước tiến pháp lý quan trọng mà còn là tín hiệu rõ ràng về sự thay đổi trong tư duy quản lý, từ quản lý rủi ro sang chấp nhận rủi ro và khuyến khích sáng tạo.
"Đổi mới sáng tạo không thể tách rời rủi ro và những đột phá thực sự đều bắt đầu từ các ý tưởng chưa có tiền lệ. Khi luật chính thức công nhận và bảo vệ các hoạt động nghiên cứu mạo hiểm sẽ tháo gỡ tâm lý và tạo niềm tin cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư", ông Tiến chia sẻ.
Ông Trần Công Tiến dẫn chứng, VierCycle đang tập trung nghiên cứu các công nghệ lõi cho xe điện cá nhân (micro eMobility), như hệ thống trợ lực thông minh, bộ điều khiển động cơ FOC sử dụng công nghệ Edge AI và hệ thống quản lý pin (BMS) do kỹ sư Việt Nam thiết kế. Đây đều là những hướng đi mang tính rủi ro cao. Do vậy, Luật mới giúp VierCycle mạnh dạn hơn trong việc đầu tư dài hạn vào những công nghệ chiến lược.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Jack Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase - nhận định việc luật hóa các cơ chế như sandbox công nghệ và miễn trừ trách nhiệm trong giới hạn cho thấy một bước tiến đáng khích lệ trong tư duy quản lý rủi ro đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là ở giai đoạn đầu thì điều này tạo ra một tín hiệu tích cực rằng start-up Việt đang dần có một không gian thử nghiệm minh bạch và được thừa nhận về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, tác động thực chất sẽ phụ thuộc vào cách triển khai. Nhà đầu tư cần thấy rõ quy trình sandbox hoạt động ra sao, ai là người "gác cửa", giới hạn rủi ro được quản lý cụ thể thế nào và có sự đồng hành từ hệ thống cơ quan quản lý hay không. Một sandbox chỉ hiệu quả khi nó vừa mở lối cho sáng tạo, vừa kiểm soát được rủi ro, thay vì trở thành một "cửa ải" mới với nhiều thủ tục hành chính hơn.
"Nếu được thực thi đúng cách, luật này có thể góp phần làm thay đổi cách các quỹ quốc tế nhìn về thị trường Việt Nam: không chỉ là nơi có nhiều tiềm năng, mà còn là nơi có thể đầu tư được một cách bài bản, dài hạn và có cơ sở pháp lý rõ ràng", ông Jack Nguyễn nói.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), quy định về việc chấp nhận rủi ro và loại trừ trách nhiệm pháp lý (về hành chính, dân sự, và cả hình sự) trong những trường hợp đặc biệt đối với nhà khoa học và tổ chức hoạt động khoa học công nghệ là một bước tiến đột phá, cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây không chỉ là một sự thay đổi về câu chữ trong luật, mà là một sự thay đổi nền tảng trong tư duy lập pháp, thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Cơ chế chấp nhận rủi ro trong khoa học sẽ là một cú hích mạnh mẽ, tạo ra những tác động sâu sắc và đa chiều, góp phần định hình lại toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.