Đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho học sinh

NHƯ Ý| 28/10/2022 15:07

Trong năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các trường học thành lập và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM yêu cầu trường học phải thành lập, chú trọng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn, trong tình hình ngày càng nhiều học sinh gặp vấn đề tâm lý trong quá trình học hoặc bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo đó, trường học phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý của học sinh, sinh viên. Đồng thời, Sở GD&ĐT TP.HCM khuyến khích trường học ký hợp đồng chuyên trách cán bộ, giáo viên, chuyên gia có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý.
Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, định hướng, nắm bắt về tư tưởng chính trị của học sinh, đặc biệt trên môi trường mạng và đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh theo hướng tích hợp, lồng ghép thông qua các chuyên đề của môn học và hoạt động giáo dục.
Việc xây dựng và tổ chức văn hóa học đường phải gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, qua đó tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện nhân cách, trở thành con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, điều chỉnh các hành vi ứng xử lệch lạc, trái thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải chủ động xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh với ngành Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan tại địa phương. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các tổ chức, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống cần đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tăng cường kỹ năng thực hành, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ...
Điều này, nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, các trường cần chú trọng công tác giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh, xây dựng các mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, “Trường học hạnh phúc”...

Lứa tuổi đi học: Giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi...
Để chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng rất cần chuyên nghiệp hóa công tác y tế và tư vấn tâm lý học đường trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. 
Theo TS.BS. Trần Đức Sĩ (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), trường học là môi trường học tập, trưởng thành của trẻ em, là nơi các em tìm hiểu về bản thân và thế giới của mình. Qua đó, đóng góp vào việc hình thành nhân cách và định hướng tương lai bản thân. Do đó việc làm cho công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò đặc biệt quan trọng. 
“Hiện tại các CTĐT giáo viên, giảng viên trong nước đều có các tín chỉ về tâm lý học và tư vấn tâm lý học đường. Các giáo viên đều đã được trang bị những kiến thức cơ bản và kỹ năng tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, với sĩ số học sinh mỗi lớp đông, trách nhiệm chuyên môn nặng nề, các giáo viên, kể cả giáo viên chủ nhiệm đều phải tập trung vào các công tác chính. Để chăm sóc, tư vấn tâm lý các trường hợp đặc biệt cần có các chuyên viên đã được đào tạo cơ bản về tâm lý y khoa” - TS.BS. Trần Đức Sĩ chia sẻ.
Ở góc độ trường tiểu học, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho rằng, học sinh tiểu học là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, dần hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này, vì vậy rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện, qua đó tạo thuận lợi, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
Theo thầy Trung Hữu, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, vì lứa tuổi đi học là giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống. Hơn nữa trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, môi trường trường học ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh tật ở học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế những năm qua công tác y tế trong các trường học còn nhiều bất cập, thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Chính vì thế chúng ta cần nỗ lực xây dựng một đội ngũ y tế phù hợp với môi trường sư phạm và đảm bảo an toàn cho học sinh cả về tâm lý lẫn tình trạng sức khỏe. Bên cạnh đó, việc trang bị cơ sở vật chất cũng đóng vai trò quan trọng, đảm bảo đủ khả năng ứng phó kịp thời trước khi phải cho học sinh đưa đi bệnh viện. Nhằm giúp cho nhà trường và gia đình an tâm khi gửi các em đến trường...” - thầy Phạm Trung Hữu bày tỏ.
Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) cho rằng để công tác tư vấn tâm lý học đường được hiệu quả đúng như kỳ vọng cần điều chỉnh cách tiếp cận đối với học sinh. Làm sao để khi có vấn đề rắc rối, học sinh tìm đến các thầy cô ở phòng tư vấn học đường.
“Ví dụ một học sinh có xung đột, tranh cãi và vô lễ với giáo viên, khi tìm đến phòng tư vấn học đường, thay vì được tham vấn, phân tích về vấn đề mà học sinh sinh đang gặp phải thì học được khuyên ‘em nên đến xin lỗi giáo viên’. Cách tiếp cận áp đặt như vậy lâu ngày thành nếp khiến các em không còn hứng thú tìm sự giúp đỡ...” - thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

S.O.S: Thiếu cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý học đường
Theo TS.BS. Trần Đức Sĩ, nhiệm vụ của cán bộ y tế tại các trường học hiện nay tập trung vào công tác vệ sinh môi trường trường học; quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên; giáo dục sức khỏe, sơ cấp cứu, phòng chống bệnh tật và tai nạn trong trường học. Vấn đề tư vấn tâm lý học đường hiện chưa được quan tâm đúng mức. Ít có trường học nào có cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý. Ngoài việc thay đổi cách nhìn nhận của phụ huynh và nhà trường cũng cần có những hành lang pháp lý, đào tạo nhân sự, bổ sung chuyên môn tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế học đường.  
Thông thường, phụ huynh chỉ đưa trẻ đi khám bác sĩ khi phát hiện các vấn đề rõ ràng về tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần. Ở giai đoạn này các em đã bị ảnh hưởng nhiều về chất lượng cuộc sống, về kết quả học tập, về tình cảm hay sức khỏe thể chất. Các vấn đề bao gồm từ kết quả học tập kém, thiếu động lực đến trường, khó tập trung và học tập, khó hòa nhập, hành vi gây rối, các vấn đề về ăn uống và rối loạn giấc ngủ. Nghiêm trọng hơn, học sinh có thể mắc phải trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện ma túy hay các chất kích thích, tâm thần phân liệt, thậm chí là tự sát. 
“Nhân viên chuyên trách tâm lý học đường có thể giúp phát hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở giai đoạn sớm hơn, có thể giúp giải quyết một số vấn đề như khó hòa nhập, áp lực học tập cũng như đồng hành cùng trẻ trong việc hình thành tính cách, đặc biệt là với những trẻ có gia cảnh đặc biệt.  
Một đứa trẻ có tính cách độc lập, năng động, thích khám phá, sáng tạo... sẽ không chỉ đạt được những thành công cho bản thân mà còn đóng góp những thành quả nhất định cho xã hội. Nếu có một chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý cho học sinh có thể sẽ tác động quan trọng đến tương lai một đất nước...” - TS.BS. Trần Đức Sĩ nhận định.
Từ thực tế nhà trường, thầy Phạm Trung Hữu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai) cho rằng, bộ phận y tế chưa phát huy hết vai trò và trách nhiệm của vị trí công viêc. Ví dụ như cán bộ y tế trường học phải là người tham mưu cho Hiệu trưởng và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường. 
Theo thầy Phạm Trung Hữu, hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, xây dựng khung dinh dưỡng - y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước. Nhân viên y tế trong trường học phải là những người có năng lực chuyên môn, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh. Bên cạnh việc sơ cứu, khám, tư vấn còn là vấn đề an toàn thực phẩm, một yếu tố còn nhiều lo ngại hiện nay. 
“Theo tôi, khó khăn trước mắt là chưa có trường đào tạo hay các trung tâm hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ y tế trường học; phần lớn chỉ thông qua một số buổi tập huấn và cấp chứng chỉ. Để làm tốt điều này cần phải có bước xây dựng con người và sau đó là trang thiết bị cơ sở vật chất, từ đó mới có thể chuyên nghiệp hóa công tác y tế trường học được” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO