Cộng đồng

Chương trình “Vui khoẻ mỗi ngày" gỡ vướng mắc về bệnh cơ xương khớp, đột quỵ cho sinh viên

Ngọc Duy 28/12/2023 - 14:35

Không chỉ được trang bị kiến thức về bệnh cơ xương khớp và đột quỵ, sinh viên tham dự chương trình còn được gỡ vướng mắc về tình trạng bệnh của bản thân, bạn bè và gia đình.

697e9dc8-8c47-40eb-ab2c-ab64c843ebe6(1).jpeg
Chương trình Vui khỏe mỗi ngày với chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp và đột quỵ ở giới trẻ”.

Ngày 27/12, Tạp chí Khoa học phổ thông và Trường ĐH Công Thương TP.HCM phối hợp tổ chức Chương trình Vui khỏe mỗi ngày, với chủ đề “Nhận biết, xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp và đột quỵ ở giới trẻ”, tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM).

vui-khoe-13.jpg
TS Bùi Hồng Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM, phát biểu tại chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS Bùi Hồng Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho biết, ngoài những kỹ năng, kiến thức về nghề nghiệp thì các em học sinh, sinh viên và giảng viên nhà trường cần phải trang bị kiến thức về sức khỏe, để phòng và tránh bệnh, đặc biệt là đột quỵ và cơ xương khớp, những căn bệnh phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa.

Nhà trường rất ủng hộ những chương trình thiết thực như Vui khỏe mỗi ngày, và sẽ dành toàn lực để quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh, sinh viên và giảng viên nhà trường. “Tôi hy vọng, sau buổi chia sẻ hôm nay, các em không chỉ lĩnh hội được những kiến thức y khoa về đột quỵ và cơ xương khớp cho bản thân, mà còn chia sẻ với bạn bè, gia đình, để mọi người ngày càng khỏe mạnh hơn, nâng cao sức khỏe cộng đồng”, TS Bùi Hồng Đăng chia sẻ.

Nhiều kiến thức y khoa bổ ích, thiết thực

Tại chương trình, ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận (thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO), đã trình bày báo cáo chủ đề “Cách nhận biết và xử trí các bệnh lý về cơ xương khớp ở giới trẻ”.

img_2076.jpg
ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận trình bày về chủ đề cơ xương khớp.

Theo đó, bệnh xương khớp là nhóm bệnh lý khá phổ biến ở mọi độ tuổi, gây yếu hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh, khiến bệnh nhân bị đau, đi lại khó khăn, giảm chất lượng cuộc sống.

vui-khoe-12.jpg
ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận trình bày chủ đề về cơ xương khớp.

Các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp, như: Thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, bệnh Gout (gút), loãng xương, cong vẹo cột sống... Nguyên nhân chủ yếu là tuổi tác, thay đổi nội tiết tố, khiêng vác nặng, sai tư thế.

“Để hạn chế bị bệnh hoặc bị nặng hơn, chúng ta cần ngồi học tập, làm việc trong tư thế thẳng lưng, lao động và tập luyện vừa sức, đúng tư thế, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc… và khi bị bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời”, ThS.BS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh

img_2103.jpg
ThS.BS Phạm Nguyên Bình - Phó khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ về bệnh đột quỵ.

Về bệnh đột quỵ, ThS.BS Phạm Nguyên Bình - Phó khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, để lại các di chứng nặng nề, như tàn phế, liệt nửa người, mất cảm giác, khó nói, hôn mê… trong báo cáo chủ đề “Bệnh đột quỵ và cách phòng tránh ở giới trẻ”.

vui-khoe-10.jpg
ThS.BS Phạm Nguyên Bình - Phó khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ về bệnh đột quỵ ở giới trẻ.

Theo Hội đột quỵ thế giới năm 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, hơn 101 triệu người đang sống chung với hậu quả sau đột quỵ. Trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ từ 15 - 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. Đặc biệt, bệnh đột quỵ 90% sẽ để lại di chứng cho người bệnh và gần 30% sẽ tái phát trong vòng 5 năm.

“Dù nguy cơ đột quỵ tăng cao khi chúng ta già đi, nhưng không có nghĩa là người trẻ tuổi không có nguy cơ bị đột quỵ. Do đó, dù là ai, bất kể già hay trẻ, đều có thể bị đột quỵ tấn công bất cứ lúc nào”, ThS.BS Phạm Nguyên Bình nhấn mạnh.

img_2058.jpg
Học sinh, sinh viên Trường ĐH Công Thương TP.HCM đọc Tạp chí Khoa học phổ thông.
vui-khoe-1.jpg
Học sinh, sinh viên Trường ĐH Công Thương TP.HCM đọc Tạp chí Khoa học phổ thông.

ThS.BS Phạm Nguyên Bình chia sẻ thêm, đột quỵ là hậu quả của các yếu tố, nguy cơ như tiểu đường, huyết áp, lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, béo phì (chỉ số BMI hơn 30 và vòng eo hơn 80), ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ chúng ta cần ngăn chặn những nguy cơ này ngay từ đầu.

Ngoài ra, khi có dấu hiệu đột quỵ, như: đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; đột ngột, nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng…. nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ để cấp cứu kịp thời trong giờ vàng (trước 4,5 giờ sau khi phát bệnh).

Học sinh, sinh viên được gỡ vướng mắc về tình trạng bệnh

Sau phần trình bày báo cáo chuyên đề, học sinh, sinh viên và giảng viên tham dự chương trình đã được giải đáp thắc mắc về bệnh cơ xương khớp, đột quỵ, thông qua sự tư vấn trực tiếp của các bác sĩ.

img_2126.jpg
Bạn Thanh Thảo sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công Thương TP.HCM, đặt câu hỏi về cơ xương khớp.

Bạn Thanh Thảo sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công Thương TP.HCM, đặt câu hỏi, khi cử động, xương khớp thường xuyên kêu “lộp cộp" “lắc rắc" và theo tìm hiểu trên mạng là do thiếu dịch khớp, vậy theo các bác sĩ thì có biện pháp nào để khắc phục?

“Đây là trường hợp đa số người trẻ đều gặp do bệnh lý bẩm sinh về gen, di truyền. Để khắc phục bệnh này, các bạn trẻ cần tập luyện thể thao hợp lý, như bơi lội, đạp xe… cho sức khỏe cơ xương khớp khỏe mạnh lên. Ngoài ra chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý cũng rất quan trọng", ThS.BS Nguyễn Văn Huy trả lời.

vui-khoe-8.jpg
Từ trái qua: ThS.BS Phạm Nguyên Bình - Phó khoa Bệnh lý mạch máu não – Bệnh viện Nhân dân 115; BS Kim Thị Oanh - Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận; Nhà báo. ThS. Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí KHPT; ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận Nhuận (thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO) trả lời các câu hỏi trực tiếp của HS, SV và khách mời tại sự kiện.

Trong khi đó, cô Hương, giảng viên Trường ĐH Công Thương TP.HCM đặt câu hỏi về bệnh đột quỵ ở giới trẻ. “Theo tôi tìm hiểu, giới trẻ hiện nay hay bị liệt dây thần kinh số 7, đây có phải triệu chứng của đột quỵ không, và khi nếu có thì nên khắc phục như thế nào?” cô Hương hỏi.

Theo ThS.BS Phạm Nguyên Bình, người bị tổn thương dây thần kinh số 7 sẽ có biểu hiện méo miệng, nói ngọng, không phát âm rõ ràng, đây không phải là dấu hiệu đột quỵ. Ngoài ra, cách điều trị căn bệnh này là sử dụng thuốc kháng viêm để giảm tổn thương thần kinh, tập vật lý trị liệu để dần phục hồi.

img_2132.jpg
Bạn Hoàng Trung Kiên - lớp 12 hỏi về tình trạng bệnh đau khớp, co rút ngón tay của ông mình.

Bên cạnh các câu hỏi về bản thân, nhiều bạn học sinh, sinh viên cũng mong muốn được giải đáp về tình trạng sức khỏe của người thân. Như bạn Hoàng Trung Kiên - lớp 12 hỏi về tình trạng bệnh đau khớp, co rút ngón tay của ông mình; bạn Thanh Thúy, sinh viên Quản trị khách sạn, hỏi về cách giảm nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp cho mẹ; bạn Thiên Đức sinh viên ngành Công nghệ thông tin hỏi về tình trạng ngón tay của mẹ bị cụp xuống vào mỗi sáng…

vui-khoe-11a.jpg
TS Bùi Hồng Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM và Nhà báo. ThS. Bùi Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí KHPT tặng quà cám ơn các bác sĩ, các cá nhân đồng hành cùng chương trình Vui khỏe mỗi ngày tháng 12/2023.
img_2194.jpg
Bà Hoàng Lan Thảo - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lan Thảo, tặng quà cho ban tổ chức chương trình.

Chia sẻ cảm xúc khi tham dự chương trình, bạn Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho biết, đây là chương trình rất ý nghĩa và bổ ích đối với học sinh, sinh viên. “Từ lời khuyên của các bác sĩ trong chương trình Vui khỏe mỗi ngày, tôi đã hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của việc tắm khuya và cách khắc phục duy nhất là thay đổi thói quen sinh hoạt. Trong thời gian tới tôi sẽ cố gắng sắp xếp lại lịch học và làm việc để có thời gian sinh hoạt lành mạnh hơn", Minh Anh chia sẻ.

Tương tự, bạn Hữu Đạt, học sinh lớp 12, chia sẻ: “Qua chương trình này, em nghĩ chúng em sẽ biết rõ hơn về cách phòng và tránh các bệnh về cơ xương khớp và đột quỵ. Không ỷ lại rằng mình còn trẻ thì sẽ không bị, có thể sống buông thả bản thân”.

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO, Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm Mỹ JW, ông Nguyễn Văn Đắng, bà Hoàng Lan Thảo - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lan Thảo... đã đồng hành cùng chương trình Vui khỏe mỗi ngày tháng 12/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Vui khoẻ mỗi ngày" gỡ vướng mắc về bệnh cơ xương khớp, đột quỵ cho sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO