Y học

Bệnh viện Từ Dũ: Nỗ lực vì thiên chức người phụ nữ

An Quý 29/05/2023 - 17:39

Bệnh viện Từ Dũ đã ứng dụng nhiều phương pháp điều trị mới trong sản phụ khoa, nâng cao chất lượng sống và tôn vinh thiên chức làm mẹ của phụ nữ.

Tạp chí Khoa học Phổ thông - Thời sự Y học đã có cuộc phỏng vấn BSCKII. Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Từ Dũ xung quanh vấn đề này.

Tận tâm vì thiên chức làm mẹ

U xơ tử cung và lạc tuyến cơ tử cung hay còn gọi là lạc nội mạc tử cung thường gặp ở khoảng 75% phụ nữ tiền mãn kinh. Hiện nay, chúng ta có những phương pháp điều trị nào thưa bác sĩ?

BSCKII. Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Từ Dũ:

- Có thể nói, u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung là bệnh thường gặp ở người phụ nữ. U xơ tử cung là bệnh lý lành tính từ cơ trơn tử cung, chiếm 20 - 40% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Lạc tuyến cơ tử cung là bệnh lý được gây ra bởi sự xâm lấn lành tính của các tuyến nội mạc tử cung và mô đệm vào cơ tử cung.

bs-tran-ngoc-hai.jpg
BSCKII. Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Từ Dũ

U xơ tử cung và lạc tuyến cơ tử cung có ở khoảng 75% phụ nữ tiền mãn kinh. Khoảng 1/3 trong số họ gặp các triệu chứng như: Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh - rong huyết, cường kinh thiếu máu; u to gây chèn ép bàng quang, niệu quản, chèn ép trực tràng, ruột; gây vô sinh hiếm muộn, sẩy thai, sinh non…

Chúng ta có một số phương pháp truyền thống trong điều trị u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung. Ví dụ, điều trị nội khoa, ngoại khoa (bóc UXTC, cắt tử cung), đến các phương pháp xâm lấn tối thiểu: tắc mạch (là phương pháp dùng chất bơm vào lòng mạch máu gây tắc mạch máu nuôi UXTC), siêu âm hội tụ cường độ cao - HIFU (là phương pháp dùng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao dưới định vị của MRI gây hủy khối UXTC), hoặc kết hợp nhiều phương pháp để điều trị.

Những phương pháp như là siêu âm cao tần, tắc mạch hay nội khoa, kết quả không ổn định; tức là nó có thể đúng với người này, không đúng với người khác. Tỷ lệ điều trị thành công của nó là 50 - 50. Trong khi đó, có những khối u nằm ở những vị trí mà chúng ta không thể dùng dao để mổ. Như vậy, chúng tôi xem như “thất bại trong điều trị.”

Bên cạnh đó, đối với những bệnh nhân lạc tuyến cơ tử cung khi có chỉ định phẫu thuật, muốn giữ lại tử cung và không còn u xơ, ở một số tình huống là chỉ có thể cắt bỏ tử cung. Do đó, đối với những bệnh nhân còn trẻ, còn mong muốn có con, còn hy vọng bảo tồn chức năng sinh sản, chỉ định cắt bỏ tử cung là điều khó có thể chấp nhận được.

Liệu hiện nay, bệnh nhân có thể lựa chọn các phương pháp điều trị bảo tồn tử cung? Hiệu quả điều trị như thế nào?

- Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên triển khai áp dụng đốt sóng cao tần (RFA) điều trị u xơ tử cung dưới hướng dẫn của siêu âm từ năm 2021 để bảo tồn tử cung. Đây là kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ được Sở Y tế TP.HCM cho phép triển khai chính thức, tăng cơ hội cho người phụ nữ giữ lại tử cung hoặc không muốn mổ. Giữ lại tử cung tức là bảo tồn khả năng sinh sản cho người phụ nữ - đó là thiên chức.

Chúng ta phải nhớ rằng, người quyết định muốn điều trị hay không đó chính là người phụ nữ. Chính vì thế, phương pháp RFA sẽ đem đến cho người bệnh hy vọng về việc bảo tồn tử cung, giảm triệu chứng, giảm kích thước khối lạc nội mạc tử cung, nhằm không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Từ đó đến nay, bệnh viện đã tiến hành kỹ thuật mới xâm lấn tối thiểu nhất trên người bệnh có UXTC nhưng không muốn làm phẫu thuật và đã có nhiều kết quả khả quan. Bước đầu, Bệnh viện Từ Dũ đã điều trị cho khoảng 50 ca. Sau 12 tháng theo dõi sau khi đốt sóng cao tần điều trị khối UXTC dưới hướng dẫn của siêu âm, hầu hết các bệnh nhân đã giảm 50% kích thước khối u xơ, đồng thời giảm triệu chứng kèm theo do khối u xơ gây ra; khả năng tái phát u chậm hơn; đặc biệt các bệnh nhân giữ được tử cung và nhiều người đã có thể mang thai trở lại.

Xin ông nói thêm những kỹ thuật mới nào trong lĩnh vực sản phụ khoa đáng chú ý đã được triển khai tại Bệnh viện Từ Dũ?

- Bệnh viện Từ Dũ có truyền thống gần 100 năm và được xem là đầu ngành trong lĩnh vực sản phụ khoa. Có thể kể đến rất nhiều thành tựu chuyên khoa sâu như đơn vị nội soi đầu tiên trong lĩnh vực sản phụ khoa; đơn vị đầu tiên trong chẩn đoán di truyền, trong xác định những bất thường bào thai từ trong bụng mẹ; một trong những đơn vị thực hiện phẫu thuật can thiệp trong ổ bụng, trong bào thai để giải quyết những trường hợp bào thai nguy hiểm đến tính mạng…

745e6281d84b06155f5a.jpg
Bệnh viện Từ Dũ có truyền thống gần 100 năm và được xem là đầu ngành trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Bên cạnh đó đội ngũ chăm sóc khách hàng cũng như phòng công tác xã hội của bệnh viện luôn luôn ghi nhận, lắng nghe, cải tiến theo nhu cầu, thay đổi theo từng thời điểm; đặc biệt cá thể hóa nhu cầu của từng nhóm bệnh nhân như sản khoa, phụ khoa, hậu sản, tiền sản…

Bên cạnh đó, Bệnh viện Từ Dũ vừa tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của trẻ Thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản?

- Trải qua 25 năm học hỏi và phát triển, khoa Hiếm muộn, Bệnh Viện Từ Dũ đã phát triển lớn mạnh với những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tối ưu và hiện đại nhất, đã theo kịp với nền y học thế giới. Tỷ lệ điều trị thành công cao tương đương với những trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hiếm muộn.

Bệnh viện Từ Dũ luôn là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới nhất của thế giới, như kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), kỹ thuật MESA-ICSI (MESA là kỹ thuật lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh), PESA-ICSI (PESA là một kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh), TESE-ICSI (TESE là một kỹ thuật phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn), kỹ thuật giảm thai, nuôi phôi, trữ phôi nhanh, trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM), kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser (LAH), chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), mang thai hộ và bảo tồn khả năng sinh sản với trữ giao tử hoặc trữ mô buồng trứng.

BV Từ Dũ tự hào tiếp tục là đơn vị đầu ngành cả nước khi thành công trong quy trình trữ mô buồng trứng. Bên cạnh đó, việc điều trị hiếm muộn ngày càng trở nên an toàn hơn nhờ việc tiêu chuẩn hóa quá trình điều trị theo các chuẩn quốc tế. Năm 2017, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công lập đạt được chứng nhận Quản lý chất lượng Quốc tế về Thụ tinh ống nghiệm (RTAC) và liên tục tái thẩm định để duy trì cho đến nay.

Theo BSCKII. Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Từ Dũ, điều đáng nói, đội ngũ y bác sĩ của chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm lâu năm nhất. Cơ sở vật chất được trang bị những trang thiết bị hiện đại nhất. Từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, số em bé ra đời tại Bệnh viện Từ Dũ là hơn 16.300. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000 đến 60.000 lượt.

Điều quan trọng hơn, thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ là một dịch vụ công nói chung, do đó, chi phí điều trị tại đây cũng đang được nhà nước trợ giá một phần. Vì thế, các điều kiện về tài chính, tôi nghĩ rằng đây là nơi có giá cả phù hợp nhất và đội ngũ chuyên môn tốt nhất trong điều trị vô sinh - hiếm muộn.

Chăm lo đời sống nhân viên y tế để bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất

Bệnh viện Từ Dũ luôn đạt được tỷ lệ hài lòng của nhân viên, hài lòng của nhân viên y tế cao nhất TP.HCM, bí quyết của bệnh viện là gì?

- Thứ nhất, để tạo sự hài lòng của người bệnh, để phục vụ người bệnh tốt phải có nhân viên tốt. Chúng ta ngày nay hay nói vui với nhau rằng “bệnh nhân là thượng đế”. Câu hỏi là ai phục vụ thượng đế? Đó chính là nhân viên của bệnh viện, nhân viên y tế.

Vậy chúng ta cần quay trở lại các chính sách, tập trung chăm sóc nhân viên y tế để những người “phục vụ thượng đế” có tinh thần tốt nhất, đoàn kết nhất, đủ cuộc sống, môi trường làm việc lành mạnh, sung sướng, thoải mái… lúc đó sẽ phục vụ thượng đế tức là bệnh nhân tốt nhất.

Đó là bí quyết của Bệnh viện Từ Dũ tạo nên sự hài lòng trên 97% nhân viên y tế với 2400 nhân viên, trong đó 85% là phụ nữ. Đó là một truyền thống của các thế hệ lãnh đạo bệnh viện trước đó đã giữ được môi trường đoàn kết, chăm lo đời sống vật chất tức là bằng khoản thu nhập nằm trong mức có thể chấp nhận được đủ cho cuộc sống trong mặt bằng chung.

bs-hai-va-bs-nguyen-thi-ngoc-phuong.png
BSCKII. Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Từ Dũ và GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. 

Thứ 2, đời sống tinh thần tức là bệnh viện thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo như hội thảo “Ứng dụng đốt sóng cao tần trong điều trị u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung” vừa là sinh hoạt khoa học vừa là để nâng cao trình độ vừa là cái nơi để trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm điều trị cho đội ngũ y bác sĩ. Các hoạt động, các hội nghị, hội thảo của Bệnh viện Từ Dũ vừa thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học, vừa là món ăn tinh thần, trong đó bao gồm vấn đề học hỏi và tinh thần phục vụ bệnh nhân.

Bên cạnh đó là sự đoàn kết từ các lãnh đạo những khoa phòng. Đó là những người làm cầu nối, triển khai những phương hướng, tư tưởng chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo đến từng nhân viên.

Gia đình hạnh phúc từ sức khỏe người phụ nữ. Với vai trò là bác sĩ sản phụ khoa, chăm sóc cả nữa thế giới, điều anh tâm đắc nhất là gì, đặc biệt là trong tháng 6 có ngày “Gia đình hạnh phúc”?

- Điều tâm đắc nhất, tôi nghĩ thế này, người ta hay nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Hạnh phúc do ngôi nhà hay hạnh phúc từ tổ ấm? Chính tổ ấm nó tạo nên hạnh phúc. Xây dựng tổ ấm với xây dựng cái nhà, cái nào cần thời gian nhiều hơn? Xây dựng một ngôi nhà, nó có thời gian ngắn trong dự án, trong khi đó xây dựng tổ ấm, chúng ta xây dựng cả đời.

Chúng ta phải luôn luôn cải tiến, chúng ta phải luôn luôn thay đổi. Chúng ta phải luôn luôn lắng nghe Chúng ta phải luôn luôn cảm nhận được những cái nhu cầu thay đổi theo xã hội và nhu cầu của từng cái cá nhân.

Và xây dựng tổ ấm đó chính vai trò của đặc biệt là phụ nữ. Không có phụ nữ, thế giới hết 3/4 chứ không phải chỉ có 1/2 đâu, sẽ không có tổ ấm. Chúng ta sẽ phải vất vưởng “đầu đường”. Khách sạn có thể đẹp, nhưng vô tri vô giác, có thể đẹp nhưng không ấm.

Với điều tâm đắc đó, chúng tôi, các y bác sĩ của một bệnh viện phụ sản, nhận được trách nhiệm thiêng liêng là chăm sóc cho phụ nữ và em bé ở những thời điểm nhạy cảm nhất, nguy hiểm nhất và ở thời điểm cần trợ giúp nhất đó chính là lúc sinh.

Xin ông chia sẻ thêm về những thời điểm nhạy cảm và nguy hiểm nhất của người phụ nữ và em bé

- Vì sao tôi nói những điều trên? Vì trong lúc sinh, cơ thể của người phụ nữ thông thương giữa nội tại và bên ngoài, thông qua cổ tử cung mở rộng ra. Bình thường bên trong cơ thể của người phụ nữ không có sự thông thương đó. Thế nên, lúc sinh là thời điểm nguy hiểm nhất như nhiễm trùng, chảy máu và nhiều biến cố sản phụ khoa khác. Bởi thế ông bà ta cũng có câu “cửa sinh là cửa tử.”

Điều tâm đắc nhất, chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ luôn nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cũng như luôn tâm niệm phục vụ tốt nhất cho “mẹ trong, con vuông”. Đó chính là góp phần rất quan trọng để giữ gìn tổ ấm, mang lại hạnh phúc cho từng gia đình và xã hội ổn định và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Từ Dũ: Nỗ lực vì thiên chức người phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO