Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch và hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu

Khởi Giao| 07/09/2022 17:34

Việt Nam bày tỏ quyết tâm sớm thông qua Quy hoạch Điện VIII (PDP-8) với lộ trình phát triển ngành điện quốc gia phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Từ ngày 2 - 6/9 vừa qua, ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội, TPHCM, Bến Tre, để khảo sát những tác động của biến đổi khí hậu trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông John Kerry còn tham gia các cuộc đối thoại song phương về chủ đề biến đổi khí hậu với Chính phủ Việt Nam và tiếp nối những trao đổi giữa hai bên kể từ năm 2013 đến nay về quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam.

Trong cuộc đối thoại song phương về chủ đề biến đổi khí hậu với ông John Kerry, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, nhất trí hợp tác sâu rộng với Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam và các nỗ lực khác nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Trong khuôn khổ COP26 vừa qua tại Glasgow, Scotland, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong công cuộc đấu tranh chống khủng hoảng khí hậu.

Việt Nam bày tỏ quyết tâm triển khai các chính sách quan trọng và tiến hành các nỗ lực cần thiết để triển khai cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, và nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình kinh tế sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả; đồng thời tiến tới giảm dần các nhà máy điện than, trong đó bao gồm giải pháp nhanh chóng phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Việt Nam tham vọng đối với tăng trưởng năng lượng tái tạo; nỗ lực tối đa trong giảm dần điện than, trong đó bao gồm phát triển thêm hàng chục Gigawatts điện năng lượng tái tạo với mức giá hợp lý từ năm 2030 và đảm bảo an ninh năng lượng.

Để thực hiện PDP-8, Việt Nam dự kiến sử dụng nguồn lực trong nước cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, nhất là từ các nước phát triển, về tài chính và công nghệ.

Những lĩnh vực chủ yếu về hỗ trợ kỹ thuật bao gồm đánh giá tiềm năng năng lượng gió và mặt trời, tư vấn pháp lý, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo, phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý.

Từ ngày 2 - 6/9/2022 vừa qua, ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội, TPHCM, Bến Tre, Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ

Việt Nam cũng quyết tâm tăng cường năng lực truyền tải điện cao thế để có thể đáp ứng ở mức cao hơn nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, cũng như từng bước tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính phát triển đầu tư vào truyền tải và bảo đảm giá thành năng lượng ở mức hợp lý.   

Hai bên ghi nhận vai trò trung tâm của việc chuyển đổi lực lượng lao động công bằng phù hợp với các thông lệ quốc tế và nhất trí hợp tác trong vấn đề này.

Đặc phái viên Kerry bày tỏ ý định của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các nguồn hỗ trợ toàn cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam, thông qua hỗ trợ kỹ thuật, và các nỗ lực nhằm huy động nguồn đầu tư công và tư nhân, bao gồm các khoản hỗ trợ và cho vay ưu đãi.

Đặc phái viên Kerry hoan nghênh dự định của Việt Nam trong việc tạo điều kiện kết nối các dự án điện năng lượng tái tạo đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành vào lưới điện quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đặc phái viên Kerry bày tỏ quyết tâm thành lập Nhóm công tác về biến đổi khí hậu Việt Nam - Hoa Kỳ trước COP27.

Trong đó, Việt Nam cũng chuẩn bị đệ trình trước COP 27 bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật với các mục tiêu phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 cùng toàn cầu nỗ lực giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Việt Nam dự định triển khai thí điểm hợp đồng mua bán điện trực tiếp (Direct Power Purchase Agreement - DPPA) trong thời gian sớm nhất nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị cung cấp năng lượng tái tạo và các bên tiêu dùng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và xanh hóa ngành công nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đặc phái viên Kerry ghi nhận những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, đồng thời quyết tâm thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm thiểu ảnh hưởng bởi biến động giá nhiên liệu, đảm bảo an ninh năng lượng và tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng.

Đặc phái viên Kerry bày tỏ ý định của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các nguồn hỗ trợ toàn cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu: “Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Việt Nam kêu gọi phải có công bằng và công lý trong chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam sẽ nhanh chóng triển khai cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 để thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, để triển khai quá trình này.

Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ cụ thể của quốc tế trong đánh giá tiềm năng năng lượng gió và mặt trời, phát triển và chuyển giao công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo và công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ tài chính ưu đãi, phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý, tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Việt Nam, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch và hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO