Đô thị

TP.HCM tích hợp phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng

Ngọc Duy - Trúc Nhã 05/07/2024 - 14:13

Phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng (TOD) là định hướng quy hoạch chung của TP.HCM trong tương lai.

Ngày 05/7, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên Môi trường TP.HCM tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Tích hợp Quy hoạch để phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD) tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường trong phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống.

z5604032237564_497b96509ededea6452a4b1686168a49.jpg
GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho biết, thành phố đang triển khai kế hoạch, đề án phát triển đô thị theo mô hình TOD xung quanh các nhà ga của các tuyến metro, định hình đô thị, khơi thông nguồn lực để phát triển.

“Hội thảo hy vọng mang lại nhiều giá trị thiết thực, giúp các sở, ngành Thành phố và các tỉnh Hội thành viên, các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp có góc nhìn rộng hơn về TOD đáp ứng yêu cầu đổi mới”, ông Phước nói.

Nêu ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Hồ Quốc Chinh, Tiến sĩ ngành Quy hoạch giao thông tại ĐH Sydney, Australia nhận định, “việc thực hiện mô hình TOD ở TP.HCM rất khó”. Thành phố cần phát triển mục tiêu trước khi thí điểm làm TOD bởi gặp trở ngại lớn hơn so với các nước phát triển. Nguyên nhân là do TP.HCM triển khai TOD khi tuyến đã hình thành trước (nhà ga, tuyến metro đã định trước), giá đất tăng lên do đầu tư metro.

Về vấn đề thí điểm TOD, ông Chinh đề xuất cần có bộ tiêu chí cụ thể, hướng dẫn, đánh giá làm sao để biết TOD khi thực hiện thành công hay thất bại. TP.HCM hiện đang có tiềm năng để có thể phát triển cơ sở hạ tầng quanh các nhà ga giúp tăng độ tiếp cận và quay vòng vốn để tái đầu tư. Đó là phát triển khu vực các nhà ga Bến Thành, Tao Đàn, Dân Chủ, Văn Thánh của các tuyến metro thành các khối văn phòng tập trung; quy hoạch các ga ngoại ô thành những khu dân cư mật độ cao.

TP.HCM đang gánh một trọng trách nặng trong việc làm thí điểm mô hình TOD, thực hiện thành công sẽ thay đổi bộ mặt của cả nước trong quy hoạch. Do đó, Thành phố cần cân nhắc kĩ khi chọn mục tiêu, chọn điểm làm thí điểm TOD, chọn chuyên gia hỗ trợ, ông Chinh nhận định.

anh-a1-510-1698380761918273100833.jpg
TP.HCM sẽ áp dụng mô hình TOD tại khu vực lân cận của các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh tư liệu

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đặt vấn đề tổ chức không gian trong khu vực TOD. PGS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên Môi trường nhận định “Để triển khai thành công mô hình TOD thì việc tích hợp quy hoạch trong đó quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất là một nhiệm vụ tiên quyết để có thể khai thác một cách hiệu quả các khu đất trong khu vực TOD.

Bằng công cụ phân tích trên nền tảng không gian sẽ giúp cho các nhà quy hoạch xác định hệ số sử dụng đất với chức năng sử dụng đất hỗn hợp, tạo giá trị gia tăng cao trong khu vực xung quanh các nhà ga của các tuyến metro.

Nhằm tìm ra các giải pháp và chính sách giúp TP.HCM triển khai thành công mô hình TOD, PGS.TS Lê Trung Chơn, Phụ trách viện nghiên cứu phát triển bền vững Trường Đại học Tài Nguyên Môi trường TPHCM, đánh giá: “Hội thảo là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về mô hình TOD với mục tiêu phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng, từ đó có một cách nhìn bày bản, có hệ thống về mô hình phát triển TOD này. Đặc biệt, là dịp để là các nhà khoa học đề xuất những phương án và có một kiến nghị với Thành phố để lựa chọn nơi làm TOD cho hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM tích hợp phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO