Tuyến Metro số 1 mở đường cho TP.HCM bước vào kỷ nguyên giao thông hiện đại
Sau 50 năm đất nước thống nhất, tuyến Metro số 1 được đưa vào vận hành đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của giao thông công cộng tại TP.HCM.
Đây không chỉ là biểu tượng của sự khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững mà còn là bước đệm để xây dựng các tuyến Metro tiếp theo.

Ngày 22/12/2024, tuyến Metro số 1 chính thức vận hành thương mại với bao sự tự hào, hân hoan của người dân TP.HCM. Hành trình này không chỉ là bằng chứng cho sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền Thành phố, mà còn thể hiện sự đồng hành và hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.
Tuyến Metro số 1 về đích sau 17 năm chờ đợi
Từ những năm 2000, TP.HCM đã xác định tập trung vào lĩnh vực giao thông công cộng. Vào thời điểm đó, TP kỳ vọng khởi công xây dựng một tuyến Metro vào năm 2005 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào trước năm 2010, tức chỉ xây dựng trong vòng 5 năm.
Đến tháng 1/2006, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Chợ Nhỏ. Đến tháng 10/2006, Thủ tướng chấp thuận kéo dài tuyến đường sắt từ Chợ Nhỏ đến Suối Tiên thành dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tên gọi chính thức hiện nay. Đây là dự án do Nhật Bản nghiên cứu và cam kết tài trợ vốn.
Một năm sau, tháng 4/2007, tuyến Metro số 1 chính thức được khởi động, TP.HCM phê duyệt dự án với tổng kinh phí dự kiến 17.387 tỉ đồng dựa trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế của Bộ Giao thông vận tải. Nhưng chỉ sau hai năm, đến năm 2009, đơn vị tư vấn dự án là NJPT của Nhật Bản đã cập nhật, tính toán lại, nâng tổng mức đầu tư lên khoảng 47.325 tỉ đồng.
Từ việc điều chỉnh vốn đầu tư tăng cao gấp ba lần đã khiến tiến độ thực hiện của tuyến Metro số 1 bị ảnh hưởng. Do vậy, phải đến tháng 8/2012, dự án mới chính thức được khởi công xây dựng. Sau khi duyệt vốn đầu tư lên hơn 47.000 tỉ đồng, trên cơ sở đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành kéo dài đến năm 2020.
Xuyên suốt trong giai đoạn 2016-2019, tuyến Metro số 1 liên tục vấp phải nhiều trở ngại về thủ tục, nguồn vốn, nhân sự điều hành,... khiến việc đưa vào khai thác vận hành tuyến dự kiến lùi tới quý IV/2021, thay vì năm 2020 như kế hoạch trước đó, đánh dấu lần lùi tiến độ thứ hai.
Vào năm 2018, là giai đoạn gian truân của tuyến Metro số 1 với sự cố như điều chỉnh thiết kế tường vây hầm Metro (gói thầu CP1a) từ 2 m xuống 1,5 m. Đến ngày 13/11/2019, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 43.757 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2021, đánh dấu lần điều chỉnh vốn thứ hai, lần lùi tiến độ thứ ba.
Năm 2020, tuyến Metro số 1 gặp khó trong quá trình thi công, phải tạm gián đoạn nhiều công tác do dịch Covid-19. Đến đầu năm 2021, tuyến Metro số 1 vẫn chưa thể hoàn thành mà tiếp tục dời đến quý IV/2022. Tháng 10/2022, tuyến Metro số 1 lại lùi tiến độ một năm đến cuối quý IV-2023 (lần điều chỉnh thời gian thứ tư).
Vào tháng 6/2024, TP.HCM tiếp tục kiến nghị phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công và đưa dự án vào vận hành thương mại vào quý IV/2024 (lần điều chỉnh thời gian thứ năm).

Phát triển hệ thống giao thông xanh
Sau gần 5 tháng vận hành, TP.HCM ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực đối với hệ thống giao thông đô thị.
Theo ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), đến nay, tuyến Metro số 1 đã phục vụ gần 6 triệu lượt hành khách, vượt dự báo so với ban đầu. Vào giờ cao điểm buổi sáng, lượng hành khách từ các khu vực phía Đông (như Suối Tiên, TP Thủ Đức) đổ về trung tâm thành phố rất đông. Ngược lại, vào buổi tối, lượng hành khách từ trung tâm TP.HCM trở về các ga ở khu vực TP Thủ Đức cũng đông đúc không kém.
Cũng theo ông Bằng, tuyến Metro số 1 đã giúp giảm đáng kể lưu lượng xe cá nhân lưu thông trên tuyến đường Xa lộ Hà Nội. Hành khách đánh giá cao trải nghiệm đi lại bằng Metro không chỉ bởi sự nhanh chóng, đúng giờ mà còn vì tiện ích kết nối tốt với các phương tiện công cộng khác.
Tại các ga Metro, các bãi đậu xe được bố trí nhằm tạo điều kiện để người dân gửi xe đi Metro thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt điện được kết nối với Metro số 1 cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách và tăng thêm lưu lượng tham gia giao thông bằng xe buýt và Metro.

Trước đó, TP.HCM đã đưa 17 tuyến xe buýt kết nối với tuyến Metro số 1. Việc đưa các tuyến xe buýt điện vào hoạt động nằm trong định hướng chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh của TP.HCM. Đến năm 2030, toàn bộ xe buýt trên địa bàn Thành phố sẽ chuyển đổi xe buýt xanh.
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông cộng TP.HCM - cho biết các tuyến xe buýt được thiết kế để kết nối trực tiếp với các nhà ga Metro số 1, giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các khu vực đô thị và ngoại ô. Những tuyến xe buýt này cũng tiếp cận nhiều địa điểm quan trọng như khu dân cư, trường học, trung tâm thương mại và khu công nghiệp, góp phần tăng độ bao phủ mạng lưới xe buýt Thành phố.
Bước khởi đầu xây dựng các tuyến Metro tiếp theo
Nhiều chuyên gia nhận định, việc tuyến Metro số 1 được đưa vào vận hành không phải là đích đến, mà là bước khởi đầu, viên gạch đầu tiên cho hành trình phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM.
Đầu năm 2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết 188, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM. Nắm bắt thời cơ này, TP.HCM đã ban hành kế hoạch đầu tư và hoàn thiện 355 km Metro trong 10 năm.
TS Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - đánh giá đây là một quyết tâm táo bạo, xuất phát từ nhu cầu khách quan và cấp thiết. Vì vậy, việc dốc toàn lực thực hiện là điều quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực lớn từ nhiều phía.
Cũng theo TS Võ Kim Cương, nếu các dự án Metro này thành công, chúng ta không chỉ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc đô thị, từ sự dàn trải đến sự tập trung quanh các nhà ga Metro, mà còn tác động mạnh mẽ đến hoạt động giao thông toàn Thành phố. Giao thông công cộng sẽ dần chiếm ưu thế, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn của TP.HCM trong mắt nhà đầu tư và người dân. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Thành phố.

Còn theo KTS Khương Văn Mười - Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các tuyến Metro phải được phủ đều và kết nối liền mạch thì mới phát huy tối đa các giá trị. Bên cạnh đó, Metro nên kết nối với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai. Việc TP.HCM ban hành kế hoạch hoàn thiện 355 km Metro trong 10 năm có thể nói là quyết định tất yếu.
"Sự kết nối và phủ đều các tuyến Metro sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM. Vì thời gian di chuyển nhanh chóng chính là yếu tố để thu hút nhà đầu tư. Khi đến TP.HCM, điều họ quan tâm là từ điểm này đến điểm kia mất bao nhiêu phút, chứ không phải hỏi đi bằng phương tiện gì hay có kẹt xe không. Điều đó cho thấy, sự hiện diện và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng đóng vai trò rất quan trọng”, KTS Khương Văn Mười chia sẻ.
Theo ông Phan Công Bằng, kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình triển khai tuyến Metro số 1 là bài học quý giá sẽ giúp TP.HCM rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả cho các tuyến Metro tiếp theo. Từ việc xử lý hợp đồng, tổ chức thi công, quản lý dự án cho tới vận hành, tất cả đều góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển đồng bộ hơn trong tương lai.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành thêm 355 km Metro là một nhiệm vụ nặng nề. Tuy nhiên, với cơ chế đặc thù đã có, cộng thêm quyết tâm và sự phối hợp của các cấp, các ngành và người dân, thành phố kỳ vọng sẽ đảm bảo đúng tiến độ. Đặc biệt, sự đồng hành của người dân trong việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ triển khai thi công là yếu tố then chốt để các dự án Metro được thực hiện nhanh và hiệu quả.
Ông Bằng cho rằng, nếu thực hiện đúng tiến độ, mạng lưới Metro sẽ bao phủ hầu hết các khu vực trên địa bàn TP.HCM: từ Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, TP Thủ Đức,...các tuyến xuyên tâm, hướng tâm, vành đai sẽ kết nối liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, từ đó giảm thiểu phương tiện cá nhân.
“Tương tự các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, khi giao thông công cộng phát triển, người dân sẽ dần hạn chế sử dụng xe cá nhân, góp phần giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường”, ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, sự phát triển của đường sắt đô thị còn mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian đô thị. Những khu dân cư hiện hữu, lâu đời nhưng chưa được tổ chức quy hoạch bài bản sẽ được điều chỉnh lại. Nhờ đó, tạo nên những đô thị văn minh, hiệu quả trong khai thác quỹ đất, và mở rộng không gian phát triển về nhiều hướng.
Tuyến Metro số 1 là một trong những công trình đầu tiên được cắm biển công trình cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ban Quản lý đường sắt đô thị đã cắm biển công trình tiêu biểu tại nhà ga Bến Thành. Đây là một trong những công trình đầu tiên tại TP.HCM được gắn biển công trình tiêu biểu chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.
Tuyến Metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 14 ga, kết nối từ trung tâm TP.HCM đến TP Thủ Đức. Đây là tuyến Metro có đoạn đi ngầm đầu tiên của cả nước. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, là dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.