Đô thị

Đến năm 2030, TP.HCM sẽ sử dụng 100% xe buýt điện

Võ Liên 22/05/2025 - 17:45

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ngày 22/5, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.

og-ngo-hai-duong-so-xay-dung.jpg
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM - phát biểu tại họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM - đã thông tin về chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy hệ thống giao thông xanh.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3998 về phê duyệt Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Đề án bao gồm 27 nhóm giải pháp triển khai trong giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có giải pháp: "Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường (CNG, LPG, năng lượng điện hoặc nhiên liệu thay thế khác phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới), thời gian triển khai từ năm 2021 – 2030".

Theo ông Ngô Hải Đường, triển khai giải pháp nêu trên, đến nay hệ thống xe buýt thành phố đã có 138 tuyến với 2.221 xe buýt tham gia hoạt động. Trong đó có 19 tuyến xe buýt điện (với 160 xe) và 18 tuyến xe buýt sử dụng khí CNG (với 528 xe), chiếm 31% đoàn phương tiện sử dụng điện, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Theo đó, Sở Xây dựng đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông với 2 giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn 1 đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh ; ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện; lộ trình đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.

Giai đoạn 2 của Đề án sẽ mở rộng kiểm soát khí thải đến tất cả các phương tiện giao thông, không chỉ xe buýt. TPHCM đang xây dựng chính sách ưu đãi cho cá nhân, tổ chức khi chuyển đổi sang xe điện; đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải theo khu vực; đồng thời xây dựng tiêu chí và quy trình triển khai cụ thể.

Ngoài ra, Sở Xây dựng đã và đang triển khai các công việc liên quan đến công tác chuyển đổi xanh trong giao thông như: xây dựng các bộ định mức, đơn giá cho xe buýt điện; tạo điều kiện và phối hợp với các đơn vị để phát triển hệ thống trạm sạc điện, taxi điện; đưa vào hoạt động xe đạp công cộng, xe điện 4 có gắn động cơ, hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2030, TP.HCM sẽ sử dụng 100% xe buýt điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO