Quy tắc SIAC 2025: Tối ưu hóa quy trình giải quyết tranh chấp cho các bên
Quy tắc SIAC 2025 tiếp tục được cải tiến nhằm tối ưu hóa quy trình giải quyết tranh chấp, nâng cao hiệu quả tố tụng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên khi tiếp cận trọng tài quốc tế.
Ngày 21/3, tại TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Công ty luật TNHH YKVN tổ chức tọa đàm "Giới thiệu Quy tắc SIAC 2025 mới cho doanh nghiệp Việt Nam" - Góc nhìn thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
Chương trình thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia pháp lý, luật sư, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp và sinh viên.

SIAC là trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore, được đánh giá cao nhờ tính linh hoạt, minh bạch và khả năng bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Nắm vững Quy tắc SIAC 2025 để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp
Tọa đàm được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về Quy tắc Trọng tài SIAC 2025, những thay đổi quan trọng so với các quy định trước đây, đồng thời đánh giá tác động thực tiễn đối với hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh quốc tế.
Theo TS Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM, trọng tài quốc tế đã và đang trở thành phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thương mại quốc tế đầy biến động. Trong đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) từ lâu đã được đánh giá cao nhờ khả năng bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.
TS Nam cho rằng, quy tắc Tố tụng Trọng tài của SIAC được coi là một trong những bộ quy tắc tiên tiến và hiệu quả nhất hiện nay. Với phiên bản mới năm 2025, SIAC tiếp tục cải tiến nhằm tối ưu hóa quy trình giải quyết tranh chấp, nâng cao hiệu quả tố tụng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên khi tiếp cận trọng tài quốc tế.
Cũng theo TS Nam, cơ chế quyết định sơ bộ giúp xử lý nhanh những vấn đề pháp lý rõ ràng, thủ tục rút gọn dành cho các tranh chấp có giá trị nhỏ hoặc khi các bên đồng thuận, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí tố tụng. Quy tắc mới cũng cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay cả khi Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, giúp bảo vệ quyền lợi các bên trong những tình huống cấp bách.

Tại chương trình, Luật sư Đặng Khải Minh - Thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore), Thành viên Tòa Trọng tài SIAC tại Việt Nam - cho biết khoảng 20 năm qua, nhiều doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng với các quy tắc trọng tài SIAC, từ các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ lớn cho đến các giao dịch thông thường. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiếp cận và nắm vững các Quy tắc SIAC để bảo vệ quyền lợi trong môi trường pháp lý quốc tế.
Những thay đổi quan trọng trong Quy tắc SIAC 2025
Chia sẻ về thủ tục ngắn gọn (Expedited Procedure) trong trọng tài SIAC, Luật sư Phạm Minh Thắng – thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore) - cho biết thủ tục này sẽ mang lại lợi ích đáng kể, giúp rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp và tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn khi áp dụng, từ việc thiếu hiểu biết về cơ chế trọng tài quốc tế, hạn chế trong việc soạn thảo hợp đồng, cho đến những thách thức về khả năng thích ứng với quy trình tố tụng nhanh gọn nhưng chặt chẽ của SIAC.

Còn đối với thủ tục đẩy nhanh, Luật sư Đỗ Khôi Nguyên - thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore) - nhấn mạnh từ khi SIAC thành lập vào năm 1991 đến năm 2010, cơ chế này chưa xuất hiện. Chỉ từ năm 2010, SIAC mới chính thức áp dụng thủ tục đẩy nhanh cho các tranh chấp có giá trị từ 5 triệu SGD trở xuống.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyên cũng cho biết theo thời gian và tùy theo tình hình lạm phát, mức giới hạn này đã được điều chỉnh lên 10 triệu SGD như hiện nay. Thủ tục đẩy nhanh lại được thiết kế để xử lý các tranh chấp phức tạp với giá trị từ 1 triệu SGD đến 10 triệu SGD. Cơ chế này giúp tăng tốc độ giải quyết tranh chấp, giảm thời gian tố tụng mà vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong xét xử.
Tại chương trình, các chuyên gia đã trình bày về những thay đổi quan trọng trong Quy tắc SIAC 2025, nhấn mạnh vào 4 nội dung chính:
- Thủ tục ngắn gọn: Quy trình tối ưu hóa giúp doanh nghiệp xử lý tranh chấp nhanh chóng, đặc biệt phù hợp với các tranh chấp có giá trị nhỏ;
- Thủ tục đẩy nhanh: Rút ngắn thời gian tố tụng, tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại có yếu tố khẩn cấp;
- Quy trình trọng tài chuẩn: Giúp doanh nghiệp nắm rõ từng bước khi tham gia vào một vụ kiện tại SIAC, từ thông báo trọng tài đến phán quyết cuối cùng;
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời: Cung cấp công cụ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước khi có phán quyết chính thức.