Phương pháp giải nhanh các bài tập hoá học

Như Quỳnh ghi| 28/05/2013 09:40

Theo cô Trần Thu Thảo, gíao viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, một số dạng bài tập hoá học có thể giải bằng phương pháp giải nhanh.

Đặc điểm của bài tập hóa học có phương pháp giải nhanh là: chứa dấu hiệu đặc biệt mà người giải có thể nhận diện để có hướng giải nhanh; có thể tìm ra đáp án nhanh chóng mà không cần làm tuần tự qua các bước; có thể kết hợp nhiều cách giải nhanh trong cùng một bài toán;  đối với các câu trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, có thể giải qua vài bước nhanh, sau đó kết hợp với các lựa chọn để loại suy tìm ra đáp án; cũng có bài chỉ có một phần có thể giải nhanh, còn lại chỉ có thể làm ngắn gọn; có những bài tập có thể giải nhanh nhờ vào các công thức kinh nghiệm do giáo viên đưa ra (VD: công thức tính số ete tạo thành từ bao nhiêu ancol ban đầu, so sánh số mol CO2  và số mol H2 O để kết luận dãy no hay không no…); có những bài tập nếu nhận thấy được sự liên hệ giữa các chất, các nguyên tố thì có thể làm rất ngắn gọn; đối với bài tập trắc nghiệm khách quan, chỉ việc tìm đáp án mà không trình bày cách giải nên trong quá trình giải, có thể bỏ qua các bước không cần thiết, dùng sơ đồ hợp thức… để rút ngắn thời gian làm bài…

Giải nhanh là có thể giải nhanh hơn cách thông thường chứ không phải chỉ cần một, hai phép tính là làm được; giải nhanh cũng nhờ vào kĩ năng tính toán, kĩ năng nhận dạng bài toán… Muốn thế, học sinh phải làm nhiều bài tập mới trở thành kỹ năng được.

Một số dạng bài tập có phương pháp giải nhanh và hướng giải

Các bài tập hóa vô cơ:

- Bài tập cho kim loại có nhiều số oxy hóa (Fe) hoặc hỗn hợp các kim loại tác dụng với các chất oxy hóa qua nhiều giai đoạn, trong đó tạo thành hỗn hợp các chất khiến việc viết phương trình phản ứng  gặp nhiều khó khăn và mất thời gian. Với dạng bài tập này thì việc dùng phương pháp bảo toàn electron là tối ưu và nhanh nhất.

- Bài tập khử oxit kim loại bằng chất khử CO, H­2, Al, cần chú ý điểm đặc biệt của phản ứng đó là việc lấy oxi trong oxit kim loại của CO, H2, Al sẽ dẫn đến tính số nguyên tử oxi trong oxit.

- Bài tập có nhiều quá trình biến đổi qua nhiều giai đoạn, chỉ cần lập sơ đồ hợp thức rồi áp dụng phương pháp bảo toàn nguyên tử để giải.

- Bài tập cho hỗn hợp kim loại với dung dịch axit hoặc hỗn hợp axit giải phóng ra hỗn hợp khí, có thể nghĩ đến vận dụng phương pháp bảo toàn electron, áp dụng định luật bảo toàn khối lượng hoặc áp dụng cách tính khối lượng muối một cách tổng quát.

- Bài tập cho hỗn hợp A gồm một số chất tác dụng với hỗn hợp B cũng gồm một số chất tác dụng với nhau, với bài tập này nên viết phương trình ở dạng ion thu gọn.

- Bài tập gồm hỗn hợp chất có tính chất hóa học khá giống nhau cùng tác dụng với một hoặc một số chất, hỗn hợp kim loại trong cùng một nhóm, phi kim trong cùng một nhóm… Áp dụng phương pháp trung bình hoặc quy đổi.

- Bài tập có hỗn hợp hai khí, hai chất trong cùng dung dịch, bài tập về trộn 2 dung dịch, pha loãng hay cô cạn dung dịch, áp dụng sơ đồ đường chéo.

- Bài toán cho thiếu dữ kiện thì cần kiểm tra khối lượng mol của các chất tham gia phản ứng có bằng nhau hay có gì đặc biệt không rồi dựa vào đó để giải.

Các bài tập hóa hữu cơ:

- Bài tập cho Na, K tác dụng với ancol, phenol, axit, yêu cầu tính khối lượng muối hoặc chất phản ứng... Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng hoặc phương pháp tăng giảm khối lượng để giải hoặc áp dụng cách tính khối lượng muối một cách tổng quát.

- Bài tập cho các dữ kiện có thể suy ra khối lượng của 3 trong 4 chất, có thể nghĩ đến dùng định luật bảo toàn khối lượng.

- Bài tập cho khối lượng hỗn hợp ban đầu và khối lượng hỗn hợp sau phản ứng, có thể vận dụng phương pháp tăng giảm khối lượng để giải.

- Bài tập oxi hóa ancol bằng chất khử CuO, cần chú ý điểm đặc biệt của phản ứng đó là khối lượng chất rắn giảm là do việc lấy oxi trong CuO sẽ dẫn đến tính số mol nguyên tử oxi, và số mol nguyên tử oxi = số mol ancol phản ứng = số mol nước = số mol andehit hoặc xeton.

- Bài tập có nhiều quá trình biến đổi qua nhiều giai đoạn, lập sơ đồ hợp thức rồi áp dụng phương pháp bảo toàn nguyên tử để giải.

- Bài tập về hỗn hợp 2, 3 chất đồng đẳng, cùng nhóm chức, cùng loại nguyên tố… Dùng phương pháp trung bình: cacbon trung bình, số liên kết pi trung bình….

- Bài tập về hỗn hợp nhiều chất, cho các dữ kiện có thể tính khối lượng của các nguyên tố tạo nên các chất trong hỗn hợp (mC, mH, mO…) yêu cầu tính khối lượng của hỗn hợp (sản phẩm hoặc chất tham gia) thì nghĩ đến việc dùng phương pháp bảo toàn nguyên tố. VD: mhiđrocacbon = mC (trong CO2 ) + mH (trong H2 O).

- Bài tập cho thiếu dữ kiện, cần kiểm tra khối lượng mol của các chất tham gia phản ứng có bằng nhau hay có gì đặc biệt không rồi dựa vào đó để giải.

- Bài tập có hỗn hợp hai khí, hai chất trong cùng dung dịch, tính được khối lượng mol trung bình, cần tính số mol hoặc tỉ lệ mol của chất đó, áp dụng sơ đồ đường chéo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương pháp giải nhanh các bài tập hoá học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO