Đưa trường học thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Việc nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ trong giáo dục sẽ giúp các trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo.
Tối 15/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục khai giảng lớp bồi dưỡng, huấn luyện online “Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ” cho hơn 100 học viên thuộc ngành giáo dục TP.HCM, từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… cho đến trung cấp và cao đẳng; cùng các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về quản trị tài sản trí tuệ.

Khóa học sẽ có 8 buổi học trực tuyến qua ứng dụng Zoom, Google Meet, với 6 chuyên đề: Nhận diện tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục; Xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ tại cơ sở giáo dục; Thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ sở giáo dục… dưới sự giảng dạy của các chuyên gia trong lĩnh vực.
Sau khi kết thúc khóa học, học viện sẽ được cấp giấy chứng nhận từ Sở KH&CN TP.HCM và Học viện Quản lý Giáo dục nếu hoàn thành bài trắc nghiệm gồm 30 câu (đúng từ 15 câu trở lên) và tham gia ít nhất 80% số buổi học.
Theo ông Trần Trọng Tuyên - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, từ khi sát nhập đây là đầu tiên tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện về sở hữu trí tuệ trong ngành giáo dục là hoạt động có ý nghĩa thiết thực và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ông Tuyên cho rằng, thầy cô không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà còn là người khơi nguồn sáng tạo, dẫn dắt thế hệ trẻ bước vào thế giới tri thức số, nơi mà mỗi ý tưởng đều có thể trở thành một tài sản quý giá.
“Từ những sáng kiến giảng dạy, giáo trình đổi mới, đến các sản phẩm nghiên cứu khoa học trong nhà trường - tất cả đều có thể trở thành tài sản trí tuệ nếu được quản trị đúng cách. Việc nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ trong giáo dục sẽ giúp các trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo”, ông Tuyên chia sẻ.

Đặc biệt, trường học cũng là môi trường lý tưởng để hình thành và nuôi dưỡng văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng. Chính tại đây, học sinh được giáo dục về giá trị của sáng tạo, về quyền và trách nhiệm khi sử dụng tài sản trí tuệ của người khác và biết cách bảo vệ thành quả của chính mình.
“Khi văn hóa sở hữu trí tuệ được gieo mầm từ ghế nhà trường, chúng ta sẽ có một thế hệ công dân số hiểu biết, tôn trọng tri thức và sẵn sàng đổi mới”, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, trong bối cảnh TP.HCM đang tích cực triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc tổ chức lớp “Bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực Quản trị tài sản trí tuệ năm 2025” dành cho đội ngũ giáo viên, cán bộ trường học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thông qua lớp học này, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng quản trị tài sản trí tuệ trong môi trường giáo dục. Đồng thời cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng bảo hộ, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ cho giáo viên. Lớp học cũng sẽ góp phần hình thành và lan tỏa văn hóa sở hữu trí tuệ trong môi trường giáo dục và nghiên cứu.
“Trong quá trình học tập, học viên sẽ tiếp cận 6 chuyên đề thiết thực về sở hữu trí tuệ do các chuyên gia uy tín giảng dạy. Đây là cơ hội quý báu để trang bị kiến thức cơ bản, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tại đơn vị”, PGS.TS Thuần chia sẻ.
Ngày 8/8, Sở KH&CN TP.HCM và Học viện Quản lý Giáo dục sẽ tiếp tục khai giảng lớp bồi dưỡng “Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ” khóa thứ 2. Thông qua các chuyên đề chuyên sâu và thực hành, học viên sẽ nắm bắt được vai trò của tài sản trí tuệ trong đổi mới sáng tạo, biết cách ghi nhận, bảo hộ và khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển giao tri thức và hoạt động sáng tạo tại đơn vị.