Giáo dục

Vào lớp 1, học sinh được làm quen với kỹ năng công dân số

Võ Liên 02/07/2025 - 11:40

Tại TP.HCM, để hình thành năng lực số cho học sinh, các trường học đã trang bị các kiến thức và kỹ năng thông qua chương trình giáo dục kỹ năng công dân số.

z6763381221397_63f6da6e113c8bb1fd957c6356a50ff3.jpg
Học sinh thích thú trong buổi học về những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội.

Không gây quá tải cho chương trình học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện khung năng lực số cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên. Trong hướng dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo tính phù hợp và thực tiễn, quá trình triển khai cần được thực hiện từng bước, có lộ trình đồng bộ, đảm bảo tính khả thi. Đặc biệt, việc triển khai không làm thay đổi hay gây quá tải cho chương trình học.

Trong công tác triển khai, môn tin học giữ vai trò chủ đạo, cung cấp kiến thức nền tảng và hệ thống các kỹ năng số cốt lõi cho học sinh; các môn học và hoạt động giáo dục khác tạo môi trường để học sinh vận dụng kỹ năng số vào thực tiễn, qua đó củng cố và phát triển năng lực một cách toàn diện.

Trên thực tế, tại TP.HCM, việc hình thành năng lực số cho học sinh đã được ngành giáo dục sớm quan tâm, triển khai nhằm giúp hình thành và phát triển 5 thành phần năng lực tin học cho học sinh. Cụ thể: Sử dụng và quản lý các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông; Ứng xử phù hợp trong môi trường số; Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông; Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; Hợp tác trong môi trường số thông qua các chủ đề nội dung.

sinh-hoat-chuyen-de-ky-nang-cong-dan-so.jpg
Các trường tiểu học tại TP.HCM tổ chức sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng công dân số.

Sau thời gian thí điểm tại 44 trường tiểu học trong học kỳ 2 năm học 2023-2024, từ năm học 2024-2025, giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học đã được các cơ sở giáo dục tại TP.HCM đưa vào giảng dạy đại trà thông qua 4 hình thức: Dạy học môn tin học Chương trình GDPT 2018. Đây là hình thức chủ đạo, cơ bản trong các hình thức giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học; Tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số trong dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; Dạy học tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số; Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.

Học sinh phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo

Tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị (phường Cầu Ông Lãnh, TP.HCM), việc đưa giáo dục kỹ năng công dân số trong năm học 2024-2025 được nhà trường lựa chọn hình thức tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục ở cả 5 khối lớp đã mang đến màu sắc mới cho những giờ học.

hoc-sinh-.jpg
Học sinh trong buổi học về kỹ năng công dân số.

Sau một năm triển khai tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, cô Lê Thị Kiều Nhi - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/4, Trường tiểu học Phan Văn Trị - cho biết học sinh, phụ huynh rất thích các tiết học có sử dụng thiết bị thông minh.

Theo cô, với học sinh lớp 1, giáo dục kỹ năng công dân số chỉ đơn giản ở mức hình thành cho các em kỹ năng làm quen với thao tác sử dụng trên máy tính.

“Vào giờ học tích hợp kỹ năng công dân số có sử dụng thiết bị thông minh, giáo viên sẽ báo trước cho phụ huynh để nhờ phụ huynh hỗ trợ, cho con mang thiết bị đến trường. Khi tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số ngay trong tiết học các em được tương tác với thiết bị, giao tiếp với chính bạn bè, thầy cô, có nhiều ý tưởng hơn và thích thú hơn rất nhiều”, cô Nhi chia sẻ.

Thầy Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị - chia sẻ lựa chọn hình thức tích hợp giảng dạy trong năm đầu tiên trước hết dựa trên đặc thù đối tượng học sinh, phụ huynh của trường. Hình thức này cũng nhằm giúp giáo viên được “quen tay”, không bị ngợp, áp lực khi đưa thêm một nội dung mới vào giảng dạy; đồng thời giúp học sinh bước đầu làm quen với những nội dung mới về khái niệm kỹ năng công dân số. Đặc biệt là để phụ huynh hiểu được ý nghĩa, vai trò, mục đích, nội dung triển khai của giáo dục kỹ năng công dân số, từ đó có sự đồng hành, chia sẻ trong các năm tiếp theo.

“Do lựa chọn hình thức triển khai phù hợp, không gây quá tải cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh, trong năm đầu tiên triển khai giáo dục kỹ năng công dân số, giáo viên đã rất mạnh dạn tổ chức các hoạt động có ứng dụng công nghệ thông tin để học sinh vận dụng vào các vấn đề thực tế. Học sinh vô cùng hào hứng, thích thú trong mỗi giờ học tích hợp, thông qua các trải nghiệm thực tế các em hình thành nên những kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng khối lớp. Đặc biệt, từ phía phụ huynh đã có sự chia sẻ, đồng hành…”, thầy Thái đánh giá.

ky-nang-cong-dan-so.jpg
Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - nhấn mạnh việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi đây là độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông. Việc giúp các em có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro, nguy hiểm trực tuyến. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ giúp học sinh phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, nội dung giáo dục kỹ năng công dân số dành cho học sinh tiểu học được TP.HCM triển khai bao gồm chương trình GDPT môn tin học và các nội dung được xác định dựa trên khung năng lực số dành cho học sinh tiểu học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh tiểu học và điều kiện của nhà trường. Bảo đảm mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học/hoạt động giáo dục có liên quan, thúc đẩy tổ chức dạy học tích hợp, giáo dục STEM; không gây áp lực, quá tải cho học sinh và giáo viên.

Là một đơn vị tiên phong phát triển và cung cấp các giải pháp giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh Việt Nam, bà Trần Ánh Ngân Sa - Giám đốc chuyên môn KDC Education - cho rằng việc ban hành khung năng lực số cũng như văn bản hướng dẫn triển khai sẽ tạo một tiền đề tốt để thúc đẩy các trường học đẩy mạnh việc rèn luyện và hình thành sớm các kỹ năng thiết yếu của công dân số cho học sinh. Từ đó giúp các em có thể học tập và làm việc hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào lớp 1, học sinh được làm quen với kỹ năng công dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO