Người trẻ ở Việt Nam dễ mắc bệnh thận vì thường lạm dụng thuốc tây
Ngày 14/3, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thực hiện ca ghép thận thứ 11, và chuẩn bị cho ca ghép thận thứ 12. Hai bệnh nhân được ghép thận còn trẻ tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do lạm dụng thuốc hoặc thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Người trẻ mắc suy thận giai đoạn cuối ngày càng nhiều
PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), chia sẻ: "Đây là hiện thực rất đau lòng. Nhiều bệnh nhân vào viện vì suy thận mới 18, 19, 20 tuổi hay ở độ tuổi 30, 40, 50."
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Thống Nhất, một bệnh viện chuyên ngành Lão khoa, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh thận mạn là 20%; còn ở nhiều cơ sở y tế có chuyên khoa thận, tỷ lệ này có thể lên đến 60 -70%.
“Rất nhiều bệnh nhân trẻ nhập viện cấp cứu vì phù, hoặc không có nước tiểu, mới biết mắc bệnh thận, thậm chí là suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, bệnh lý tim mạch, tính mạng bị đe dọa… Bên cạnh đó, nhóm bệnh mắc bệnh lý thận diễn tiến âm thầm cũng dễ dẫn đến suy thận mạn, cần chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Khi đó chi phí điều trị vô cùng tốn kém, chất lượng cuộc sống có thể bị suy giảm. Những người trẻ tuổi có thể phải nghỉ việc dài ngày, một tháng hoặc hơn, để theo đuổi điều trị,” PGS.TS.BS Bách nói.
Một nam bệnh nhân (sinh năm 1980, ngụ ở Gò Vấp) chia sẻ: “Sức khỏe tôi rất tốt, chưa bao giờ tôi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bất ngờ, cách đây 4 năm, tôi đột nhiên cảm thấy hoa mắt, chóng mắt, nhức đầu, da đột nhiên bị sạm, tay chân bắt đầu bị phù. Đến khi đi khám, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị suy cả hai quả thận, cần phải chạy thận.”
Hay một bệnh nhân nam khác khoảng 40 tuổi cho biết anh phát hiện bị suy thận khi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất vì không đi tiểu được, phù cả người. Anh được lọc thận cấp cứu trong 3 ngày mới dần hồi tỉnh lại.
8 nguyên tắc vàng phòng bệnh thận
1, Phải tập thể dục thường xuyên
2, Chế độ ăn uống: đạm động vật đừng quá nhiều, cân đối giữa đạm thực vật và đạm động vật như đậu hũ nhồi thịt; đừng ăn quá nhiều muối
3, Phòng ngừa bệnh lý đái tháo đường vì sớm muộn sẽ suy thận
4, Phòng ngừa tăng huyết áp
5, Không hút thuốc lá
6, Ý thức về các xét nghiệm tầm soát sức khỏe định kỳ
7, Không tự ý sử dụng thuốc, sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, vì thận là cơ quan đào thải, hứng chịu hết mọi độc chất trong cơ thể
8, Đừng quên uống đủ nước cho đến khi kiểm tra thấy màu nước tiểu trong
Người trẻ còn chủ quan trong ăn uống, sinh hoạt
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Bách, nguyên nhân dẫn đến suy thận ở những người trẻ thường là do chúng ta quá ỷ y rằng chúng ta trẻ, khỏe nên ăn uống vô tội vạ, bên cạnh đó là lạm dụng thuốc men.
“Ở người trẻ, đặc biệt là nam giới, thường có hai bệnh lý thận dễ dẫn đến suy thận mạn là viêm cầu thận và viêm ống thận kẽ do sử dụng thuốc và hóa chất. Viêm cầu thận thường thể hiện ở huyết áp cao. Đặc biệt, người trẻ ở Việt Nam cứ ho, cảm, sốt là ra tiệm thuốc mua thuốc uống; bên cạnh đó là thói quen sử dụng thuốc đông y theo truyền miệng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, của người dân, càng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận,” PGS.TS.BS Bách cảnh báo.
Tại Việt Nam, bên cạnh làn sống bệnh thận do đái tháo đường và tăng huyết áp - thường gặp ở người cao tuổi, còn có làn sóng bệnh thận ở người trẻ, chúng ta vẫn chưa ngăn chặn kịp. Làm sao để phát hiện bệnh thận sớm, đặc biệt ở người trẻ.
Bởi người trẻ ảnh hưởng sức khoẻ, lao động, hạnh phúc gia đình, cực kỳ quan trọng với gia đình và xã hội. Chương trình tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ mà Bệnh viện Thống Nhất tổ chức kỳ vọng góp phần “ngăn chặn” xu hướng trẻ hóa của bệnh lý thận.
- PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa khoa Lọc thận, Bệnh viện Thống Nhất
PGS.TS.BS Nguyễn Bách khuyên rằng hãy khởi đầu ngày làm việc bằng 300ml nước, đó là 1 trong 8 nguyên tắc vàng để dự phòng bệnh thận. Đi tiểu xong, chúng ta cần quan sát nước tiểu, nếu có bất thường như nước tiểu có màu đỏ, có bọt bất thường phải đi khám ngay. Nếu nước tiểu màu vàng có nghĩa là uống chưa đủ nước, uống đến khi nước tiểu trong có nghĩa là uống đủ nước.
PGS.TS.BS Nguyễn Bách khuyến nghị thêm: “Việc tầm soát sức khỏe định kỳ hằng năm trong phát hiện sớm các bệnh lý thận rất đơn giản bao gồm đo huyết áp, vì bệnh thận có liên quan đến tăng huyết áp; xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu với chi phí xét nghiệm thấp chỉ vài chục ngàn đồng; xét nghiệm máu, đo độ lọc cầu thận cũng chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Đối với trường hợp có nguy cơ sẽ được thực hiện kiểm tra chuyên sâu hơn.”
Chương trình ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) bắt đầu từ năm 2022, đến nay đã có 11 cặp ghép thận. Ca thứ 11 được ghép trong ngày 14/3 là từ người cho không cùng huyết thống - vợ cho chồng. Sắp tới, các bác sĩ cũng sẽ thực hiện thêm 1 ca ghép thận cũng từ vợ cho chồng.
“Khi chúng tôi thuyết phục vợ cho chồng, cô ấy đã từng nói cứu chồng là cứu được hai đứa con. Hai đứa con có cuộc sống hạnh phúc bên cạnh bố mẹ nên cô đã vui vẻ, thoải mái hiến ghép tạng. Chúng tôi rất cảm kích và xúc động trước tình cảm của người vợ hy sinh cho chồng. Chúng tôi càng cảm thấy trách nhiệm, càng phải thực hiện các ca ghép thật tốt để bảo đảm hiệu quả điều trị tốt nhất,” PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ.
Trong việc chọn thận ghép, các bác sĩ bao giờ cũng ưu tiên chọn những người cùng huyết thống. Tuy nhiên, như ở cặp ghép thứ 11, ba mẹ bệnh nhân dưới 60 tuổi nhưng có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp; anh chị em cũng có bệnh nền. Cuối cùng người vợ quyết định hiến thận. Việc ghép tạng không cùng huyết thống thường sẽ khó hơn, trách nhiệm của nhân viên y tế cao hơn, cần xét nghiệm kỹ, ê kíp mổ tốt, theo dõi sau ghép cẩn thận.
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế cho biết, Việt Nam hiện đã thực hiện hơn 7.500 ca ghép tạng, nhưng ghép tạng từ người cho chết não chỉ khoảng 150 trường hợp. Ở các nước đang phát triển, hiểu biết người dân chưa cao với những suy nghĩ của văn hóa Á Đông nên người cho chết não còn khá ít, đành phải thực hiện từ người cho sống.