Chiến lược phát triển hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
Sáng ngày 4/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”

Hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại: Gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, khi chiếm tới 60 - 70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10 - 15% còn lại là gạo thường. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao.
Bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, hội thảo sẽ tập trung thảo luận các chiến lược phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, hướng đến việc nâng cao giá trị và chất lượng hạt gạo Việt trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của thị trường quốc tế.
Với chủ đề “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, hội thảo sẽ tập trung vào việc tìm ra các giải pháp đột phá để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành lúa gạo. Các chuyên gia và nhà quản lý sẽ cùng nhau thảo luận về việc định vị lại giá trị của hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao ra thế giới. Đây là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức trong ngành giao lưu, trao đổi và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho tương lai của ngành lúa gạo Việt Nam.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, hội thảo là sự kiện có ý nghĩa chiến lược đối với ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chuỗi ngành hàng lúa gạo.
Theo ông Hè, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạt gạo của Việt Nam đã được khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo có những bước thăng trầm, đời sống của người nông dân trồng lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người trồng lúa còn thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng yêu cầu ngày càng cao, vấn đề thương hiệu…
Ông Hè cũng cho biết, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là một cơ hội, là giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển. Việc triển khai đề án trong thời gian qua đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tỉnh, thành trong khu vực tích cực triển khai ngay từ bước ban đầu.
“Hội thảo là dịp để các nhà chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ những giải pháp, định hướng, cách làm hay, những giải pháp về khoa học công nghệ để thúc đẩy ngành hàng lúa gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội để hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân giao lưu, kết nối tạo cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo trong kỷ nguyên mới”, ông Hè nói.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua số liệu xuất khẩu ấn tượng và định hướng nâng cao giá trị sản phẩm.
Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.
Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới. Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Để đạt được các mục tiêu trên, VFA kiến nghị đối với các bộ, ngành liên quan:
Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao và tăng cường xúc tiến thương mại.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo.
Thứ ba, Bộ Tài chính cần đưa ra hướng dẫn cụ thể về xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.
Thứ tư, Bộ Công Thương cần tăng cường thông tin về xuất khẩu, điều chỉnh quản lý xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường và đàm phán mở cửa thị trường.
Thứ năm, Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng Cái Cui và nâng cấp kênh Quan Chánh Bố ở ĐBSCL để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Cuối cùng, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu, đánh giá thổ nhưỡng và thu hút đầu tư vào chế biến lúa gạo.


